Hành trình nuôi dưỡng tình yêu quê hương

Thứ Tư, 02/12/2020, 19:03 [GMT+7]
In bài này
.

Trong 3 tuần lễ, hành trình “Tìm hiểu quê ta” đã dẫn dắt 3.700 HS THPT đi qua các miền quê, trải nghiệm hương vị BR-VT ở nhiều sắc thái. Các phần thi của hành trình đã giúp các em thêm yêu quê hương. 

Các em HS tìm hiểu về địa đạo Long Phước, TP. Bà Rịa trong vòng 3 Hành trình “Tìm hiểu quê ta”.
Các em HS tìm hiểu về Đền thờ liệt sĩ xã Long Phước, TP. Bà Rịa trong vòng 3 Hành trình “Tìm hiểu quê ta”.

“BÚN TỰ LÀM NGON HƠN Ở CHỢ”

“Các cháu cho bột vô khuôn, chờ nước sôi thì thả khuôn vô bánh và ép đều để sợi bún chảy vào nồi nhé”, ông Phạm Văn Quý (xã Long Phước, TP. Bà Rịa) hướng dẫn các bạn trẻ tham gia hành trình “Tìm hiểu quê ta”. Gian bếp nhà ông Quý náo nhiệt hẳn bởi những tràng pháo tay, tiếng cười giòn tan và gương mặt rạng rỡ của các cô cậu học trò khi cổ vũ bạn mình làm bún. 

Nguyễn Thành Trung, HS lớp 10A1, Trường THPT Vũng Tàu xung phong thực hành. Đôi tay vốn quen với sách vở, chưa quen lao động nên tỏ ra lóng ngóng với thao tác cho bột vào khuôn, ép sợi bún. Dù vậy, các bạn vẫn nhiệt tình cổ vũ, động viên. Khuôn mặt rịn mồ hôi vì sức nóng từ nồi và bếp, nhưng Trung vẫn cười tươi rói khi thành phẩm đầu tay được hoàn thành. Rổ bún vừa ráo nước, một số HS đã thưởng thức ngay món bún nóng ăn cùng rau sống, đậu phộng, chả giò và thịt nướng. Ai đó xuýt xoa: “Bún ngon hơn mua ngoài chợ!”. Trung vui vẻ nói: “Em nghe nói về món bún nóng đã lâu, giờ mới được chứng kiến và tự tay trải nghiệm cách làm. Em cảm thấy trân quý hơn món ăn bình dị này”. 

Tiếp tục hành trình, các HS đến với cơ sở nấu rượu của bà Trần Thị Yên (ấp Đông, xã Long Phước). Em Đinh Gia Bảo, HS lớp 11A6, Trường THPT Vũng Tàu chia sẻ: “Em bị cuốn hút bởi mùi cơm rượu lên men tỏa ra từ chiếc nồi gang trên bếp than rực lửa và nghe chủ nhà giới thiệu nguyên liệu và quy trình làm rượu. Hành trình đã giúp em hiểu hơn về quá trình lao động và tâm huyết của bà con làng nghề khi tạo ra đặc sản rượu Long Phước”. 

Ngoài tìm hiểu cách làm bún nóng, làm rượu, các em còn được tham quan và trải nghiệm quy trình làm bánh tráng - nghề truyền thống của người dân các xã Hòa Long, Long Phước (TP. Bà Rịa) và An Ngãi (huyện Long Điền). Đi qua mỗi vùng quê, trải nghiệm những nghề truyền thống, thưởng thức món ăn truyền thống, các em không chỉ có thêm kiến thức mà còn yêu hơn quê mình.

NHỮNG TRẢI NGHIỆM THÚ VỊ

Theo chia sẻ của các HS, mỗi vòng thi của hành trình giúp các em hiểu hơn về quê hương BR-VT, đặc biệt là qua những chuyến đi thực tế. Trong hành trình, các em tham quan phòng truyền thống, di tích lịch sử địa đạo Long Phước; các gia đình nấu rượu, làm bún nóng, bánh tráng và KDL sinh thái Eco Tân Hưng (TP. Bà Rịa). Sự hấp dẫn của “Hành trình trải nghiệm” không chỉ ở chỗ các em được tham quan làng nghề truyền thống mà còn được tìm hiểu về những giá trị lịch sử, sự hy sinh của những anh hùng liệt sĩ vì tự do, độc lập cho quê hương. 

Hành trình “Tìm hiểu quê ta” diễn ra từ ngày 10/11 đến 29/11, thu hút 3.700 HS THPT trong toàn tỉnh tham gia. Các thí sinh trải qua 4 vòng thi gồm: Vòng 1 trả lời câu hỏi trắc nghiệm liên quan đến tỉnh BR-VT; Vòng 2 giới thiệu phong cảnh, văn hóa, ẩm thực, con người tại địa phương mình sinh sống trên trang fanpage của Ban tổ chức; Vòng 3 “Hành trình trải nghiệm” tham quan các làng nghề, di tích lịch sử tại tỉnh BR-VT và vòng 4 viết bài “cảm nhận sau chuyến đi”. Từ 3.700 thí sinh, Ban tổ chức chọn ra 100 thí sinh thi vòng 2. Các thí sinh chụp hình chân dung, hình món ăn và một địa danh của tỉnh cùng những lời giới thiệu dí dỏm về món ăn, địa danh, chia sẻ lên mạng xã hội. 50 thí sinh có hình đẹp, lời giới thiệu ấn tượng đạt nhiều lượt like (thích) và share (chia sẻ) được chọn vào vòng 3. 

Hơn thế nữa, những câu hỏi trắc nghiệm trong hành trình còn giúp các em bổ sung kiến thức, hình dung rõ hơn về vị trí địa lý của từng địa phương và hiểu kỹ hơn về những vùng đất mình đặt chân đến. “Đây là lần đầu tiên em thưởng thức bún nóng và được nghe, hiểu hơn về nỗi vất vả của những người giữ gìn nghề truyền thống quê hương. Thực tế phong phú này sẽ được em đưa vào những bài làm Văn hoặc Địa lý trong thời gian tới”, Nguyễn Bình An, lớp 11A4, Trường THPT Nguyễn Trãi, huyện Châu Đức nói. 

Anh Nguyễn Phạm Duy, Trưởng Ban thanh thiếu nhi trường học Tỉnh Đoàn cho hay, qua 3 lần tổ chức (từ năm 2018 đến nay) hành trình “Tìm hiểu quê ta” dành cho HS khối THPT đã trở thành cầu nối giúp các em gắn kết tình bạn và nuôi dưỡng tình yêu quê hương đất nước. Sau mỗi hành trình, các em chia sẻ hình ảnh, thông điệp, hành động thể hiện tình yêu quê hương của riêng mình lên mạng xã hội, qua đó, đã lan tỏa đến nhiều người hơn nữa. 

 Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH

 
;
.