Giữ cho thành phố luôn xanh - sạch - đẹp

Thứ Năm, 28/05/2020, 20:56 [GMT+7]
In bài này
.

Tháng 1/2020, TP. Vũng Tàu được Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á trao Cúp “Thành phố du lịch sạch ASEAN”. Để giữ vững danh hiệu này, TP. Vũng Tàu thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường (BVMT) chung, quản lý tốt vấn đề chất thải ngay từ mỗi khu dân cư. 

Vũng Tàu đang thực hiện nhiều giải pháp để bảo vệ môi trường, giữ vững danh hiệu
Vũng Tàu đang thực hiện nhiều giải pháp để bảo vệ môi trường, giữ vững danh hiệu "Thành phố du lịch sạch ASEAN".

NHIỀU MÔ HÌNH HAY

Ông Vũ Hồng Thuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu cho biết, Vũng Tàu được trao tặng danh hiệu “Thành phố du lịch sạch ASEAN”, bởi đã bảo đảm 7 tiêu chí: Quản lý môi trường chung; đường phố sạch sẽ, vệ sinh; quản lý xử lý tốt chất thải, nước thải; chính quyền và cộng đồng có ý thức BVMT và giữ gìn vệ sinh đường phố; nhiều không gian xanh; có các điều kiện tốt bảo đảm an toàn sức khỏe, an ninh đô thị đối với du khách; hạ tầng và các phương tiện phục vụ du lịch phù hợp và đạt chuẩn. 

Để giữ vững danh hiệu trên, TP. Vũng Tàu đã triển khai nhiều giải pháp xây dựng môi trường sống xanh - sạch - đẹp. Đặc biệt, các tổ giám sát cộng đồng về BVMT đã được thành lập; hình thành các khu dân cư tự quản BVMT; thường xuyên ra quân dọn dẹp môi trường...  Đến nay đã có 86/86 khu dân cư trên địa bàn TP.Vũng Tàu thực hiện các mô hình này, trong đó, nhiều khu phố thực hiện tốt, góp phần BVMT tại các khu dân cư.

Lãnh đạo TP. Vũng Tàu tham gia nhặt rác tại Bãi Trước trong một dịp ra quân bảo vệ môi trường.
Lãnh đạo TP. Vũng Tàu tham gia nhặt rác tại Bãi Trước trong một dịp ra quân bảo vệ môi trường.

Khu dân cư tự quản BVMT tại phường Thắng Tam là một ví dụ. Vào thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần, người dân các khu phố trên địa bàn phường Thắng Tam lại tập trung quét dọn, vệ sinh các tuyến hẻm và thu gom rác ở các bãi đất trống. Ông Trần Quốc Toản, Chủ tịch UBND phường Thắng Tam cho biết, mỗi khu phố đều thành lập ban điều hành tổ tự quản BVMT, thường xuyên đi kiểm tra, giám sát và đôn đốc việc thực hiện cam kết của các hộ dân, các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn; nhắc nhở các hộ làm chưa tốt và biểu dương những hộ làm tốt. Đến nay, 100% hộ gia đình ở phường đã ký cam kết BVMT; mỗi gia đình đều có vật dụng chứa nước thải, chất thải bảo đảm không gây ô nhiễm; đổ, bỏ rác đúng nơi quy định, bảo vệ cây xanh trong khu dân cư, khai thông cống rãnh thoát nước, hàng tuần, hàng tháng các hộ dân thường xuyên tổ chức dọn dẹp vệ sinh định kỳ… 

Trong khi đó, tại phường Thắng Nhì, mô hình “Tuyên truyền, vận động các phương tiện tàu thuyền và các hộ ven kênh không xả rác thải và nước thải bẩn xuống kênh Bến Đình” được triển khai từ năm 2018 đến nay đã mang lại hiệu quả rõ rệt, lượng rác thải xuống kênh giảm đáng kể, tỷ lệ đăng ký thu gom rác tăng lên 20-30% so với trước đây. Bà Trương Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch UBND phường Thắng Nhì cho biết, sau 2 năm triển khai mô hình này đến nay, phường đã vận động 100% các hộ dân ven kênh và chủ các phương tiện ghe, thuyền trên địa bàn phường đều tham gia. Ngoài ra, phường Thắng Nhì đã triển khai việc ký cam kết giữa 9 khu phố với UBND phường. Theo đó, các khu phố có trách nhiệm lồng ghép việc tuyên truyền vận động BVMT kênh Bến Đình vào các buổi họp hàng tháng và tiến hành ký cam kết với các hộ dân sống ven kênh để rác thải đúng nơi quy định, không xả thải trực tiếp xuống kênh làm gia tăng sự ô nhiễm.

Các bạn trẻ tổ chức thu gom rác tại một bãi đất trống  khu vực Bàu Trũng (phường Nguyễn An Ninh, TP. Vũng Tàu).
Các bạn trẻ tổ chức thu gom rác tại một bãi đất trống khu vực Bàu Trũng (phường Nguyễn An Ninh, TP. Vũng Tàu).

KHOANH VÙNG “ĐIỂM NÓNG”

Bên cạnh những kết quả đạt được, BVMT vẫn là vấn đề nan giải của thành phố, nguyên nhân là do nhận thức, ý thức và tinh thần trách nhiệm trong BVMT của một số nhóm dân cư chưa cao, đặc biệt là nhóm ngành chăn nuôi, chế biến thủy hải sản. Theo ông Phạm Quốc Huy, Phó Phòng TN-MT TP. Vũng Tàu, nhiều cơ sở chế biến hải sản chỉ xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung để đối phó với các cơ quan quản lý Nhà nước... Các cơ sở chăn nuôi, cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp (mộc, cơ khí), cơ sở giết mổ gia súc gia cầm, chế biến hải sản có quy mô hộ gia đình, cơ sở kinh doanh dịch vụ nằm xen kẽ trong khu dân cư cũng chưa được giải quyết căn bản về tiếng ồn, khói bụi, mùi hôi cùng với chất thải trong quá trình sản xuất và sinh hoạt. 

Trước thực trạng này, TP. Vũng Tàu đã khoanh vùng các “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường, gồm: Các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư; các cơ sở chế biến hải sản khu vực Cửa Lấp; kênh Rạch Bà… Dự kiến đầu năm 2022, dự án cụm Tiểu thủ công nghiệp Phước Thắng sẽ hoàn thành, đi vào hoạt động, lúc này TP. Vũng Tàu sẽ tiến hành di dời các cơ sở sản xuất cơ khí, sửa chữa ô tô… vào cụm này. Riêng đối với 63 cơ sở chế biến hải sản sẽ di dời vào khu chế biến hải sản tập trung TP. Vũng Tàu. Trong thời gian chờ khu chế biến hải sản tập trung xác định vị trí, dự án cụm Tiểu thủ công nghiệp Phước Thắng hoàn thành, các ngành chức năng của thành phố tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các cơ sở hoạt động gây ô nhiễm môi trường. 

Song song đó, UBND thành phố đã và đang triển khai kế hoạch tuyên truyền thường xuyên, liên tục đến người dân không vứt rác thải, xả nước thải vào lòng kênh rạch, nâng cao ý thức BVMT để giữ vững danh hiệu “Thành phố du lịch sạch ASEAN”.  

Bài, ảnh: QUANG VŨ

;
.