Trang bị kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục cho trẻ

Thứ Hai, 06/08/2018, 15:22 [GMT+7]
In bài này
.

Nhằm nâng cao kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục (XHTD) cho trẻ em, trong các chương trình vui chơi, sinh hoạt, các đơn vị, nhà trường đã lồng ghép trang bị cho trẻ kỹ năng đối phó nguy cơ bị XHTD.

CHƠI MÀ HỌC

Th.S tâm lý Nguyễn Ngọc Duy hướng dẫn học sinh Trường TH Hạ Long, TP.Vũng Tàu về “vùng riêng tư”. 
Th.S tâm lý Nguyễn Ngọc Duy hướng dẫn học sinh Trường TH Hạ Long, TP.Vũng Tàu về “vùng riêng tư”. 

Thứ Sáu (27-7), 250 HS Trường TH Võ Nguyên Giáp (phường 12, TP.Vũng Tàu) được tham gia chương trình “Mùa hè xanh” do Nhà Văn hóa Thanh niên tỉnh (NVHTN) tổ chức. Một trong những nội dung chính của chương trình là tuyên truyền về phòng chống XHTD. Trong chương trình, Th.S tâm lý Nguyễn Ngọc Duy, Giám đốc Công ty Chẩn đoán và phát triển tinh thần Khởi Nguồn (TP.Hồ Chí Minh) đã hướng dẫn các em nhận biết về các “vùng riêng tư” trên thân thể. Vừa hướng dẫn, anh vừa hỏi lại các em kiến thức như một cách ôn lại bài học. Những HS trả lời đúng được nhận một món quà là đồ chơi nên các em tham gia rất sôi nổi. Anh Duy cũng đưa ra một số tình huống trẻ có thể bị XHTD như: Trẻ đi ngoài đường bị người lạ hỏi, tìm cách tiếp cận; Trẻ ở nhà một mình và có người đến yêu cầu mở cửa cho vào để sửa điện, nước; Người lạ cho bánh kẹo hoặc hứa cho điện thoại, ipad để dụ trẻ đi theo… Ở mỗi tình huống, anh Duy lại mời các em HS trả lời cách xử lý, sau đó hướng dẫn các em cách đối phó phù hợp. 

Buổi hướng dẫn về “vùng riêng tư”, cách nhận biết, phòng tránh và cách xử lý nếu bị XHTD diễn ra thật nhẹ nhàng và dễ đi vào trí nhớ của các em. “Sau buổi học hôm nay, con đã biết được rằng, mình phải tự tắm rửa và có những vùng riêng tư, không ai được phép chạm vào. Nếu ai cố tình chạm vào, con sẽ la lên thật to và bỏ chạy, đồng thời báo với ba mẹ, cô giáo để can thiệp kịp thời”, em Minh Thư (lớp 3, Trường TH Võ Nguyên Giáp ) nói.

Tương tự, các buổi sinh hoạt hè do Đoàn thanh niên các địa phương tổ chức cũng lồng ghép nội dung tuyên truyền, hướng dẫn trẻ em kỹ năng đối phó các tình huống XHTD. Chẳng hạn, tại xã Kim Long (huyện Châu Đức), cùng với các hoạt động giải trí, hoạt động nhóm vào thứ Năm hàng tuần trong mùa hè, Xã Đoàn đã lồng ghép các buổi tuyên truyền về XHTD. Chị Phan Thị Phúc, Bí thư Xã Đoàn Kim Long cho biết, trong mùa hè năm nay, Xã Đoàn đã tổ chức 3 buổi tuyên truyền về phòng chống XHTD trẻ em, dưới hình thức tuyên truyền, nói chuyện, hỏi - đáp và thi trắc nghiệm về phòng chống XHTD. Qua các buổi sinh hoạt này, các em đã biết thêm kiến thức, kỹ năng phòng tránh XHTD như: không đi một mình chỗ vắng người; không nhận quà của người lạ; không cho ai động vào “vùng riêng tư”; hét thật to nếu bị ai đó có ý định làm hại; Không được im lặng khi bị xâm hại.

ĐỂ TRẺ EM BIẾT TỰ BẢO VỆ MÌNH

Hiện nay, nhiều phụ huynh, GV còn ngại nói chuyện với trẻ về vấn đề XHTD. Vì vậy, những buổi nói chuyện, sinh hoạt theo hình thức chơi mà học do các CLB, tổ chức, đoàn thể triển khai rất có ý nghĩa.  

Anh Nguyễn Tấn Phúc, Phó Bí thư Đoàn phường Kim Dinh (TP.Bà Rịa) cho biết, dịp hè năm nay, phường tổ chức 2 buổi tuyên truyền về phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ, trong đó có đề cập vấn đề phòng chống XHTD. Hình thức tuyên truyền cũng được thiết kế phù hợp. Thay vì chỉ nói-nghe, Đoàn phường đã chiếu các đoạn phim hoạt hình, các mẩu chuyện dưới dạng sân khấu hóa minh họa cho các tình huống trẻ có thể bị XHTD như: Trẻ đi một mình trên đường vắng, trẻ đi tắm hồ bơi… giúp các em thu nạp những kiến thức một cách dễ dàng.

Th.S tâm lý Nguyễn Ngọc Duy cho biết, việc trang bị kiến thức về phòng tránh XHTD cho HS, thanh - thiếu nhi rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn người Việt còn tâm lý e ngại, cho rằng giáo dục giới tính là vấn đề nhạy cảm, riêng tư. Vì vậy, nhiều trẻ tuy lớn nhưng không biết tự chăm sóc và bảo vệ bản thân, trong khi nếu bị XHTD, các em phải chịu hậu quả nặng nề, mang vết thương tâm lý dai dẳng. “Đồng hành cùng các chương trình giáo dục giới tính của NVHTN từ năm 2016 đến nay, chúng tôi đã xây dựng các giáo án cũng như hình thức tuyên truyền, hướng dẫn phù hợp với lứa tuổi, tâm sinh lý của trẻ, nhằm mang lại hiệu quả cao”, Th.S Nguyễn Ngọc Duy nói.

Theo bà Lê Thị Thắm, Phó Giám đốc NVHTN, chương trình phòng chống XHTD được NVHTN triển khai từ năm 2016 đến nay, với hơn 30 buổi tuyên truyền tại các trường học, thu hút hơn 18.000 lượt giáo viên thanh thiếu nhi, phụ huynh tại TP.Vũng Tàu, TP.Bà Rịa và các huyện: Long Điền, Đất Đỏ, Châu Đức tham dự. “Thời gian tới, NVHTN tiếp tục đưa chương trình đến các địa phương khác trong tỉnh. Chúng tôi mong muốn trang bị những kiến thức cơ bản về XHTD, những kỹ năng tự vệ cần thiết cho các em, để các em được sống trong môi trường lành mạnh, an toàn”, bà Lê Thị Thắm nói.

Bài, ảnh: MINH QUANG

;
.