.

Truyền cảm hứng… Cuốn sách tôi yêu!

Cập nhật: 16:56, 19/04/2024 (GMT+7)

Thầy giáo Lương Hữu Phương, Phó Hiệu trưởng cùng tập thể các cô thầy Trường THCS Phước Thắng, TP.Vũng Tàu yêu trò, yêu sách. Các trò và nhiều bậc phụ huynh, nhiều đồng nghiệp gọi thầy Lương Hữu Phương - cháu ruột của cố Giáo sư, nhà sư phạm nổi tiếng Lương Ngọc Toản - là người truyền cảm hứng “Cuốn sách tôi yêu”.

Nhà giáo Lương Hữu Phương, Phó Hiệu trưởng, Trường THCS Phước Thắng, TP.Vũng Tàu.
Nhà giáo Lương Hữu Phương, Phó Hiệu trưởng, Trường THCS Phước Thắng, TP.Vũng Tàu.

Một ngày cuối tuần của tháng 4 - tháng có “Ngày Sách và Văn hóa đọc” tôi gặp ông đang loay hoay  một mình tại thư viện thành phố biển. Tôi hỏi ông:

- Tôi  thấy thầy lụi cụi tìm kiếm điều gì đó trong tập báo cũ chữ đã ố vàng?

- Em tìm một bài viết đã đăng trên báo Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2005, tít bài “Lao động nhí ở bãi rác Phước Cơ”. 19 năm trôi qua, bài viết ngày ấy in sâu đậm trong trái tim bao thế hệ học trò Trường THCS Phước Thắng. Các em đang tuổi ăn, tuổi học, tuổi lớn nhưng do hoàn cảnh khó khăn mà ngày ngày một số em không có điều kiện tới trường phải lục tìm trong bãi rác những thứ còn có thể  bán lấy tiền mua ổ bánh mỳ sống qua ngày. Những đứa trẻ nhí kiếm sống bên bãi rác Phước Cơ ngày đó qua sự miêu tả sinh động của tác giả Minh Thanh có sức lay động lớn đến tâm hồn trẻ thơ, đến các cô thầy trong nhà trường.

Tháng 4 năm 2024, thầy giáo Lương Hữu Phương và các cô thầy Trường THCS Phước Thắng hưởng ứng Ngày Sách và văn hóa đọc, tiếp tục truyền cảm hứng nhân văn từ sách và báo cho các trò. Giọng kể của thầy giáo Lương Hữu Phương như chùng xuống:

-  Em là giáo viên dạy văn, thời kỳ  đó tài liệu giảng dạy, đọc thêm phục vụ cho bài giảng chưa nhiều, với loại bài viết trên báo Đảng địa phương mang đậm hơi thở cuộc sống, quý vô cùng. Em đã đọc bài viết “Lao động nhí tại bãi rác Phươc Cơ” trong các tiết học văn, truyền cảm hứng cho các trò, rằng ngoài đời, cuộc sống của nhiều chúng bạn cùng trang lứa còn nghèo khó vô cùng rất cần được chia sẻ.

Các trò được đến trường học tập càng phải biết đồng cảm, chăm ngoan học tập, để cho cuộc sống này bớt khổ đau, để không còn những đứa bé ngày ngày không được đến trường, tìm kế mưu sinh trên bãi rác thải trong cảnh bần hàn, ô nhiễm.

Các trò ngày đó đã có những bài tập làm văn xúc động, các em tự liên hệ và rút ra nhiều bài học về trí tuệ và nhân cách cuộc đời, tu dưỡng bản thân. Ngày nay, sau gần 40 năm đất nước đổi mới, cuộc sống mỗi gia đình và xã hội đã nhiều đổi thay, kinh tế - xã hội có bước tiến dài, có những mặt thần kỳ so với 20 năm về trước.

Ngày nay, nhiều trò cũ của em đã trưởng thành, có những học trò ngày ấy nay đã trở thành cô giáo, thầy giáo đứng trên bục giảng truyền cảm hứng cho ngày sách và văn hóa học, truyền cảm hứng cho các thế hệ học trò nối tiếp hôm nay.

Thầy giáo Lương Hữu Phương và các cô thầy trường THCS Phước Thắng đã rất có lý khi kết nối quá khứ với hiện tại, hướng tới tương lai, trong Ngày Sách và Văn hóa đọc. Tấm gương yêu sách, truyền cảm hứng đọc của thầy cô và các trò thật đáng yêu, đáng quý. Tình yêu sách, văn hóa đọc  phải được hình thành và tạo thói quen, nếp sống văn hóa ngay từ khi các con còn ngồi trên ghế nhà trường.

Học sinh đọc sách tại Thư viện tỉnh. Ảnh: HUYỀN TRANG
Học sinh đọc sách tại Thư viện tỉnh. Ảnh: HUYỀN TRANG

Đọc sách được xem là một biểu hiện của xã hội văn minh - phát triển, giúp con người tiếp thu kiến thức, tri thức, mở rộng tầm hiểu biết, tránh xa cái ác, sống hướng thiện, đề cao giá trị đạo đức, hướng tới chân - thiện - mỹ.

Tập thể các cô, thầy, đoàn đội Trường THCS Phước Thắng đã chuẩn bị cho Ngày Sách và Văn hóa đọc (21/4) bằng tất cả sự đam mê, yêu trò, yêu sách. Thật tự hào, nhà giáo Trần Quang Vinh, cựu hiệu trưởng và người bạn đời của mình có nhiều năm gắn bó với Trường THCS Phước Thắng. Đó là  một gia đình nhỏ  yêu sách.

Nhà giáo Trần Quang Vinh là tác giả của nhiều truyện ngắn hay in trên Tuần báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, sắp được tuyển chọn in thành sách. Ông là thân phụ của cố nhà thơ Hoa Nip, cựu  học sinh  ngoan của THCS Phước Thắng, nổi tiếng đam mê sách và truyền cảm hứng đọc sách.

Trường THCS Phước Thắng mở hội thi “Quyển sách tôi yêu năm 2024” thu hút sự tham gia nhiệt thành của các cô thầy và các trò, nhiều cảm nhận chất lượng, đong đầy ý nghĩa xã hội và nhân văn, qua đó mà tạo sân chơi góp phần  bồi đắp trí tuệ và nhân cách sống thiết thực, giới thiệu những cuốn sách hay có tính giáo dục sâu sắc, góp phần khuyến khích hoạt động đọc sách, yêu sách  của người dân, đặc biệt là của giới trẻ học đường ngày càng tích cực hơn.

Nhà trường đã nhận hơn 1.000 bài cảm nhận “Quyển sách tôi yêu” năm 2024, với nhiều hình thức như viết tay, đánh máy, clip hình ảnh theo đúng nội dung, thể lệ cuộc thi.

Nhà trường tuyển chọn 317 bài gửi dự thi cấp tỉnh tại Thư viện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Thi chung kết cấp trường có hơn 100 bài viết công phu, nghiêm túc, xúc động, lan tỏa nội dung nhiều cuốn sách được quảng bá từ các nhà xuất bản quốc gia có uy tín.

10 bài xuất sắc được thuyết trình trước toàn trường vào Ngày Sách và Văn hóa đọc, thêm một điểm nhấn truyền cảm hứng mạnh mẽ tình yêu sách, quý trọng và lan tỏa sách.

PHẠM QUỐC TOÀN

.
.
.