KỶ NIỆM 44 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30-4-1975 – 30-4-2019)

Hai bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh đi lên từ đống đổ nát

Chủ Nhật, 21/04/2019, 15:42 [GMT+7]
In bài này
.

Những ngày đầu giải phóng, đoàn quân dân y Bà Rịa-Long Khánh đã tiếp quản hệ thống y tế của chế độ cũ để lại gồm một bệnh viện (BV) tại TX. Bà Rịa (nay là TP. Bà Rịa) và một BV tại TP. Vũng Tàu. 

BV Lê Lợi trước giải phóng.
BV Lê Lợi trước giải phóng.

Khi đó, cơ sở vật chất các BV tan hoang, xơ xác, người bị thương, người chết (trong đó có nhiều lính ngụy) nằm ngổn ngang. Đoàn quân dân y đã không quản ngại khó khăn, vất vả, từng bước khôi phục lại và bắt tay gây dựng “những viên gạch đầu tiên” của hệ thống y tế cách mạng lúc bấy giờ.

Ngày 27-4-1975, đoàn quân dân y do bác sỹ Phạm Hải phụ trách được giao tiếp quản hệ thống y tế tại TX. Bà Rịa. Cùng thời gian đó, bác sỹ Huỳnh Minh Chính sau khi bàn giao BV Long Khánh cho K4, đã đưa lực lượng quân dân y về nhập vào đoàn tiếp quản BV Bà Rịa (lúc bấy giờ có tên là BV tỉnh Phước Tuy), do bác sỹ Phạm Hải phụ trách. Đi cùng đoàn tiếp quản còn có một số y sỹ khác. Đoàn đang trên đường đi tiếp quản BV thì bị máy bay địch oanh tạc, phải lùi lại trú ẩn trong một cơ sở gần đó. Sáng 28-4-1975, khi tình hình đã an toàn, đoàn mới đi qua lối Châu Pha, qua cầu Nhà máy nước đến BV. 

Khung cảnh BV Tuy Phước lúc bấy giờ tan hoang, ngổn ngang, bệnh nhân nằm thoi thóp… rải rác khắp nơi. Đoàn tiếp quản đã nhanh chóng cấp cứu cho những lính ngụy bị thương và cứu chữa cho những bệnh nhân còn lại, đồng thời chôn cất các xác chết. Cơ sở BV vẫn còn đầy đủ các khoa phòng thiết yếu như cấp cứu, ngoại, nội, sản, nhi... Tuy nhiên, toàn bộ đội ngũ y bác sỹ cũ không còn ai ở lại. Lúc đó, bác sỹ Phạm Hải đã kêu gọi, động viên được khoảng 70% người quay lại BV để cứu chữa bệnh nhân. Song song đó, đoàn quân dân y tế đưa y sỹ trong rừng ra và vận chuyển y cụ về BV Bà Rịa để ổn định BV trong thời gian nhanh nhất. 

Ca phẫu thuật não đầu tiên được thực hiện tại BV Bà Rịa từ năm 2005.
Ca phẫu thuật não đầu tiên được thực hiện tại BV Bà Rịa từ năm 2005.

Thời kỳ này, lực lượng y tế cách mạng khi tiếp quản BV còn nhiều bỡ ngỡ, cần thời gian để làm quen với những máy móc, thiết bị y tế do chế độ cũ để lại. Do đó, ban lãnh đạo đã đồng ý để nhân viên chế độ cũ trước đây vẫn giữ các vị trí trưởng phòng, trưởng khoa của BV như cũ, bởi họ đã quen sử dụng máy móc và cách chữa bệnh cho người dân địa phương. Như vậy, sau ngày giải phóng, BV đi vào hoạt động với đầy đủ các khoa thiết yếu, quy mô 150 giường. Tổng số nhân lực phục vụ BV bao gồm cả nhân viên y tế cách mạng và nhân viên chế độ cũ lúc này là 126 người. Trải qua nhiều lần đổi tên, đến năm 1985, BV được khởi công xây dựng mới tại khu phố 4, phường Phước Hưng, TX. Bà Rịa, khánh thành và đưa vào sử dụng từ ngày 19-8-1990 với tên gọi là BV Bà Rịa cho đến ngày nay.

Ngày 30-4-1975, đoàn quân dân y gồm các bác sỹ: Nguyễn Văn Thọ, Dương Văn Hải, Nguyễn Việt Hùng do bác sỹ Nguyễn Văn Trà phụ trách đã tiếp quản hệ thống y tế tại TX. Vũng Tàu. Lúc này, Vũng Tàu là một thị xã thuộc tỉnh Đồng Nai. Ngay trong ngày tiếp quản, bác sỹ Nguyễn Văn Trà đã thực hiện ca phẫu thuật cấp cứu đầu tiên. 

Hai bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh ngày nay

BV mới Bà Rịa được đưa vào hoạt động từ năm 2015. Công trình cao 17 tầng, tọa lạc tại phường Long Tâm, TP. Bà Rịa có quy mô 700 giường. BV được thiết kế theo hướng hiện đại, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Với cơ sở hạ tầng khang trang, trang thiết bị y tế tại BV mới cũng được tỉnh đầu tư tương xứng.

BV Lê Lợi hiện nay là BV đa khoa khu vực hạng II với quy mô 420 giường bệnh. Hàng năm, BV đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ của Bệnh viện hạng II. Công tác chuyên môn của BV ngày càng được cải thiện và nâng cao. Cùng với sự phát triển chung của y học, tập thể y, bác sỹ BV Lê Lợi đã không ngừng học hỏi, cập nhật và áp dụng tiến độ khoa học kỹ thuật để phục vụ bệnh nhân. 

Ông Nguyễn Văn Nhân, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc BV Lê Lợi nhớ lại, BV Lê Lợi do chế độ cũ để lại gồm các phòng khám và 50 giường bệnh, không có khoa phòng thiết yếu. Đội ngũ nhân viên của BV còn lại 20 người, trong đó có 2 bác sỹ; số còn lại đã bỏ đi. Thời kỳ đó, bệnh dịch nguy hiểm sốt xuất huyết, bại liệt, bạch hầu, ho gà..., đặc biệt là uốn ván sơ sinh còn nhiều. Sau khi tiếp quản, lực lượng y tế đã từng bước xây dựng, phát triển quy mô BV lên 100 giường, có các khoa ngoại, nội, sản, nhi; mỗi khoa có từ 1-2 bác sỹ. Sau này, BV còn được đầu tư thêm máy X-Quang, siêu âm... Theo thời gian, đội ngũ y bac sỹ của BV dần đảm nhận được các kỹ thuật khó như: mổ ruột thừa, gan, lá lách, mổ lấy thai... Hệ thống phòng dịch, tiêm ngừa được mở rộng, đã thanh toán được các bệnh dịch nguy hiểm... 

MINH THIÊN

 
;
.