Danh ca Bạch Yến chưa quên tuổi ngọc

Thứ Sáu, 20/09/2019, 08:24 [GMT+7]
In bài này
.

Tôi nhớ lần đầu tiên nghe bài Cho em quên tuổi ngọc của nhạc sĩ Lam Phương tại một quán café bình dân trong hẻm nhỏ Sài Gòn: “Cho em quên cơn mộng ảo xa xôi thơ ngây ngày nào/Em quên được phút trong tay mưa bay dạt dào/Ðến muôn đời sau/em không còn nhớ yêu thương bên nhau lần đầu”.

Danh ca Bạch Yến hồi 15 tuổi.
Danh ca Bạch Yến hồi 15 tuổi.

Tôi nhớ mãi cảm xúc day dứt, sâu lắng mà nữ ca sĩ trình  diễn đã đem lại qua bài hát này không chỉ bởi chất giọng trời phú với lối trình bày đẹp từ nốt trầm đến nốt cao nhất của chị, mà trong mỗi luyến láy thổn thức còn kể về những thăng trầm, truân chuyên của chính người hát, khiến từng câu chữ thăng hoa, gợi mở đa chiều rồi hóa giải nhẹ nhàng vào âm nhạc, đó chính là danh ca Bạch Yến.

NGHỆ SĨ VIỆT ĐẦU TIÊN CHẠM NGÕ HOLLYWOOD

Danh ca Bạch Yến tên thật là Quách Thị Bạch Yến, sinh năm 1942 tại Sóc Trăng, có cha là người Triều Châu (Trung Quốc) và mẹ là người Việt. 9 tuổi, Bạch Yến theo học tiểu học Trường La providence, Cần Thơ, gia nhập đoàn thánh ca nhà thờ để làm quen với âm nhạc. Năm 1953, về Sài Gòn, Bạch Yến tham gia cuộc thi tiếng hát nhi đồng do Đài Phát thanh Pháp Á tổ chức và đoạt ngay Huy chương vàng. Được vinh quang này, Bạch Yến lại đối mặt với mất mát khác. Cha của chị đòi đem cả nhà sang Campuchia định cư. Mẹ Bạch Yến lại không muốn xa quê hương nên cương quyết ở lại. Thế là họ chia tay! Mẹ con Bạch Yến sống chen chúc trong một căn nhà nhỏ ở một con hẻm trên đường Cao Thắng nhưng cũng chẳng được bình yên. Một cơn hỏa hoạn đã thiêu rụi căn nhà này.

Mới 14 tuổi, Bạch Yến đã cố trang điểm cho già dặn hơn để đến các vũ trường, phòng trà xin làm ca sĩ, những mong kiếm tiền để phụ giúp mẹ. Nơi Bạch Yến đến gõ cửa đầu tiên là phòng trà Trúc Lâm trên đường Phạm Ngũ Lão do hai nhạc sĩ Mạnh Phát và Ngọc Bích làm chủ. Chỉ mới thử giọng lần đầu, Bạch Yến đã được thu nhận với khoản thù lao hết sức khiêm tốn. Từ phòng trà Trúc Lâm, Bạch Yến tiến lên phòng trà Hòa Bình, được khán giả tán thưởng nồng nhiệt qua các ca khúc Bến cũ, Gái xuân… và một số bài hát Pháp: Tango Blue, Étoile Des Neiges… Năm 1957, khi Bạch Yến tròn 15 tuổi, công chúng sành nhạc đặc biệt nhớ khi ca khúc “Đêm đông” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương được Bạch Yến chuyển từ điệu tango sang slowrock. Ca khúc này cũng theo suốt con đường thành công của chị.

Năm 1961, khi đã rất nổi tiếng, Bạch Yến lại cùng với mẹ sang Pháp học hỏi những tinh hoa của âm nhạc Tây phương. Bạch Yến được ông Phạm Văn Mười nhận làm ca sĩ, hát tại nhà hàng sang trọng La Table Du Mandarin do ông ta làm chủ trên đường Rue de l Echelle, quận 1, Paris. Trong thời gian này, Bạch Yến được hãng Polydor của Pháp mời thâu đĩa và lưu diễn một số nước châu Âu.

Năm 1963, Bạch Yến quay về Việt Nam và trụ lại phòng trà Tự Do của ông Ngô Văn Cường, một người từng sống lâu năm ở Pháp. Bấy giờ Bạch Yến đã bước sang tuổi 21, và đã trải qua 7 năm sống đời ca hát với những thành công rực rỡ. Chị được nhiều phòng trà, vũ trường mời gọi.

Năm 1965, Bạch Yến được giới thiệu với chương trình ca nhạc truyền hình “Ed Sullivan Show” nổi tiếng, thu hút gần 40 triệu người xem trên toàn nước Mỹ. Bạch Yến ra điều kiện chỉ nhận lời nếu có mẹ cùng đi. Yêu cầu của chị được đáp ứng. Theo hợp đồng, Bạch Yến sẽ lưu lại Hoa Kỳ 12 ngày. Chị đã xuất hiện trong chương trình “Ed Sullivan Show” danh giá với ca khúc “Đêm đông” bất hủ của Việt Nam và ca khúc nổi tiếng If I have a hammer của Mỹ. Bạch Yến ở lại Mỹ không chỉ 12 ngày mà tới 12 năm, đi lưu diễn trên khắp Hoa Kỳ và nhiều nước châu Mỹ: Canada, Mexico, Brasil, Venezuela, Colombia, Panama… bên cạnh những tên tuổi lớn của thế giới: Bob Hope, Bing Crosby, Mike Douglas, Joey Bishop, Pat Boone… Nghệ sĩ dương cầm lừng danh của Hoa Kỳ Liberrace, danh ca Frankie Avalon và Mike Qayne đã mời Bạch Yến về Hollywood, hát cho bộ phim nổi tiếng “Green Berets”.

THEO CHỒNG HƯỚNG VỀ NGUỒN CỘI

Xinh đẹp, tài hoa và thành danh rất sớm tại phương Tây nên dù có rất nhiều người theo đuổi trong đó có nhạc sĩ Lam Phương với chùm ca khúc viết tặng riêng Bạch Yến (“Cho em quên tuổi ngọc” là một bài nổi bật trong chùm ca khúc này) nhưng khi gặp nhạc sĩ Trần Quang Hải con trai Giáo sư Trần Văn Khê, tại Paris, chưa đầy 24 giờ anh đã ngỏ lời cầu hôn chị và “cấp tốc” gửi 400 thiệp cưới đến họ hàng, bạn bè khiến Bạch Yến vừa xúc động ngỡ ngàng. Theo chồng, Bạch Yến dần đắm đuối với dân ca. Chị đã cùng chồng đi hơn 70 quốc gia trên thế giới biểu diễn, giới thiệu dòng nhạc dân ca thuần tuý của Việt Nam. Năm 1983, vợ chồng chị đoạt giải thưởng danh giá “Grand Prix du Disque de L’cadémie Charles Cros” cho đĩa dân ca cổ.

Dù nay đã trên 70 tuổi, danh ca Bạch Yến vẫn sắp xếp về quê hương để gặp gỡ và trình diễn với khán giả nước nhà, chị vẫn tiếp tục truyền ngọn lửa đam mê âm nhạc và một đẳng cấp trình diễn hiếm có với giọng ca đầy mê hoặc của mình làm nức lòng nhiều thế hệ người hâm mộ: “Chiều chưa đi màn đêm rơi xuống/Đâu đấy buông lững lờ tiếng chuông/Đôi cánh chim bâng khuâng rã rời/Cùng mây xám về ngang lững trời” (Đêm đông - Nguyễn Văn Thương)

VŨ THANH HOA

;
.