Nâng cao hiệu quả các ngành kinh tế biển

Thứ Năm, 27/05/2021, 20:12 [GMT+7]
In bài này
.

Nước ta có bờ biển dài hơn 3.260km, có diện tích các vùng lãnh hải thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán hơn 1 triệu km vuông, với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và hơn 3.000 đảo, quần đảo khác. Hơn 50% dân số của cả nước sinh sống tại 28 tỉnh, thành phố ven biển, có nhiều tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biển, như: Giao thông vận tải biển, khai thác và chế biến  khoáng sản; khai thác, nuôi trồng và chế biến hải sản; phát triển du lịch biển…

Xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước, Nghị quyết số 36 NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nêu rõ: Kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm 65-70% GDP cả nước; các ngành kinh tế biển phát triển bền vững theo các chuẩn mực quốc tế; thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố ven biển gấp từ 1-2 lần bình quân cả nước. Đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào kinh tế đất nước.

Tỉnh BR-VT có hơn 156km bờ biển, thềm lục địa rộng 100.000km vuông có nguồn tài nguyên phong phú, đặc biệt là trữ lượng dầu mỏ lớn nhất cả nước. Với lợi thế đó, BR-VT hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển các ngành kinh tế biển, như: Khai thác và chế biến dầu khí; khai thác cảng biển và vận tải biển; khai thác và chế biến hải sản; phát triển du lịch nghỉ dưỡng và tắm biển. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh BR-VT lần thứ VII (nhiệm kỳ 2021-2025) đã xác định rõ 3 khâu đột phá và 9 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, với quyết tâm tiếp tục phát triển BR-VT thành tỉnh mạnh về công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt, BR-VT luôn xác định phát triển kinh tế biển phải theo hướng bền vững, trên cơ sở tài nguyên biển và hải đảo được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý và hiệu quả, bảo vệ môi trường và bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia.

Trong thời gian qua, kinh tế biển của cả nước nói chung và của nhiều địa phương có biển nói riêng đã có nhiều đóng góp quan trọng vào các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế biển của nhiều tỉnh, thành phố ven biển còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Trong đó, đáng chú ý là phát triển kinh tế biển chưa gắn kết hài hòa với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Một số địa phương có biển chưa khai thác được các lợi thế từ biển hoặc lợi ích kinh tế biển mang lại chưa lớn, chưa thực sự bền vững. Nhiều ngành kinh tế biển phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; lợi thế cửa ngõ vươn ra thế giới chưa được phát huy đầy đủ. Hệ thống cảng biển tuy đã được quy hoạch, nhưng chưa được đầu tư đồng bộ, chưa phát huy được hiệu quả liên kết vùng và giao thông kết nối, dẫn đến tình trạng mất cân đối, gây lãng phí nguồn lực đầu tư. Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa xây dựng  được các tập đoàn kinh tế mạnh về biển có khả năng cạnh tranh trong khu vực và thế giới. Việc khai thác các tài nguyên biển chủ yếu vẫn ở vùng ven bờ, ở tầng nước mặt hoặc vùng nước nông; đời sống của một bộ phận người dân vùng biển vẫn còn nhiều khó khăn…

Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định rõ “Khai thác các thế mạnh của biển, tạo ra động lực tăng trưởng nhanh” và đặt ra yêu cầu cần phải tiếp tục “Thực hiện tốt Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển” trên cơ sở “Đẩy mạnh phát triển và nâng cao hiệu quả các ngành kinh tế biển”. Theo định hướng, sẽ có 6 ngành kinh tế biển được xác định theo thứ tự ưu tiên: Du lịch và dịch vụ biển; Kinh tế hàng hải; Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển; Nuôi trồng và khai thác hải sản; Công nghiệp ven biển; Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới.

Phát triển và nâng cao hiệu quả các ngành kinh tế biển trên cơ sở hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật về kinh tế biển. Đồng thời, tiếp tục nâng cấp và phát huy vai trò của các ngành kinh tế biển đã được định hình; trong đó cần chú trọng vai trò liên kết chặt chẽ, có hiệu quả giữa các vùng nhằm phát huy lợi thế của từng địa phương. Các mô hình khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị ven biển cần được xây dựng theo hướng bền vững và bảo đảm môi trường sinh thái.

HOÀNG LÊ

 
;
.