Có lúc cũng phải… "câu giờ"

Thứ Sáu, 06/11/2020, 19:58 [GMT+7]
In bài này
.

“Dậm chân xuống đất kêu trời”, hình ảnh này, nhiều người đã nhìn thấy. Nếu lúc ấy được hỏi ý kiến: “Tớ phải làm sao?”, có lẽ im lặng vẫn là cách trả lời tốt nhất. Nhiều người bảo rằng, một khi gặp trường hợp cực kỳ rối rắm, cách tốt nhất hãy gõ cửa các chuyên gia tâm lý. Tuy nhiên, lắm lúc chuyên gia tâm lý cũng ngần ngừ, lúng ta lúng túng như gà mắc dây thun.

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

Cô bạn tôi thành lập văn phòng tư vấn, đã từng đem lại nhiều niềm vui cho nhiều người nhưng gặp phải “ca” này chị đành bó tay. Chuyện rằng, tại một gia đình giàu sang nọ, người mẹ là nữ doanh nhân thành đạt. Sau khi ly dị chồng, chị đã nuôi con ăn học thành người. Là con một nên cậu được mẹ cưng chiều lắm, đi đâu cũng dẫn theo, con vui chơi với các bạn thì mẹ cũng có mặt. Theo năm tháng, cậu nhóc ngày nào đã là sinh viên năm thứ ba của một trường đại học danh giá. Trong nhà chị, các quý bà, quý cô thường lui tới ăn uống, tán gẫu mỗi cuối tuần. Các bạn xưng hô “chị chị em em”; cậu con trai “thưa cô, thưa dì” ngọt xớt.

Quan hệ thân tình này kéo dài cho đến một ngày động trời: Lần nọ về nhà sớm hơn mọi lần, tình cờ mở cửa phòng, trước mắt một hình ảnh quái đản dù có nằm mơ chị cũng không thể tưởng tượng: Cô bạn của chị cùng con trai có những cử chỉ suồng sã, thân mật như tình nhân! Đất như sụp dưới chân. Chị kinh hãi đến độ không thốt nên lời.

Sau khi trách móc, khuyên lơn đến hết nước mắt nhưng cậu con trai vẫn kiên quyết “bảo vệ tình yêu” đến cùng. Chị không thể giải đáp thắc mắc: “Cớ làm sao cậu con trai mới lớn thừa sức chọn người yêu “xứng đôi vừa lứa” trong tầm tay lại có thể đi yêu một bà góa đã có hai con, lại già hơn cả chục tuổi?”. Khi hỏi thăm dò bạn bè và đến văn phòng tư vấn, chị hỏi: “Đó có phải là tình yêu?”. Ai cũng bảo, yêu với đương cái nỗi gì? Chỉ là cảm xúc nhất thời thôi, cứ bình tâm, rồi mọi việc cũng đâu vào đó. Nghe thế, chị tạm yên lòng và quản lý con chặt chẽ hơn trước nhằm tìm mọi cách ngăn chặn cuộc tình trái khoáy. Nhưng rồi, con trai chị xách vali đến nhà người tình chung sống!

“Vậy phải làm sao kéo nó ra khỏi cám dỗ, sự mê muội, mù quáng này?”. Mắng cô bạn một trận ra trò? Cho con du học? Nhờ thầy cô, bạn bè khuyên nhủ? Tất cả vẫn khó có thể giúp chị tìm ra câu trả lời thấu đáo nhất.

Có nhiều trường hợp, khi biết chuyện thì thiên hạ lắc đầu lè lưỡi phán luôn cho một câu: “Đúng là dở hơi biết bơi!”. Không dở hơi là gì hả trời? Này nhá, đang đường đường chính chính là vợ của một giáo sư giảng dạy đại học, được xã hội tôn kính, vậy mà… Lâu nay, vẫn nghe mọi người xì xào về chuyện cô vợ lăng nhăng, léng phéng với tay tài xế, người chồng chỉ phá lên cười, không thể tin chuyện ấy có thể xảy ra. Do chủ quan “khinh địch” anh không thèm truy vấn, hỏi vợ về chuyện thiên hạ đồn có bao nhiêu phần trăm sự thật; hay chỉ là bịa ra nhằm bôi nhọ danh dự của gia đình anh?

Ai đồn thì mặc, anh vẫn mỗi ngày đến trường giảng dạy, về nhà chúi mắt chúi mũi nghiên cứu chuyên môn và cảm thấy hài lòng với những gì đang có. Điều bất ngờ đã xảy ra, sau bữa cơm chiều như mọi ngày, người vợ đưa lá đơn ly dị cho anh, kèm theo là bản phân chia tài sản hết sức cụ thể. Anh choáng váng khi biết lý do đưa ra do vợ chồng không hợp nhau, chung sống không hạnh phúc…

Trong trường hợp này phải giải quyết thế nào? Tôi bảo anh: “Phụ nữ muốn là trời muốn. Không đồng ý cũng không xong. Chi bằng, anh hãy cố tình kéo dài thời gian. Nói với chị, khi nào con cái ra trường, chúng nó trưởng thành thì muốn sao cũng được”. Trong khoảng thời gian nhiều lần lằng nhằng kéo nhau ra tòa, anh vẫn giữ vững “quan điểm lập trường”. Thời điểm ấy, lập tức xuất hiện những “đồng minh” rất quan trọng có tác động ngăn chặn quyết định điên rồ của vợ anh.

Đó là sự tác động của hai đứa con đang du học ở nước ngoài, chúng cho biết sẽ bỏ học nếu bố mẹ ly dị nhau. “Nửa kia” muốn “đánh nhanh, thắng nhanh, giải quyết dứt điểm”, ngược lại anh bạn giáo sư của tôi lại vận dụng “chiến thuật” dùng dằng, kéo dài “cuộc chiến”. Ơn trời, hơn hai năm sau, cô vợ đã chính thức rút đơn ly dị. Do sự níu kéo của con hay do chị nhìn ra sự tệ hại “bỏ mồi bắt bóng” không thể hứa hẹn tương lai? Chỉ người trong cuộc mới biết đích xác.

Ở đời, có nhiều trường hợp quá đỗi lạ lùng, khi đối mặt với nó có người cảm thấy bức bí nhưng đừng lo, mọi khúc mắc nào cũng có cách giải quyết ổn thỏa. Chẳng hạn, trường hợp cậu con trai đã từng yêu bạn của mẹ lại kết thúc cũng “có hậu”: Vài năm sau, cậu đã tự ý quay về nhà. Rõ ràng, mọi việc vẫn có thể lật sang trang mới do nhiều yếu tố, kể cả do chính người trong cuộc “nghĩ lại”.

Vì thế, có những tình huống, “câu giờ” sẽ là lựa chọn hay.

LÊ MINH QUỐC

 
;
.