Vũ Đức Sao Biển về đóa đẫm tương tư

Thứ Sáu, 08/05/2020, 22:11 [GMT+7]
In bài này
.

Lúc 23h35 ngày 6/5, công chúng yêu nhạc Việt đau buồn khi biết tin nhà văn, nhà báo, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, bút danh ông Đồ Bì quen thuộc trên Tuổi Trẻ Cười những năm qua - vừa qua đời tại nhà sau thời gian dài chống chọi với bệnh ung thư phổi. Thế là Hoàng Hạc đã bay về trời, người nhạc sĩ tài hoa với nhiều nhạc phẩm ghi dấu trong lòng người hâm mộ đã về với “đóa đẫm tương tư”.

Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển.
Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển.

Ta vẫn chờ em dưới gốc sim già đó,

Để hái dâng người một đóa đẫm tương tư.

Đêm nguyệt cầm ta gọi em trong gió.

Sáng linh lan hồn ta khóc bao giờ

NGƯỜI NGHỆ SĨ ĐA TÀI

Vũ Đức Sao Biển tên thật là Võ Hợi, sinh năm 1948 tại Tam Kỳ, Quảng Nam. Năm 18 tuổi, ông vào Sài Gòn học Đại học Sư phạm (ban Việt - Hán) và Đại học Văn khoa (ban Triết học phương Đông). Tháng 10 năm 1970, ông tốt nghiệp rồi xuống Bạc Liêu dạy học các môn Văn và Triết học bậc trung học tại Trường Công lập Bạc Liêu cho đến năm 1975.

Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực: phong trào thanh niên, báo chí, văn thơ, nhạc... tại Sài Gòn và miền Nam trước 1975.

Từ 1975 đến cuối đời, Vũ Đức Sao Biển viết báo chí và sáng tác ca khúc. Ông viết báo ở nhiều lĩnh vực: chính sự, xã hội, tòa án, đặc biệt ông là cây bút của Tuổi Trẻ Cười với bút danh Đồ Bì được nhiều bạn đọc mến mộ.

Năm 1999, theo gợi ý của Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Nguyễn Văn Út, ông tiến hành phục dựng lại bài Dạ Cổ Hoài Lang, đem cho nhạc sĩ Quốc Dũng hòa âm và ca sĩ Hương Lan, Hạnh Nguyên trình diễn lần đầu tiên trên sóng VTV.

Năm 2009, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh mời ông thỉnh giảng hai môn “Tạp văn và tiểu phẩm” và “Tường thuật chuyên ngành văn hóa - nghệ thuật” cho Khoa Báo chí - Truyền thông của trường này.

Năm 2013, ông cùng ba nhà báo Anh Đức, Liêu Phúc Minh, Tố Loan dịch tiếp bản Dạ Cổ Hoài Lang ra ba thứ tiếng Anh, Pháp và Quan thoại.

Vũ Đức Sao Biển có khoảng 36 đầu sách đã xuất bản, sáng tác hơn 60 ca khúc, trong đó có những ca khúc đi vào lòng người như: Thu hát cho người, Điệu buồn phương Nam, Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang... Ông còn là người đam mê tiểu thuyết kiếm hiệp, đặc biệt say mê tác phẩm của Kim Dung, đã xuất bản bộ sách Kim Dung giữa đời tôi rất được bạn đọc ủng hộ (Gồm 4 tập: thượng, trung, hạ, kết).

TƯƠNG TƯ NHỮNG MỐI TÌNH ĐẸP

Trong những bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển như Điệu buồn phương Nam, Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang, Đau xót lý chim quyên, Trở lại Bạc Liêu, Trên sóng Cửu Long... tôi đã thuộc nằm lòng ca khúc Thu, hát cho người với những ca từ đẹp và giai điệu đi vào lòng người:

Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt.

Mùa thu nào đưa người về thăm bến xưa.

Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ.

Về đồi sim, ta nhớ người vô bờ

Trong một lần trả lời phỏng vấn, đáp lại sự tò mò của công chúng suốt bao năm qua về hình ảnh đằng sau “Thu” là ai? Sau đó nhà báo Dương Quang đã nhận được lời tâm sự của nhạc sĩ gửi qua Email khá dài với nội dung sau: “Thu” trong ca khúc Thu hát cho người là một nữ sinh xinh đẹp, học Trường Trần Quý Cáp (Hội An, Quảng Nam) từ năm 1961-1968. Người ấy học dưới Vũ Đức Sao Biển hai lớp, ở cùng làng, thường đi học chung trên con đường từ quê Duy Vinh (vùng đông Duy Xuyên) qua Cẩm Kim (Hội An). Cứ chiều thứ Bảy, họ từ Hội An về lại làng, chiều Chủ nhật lại từ làng qua Hội An. Đường xa 5 cây số, qua hai lần đò, họ cùng đi bộ với nhau 4 năm. Cô gái này luôn luôn giành đi trước nên trong nhạc phẩm Đôi mắt, Vũ Đức Sao Biển mô tả: “Đường tre xanh mát qua bãi dâu/ Em giành đi trước bỏ tôi lại sau/ Những chiều qua sông không có nhau/ Tôi về bên bãi dâu xanh chờ em, em có biết”. Vũ Đức Sao Biển cho hay: “Thu” chỉ là tên hai chúng tôi gọi nhau, đó là tên ở nhà. Tên thật đi học của cô gái này là H. Do vậy, Thu, hát cho người là niệm khúc cuối của một mối tình trong sáng, hồn nhiên, kết thúc không có hậu. Khi từ Sài Gòn trở về cố hương vào năm 1968, Vũ Đức Sao Biển không tìm ra người bạn gái cũ được nữa. Danh tác Thu, hát cho người đã ra đời ngay sau đó, vào năm 1968, trong nỗi nhớ khôn nguôi ấy. Không vơi tình xưa, tác giả còn sáng tác tiếp bài Phố giáng hương với những câu êm đềm, da diết: “Phố giáng hương tôi về/ Ngàn thu mắt biếc em đang ở đâu?/ Lá vẫn xanh bên đời/ Mùa xuân vẫn hát vang bên ngàn dâu”. Thật sự thì hai người đã chia tay 55 năm nay, chưa một lần gặp lại.

Quả là tôi không nhầm, những nhạc phẩm để đời, gây hiệu ứng xúc động lan tỏa trong công chúng thường bắt nguồn từ cảm xúc thật với những nhân vật có thực ngoài đời. Những mối tình ấy dù có thoảng qua đời hay được bên nhau trọn vẹn thì cũng luôn để lại những ký ức đậm nét, những rung cảm sâu sắc trong trái tim người nghệ sĩ để kết tinh thành những tác phẩm tài hoa. Đầu thập niên 1970, khi Vũ Đức Sao Biển là sinh viên trường Văn khoa Sài Gòn đã gặp người vợ - bà Thu Tâm. Họ đến với nhau vì cùng chung lý tưởng làm giáo viên, họ kết duyên và về Bạc Liêu công tác. Bà Tâm một tay nuôi con, một tay dạy học để chồng có thời gian viết nhạc. Những sáng tác âm hưởng dân ca của ông thời kỳ này ít nhiều mang bóng dáng người vợ tảo tần, như Đêm Gành Hào nghe điệu Hoài Lang, Điệu buồn phương Nam... Bà khen ông viết nhạc hay, đặc biệt ở ca từ và thường là khán giả đầu tiên nghe và góp ý cho mỗi tản văn, ca khúc mới của ông. Gia đình cho biết Vũ Đức Sao Biển luôn giữ tinh thần lạc quan trước bệnh tật, để con cháu bớt lo lắng. Nhạc sĩ phát hiện bị ung thư phổi từ năm 2018. Nhạc sĩ mất sau 2 năm chịu đựng bệnh ung thư.

Buổi tối cuối cùng, ông ra hiệu cho vợ và con cháu đến quây quần. Ông ôm hôn vợ trước khi bị khó thở rồi lịm dần. Đóa đẫm tương tư đã mang theo những ca từ đẹp và lãng mạn về trời nhưng những người ở lại vẫn còn mãi mãi nhớ về người nhạc sĩ tài hoa với những giai điệu bất hủ.

VŨ THANH HOA

;
.