Cha mẹ có thể khiến trẻ thiếu động lực học hành

Thứ Sáu, 08/01/2021, 19:00 [GMT+7]
In bài này
.

Nhiều cha mẹ gia tăng áp lực lên con, thậm chí đưa trẻ đi bệnh viện vì cho rằng trẻ “có vấn đề về học tập”. Cha mẹ mặc nhiên cho đó là vấn đề của trẻ mà không nghĩ đến việc chính mình có thể cũng là một nguyên nhân khiến trẻ mất hứng thú trong việc học.

Chuyên viên trao đổi với một trường hợp được gia đình đưa đến tư vấn tâm lý.
Chuyên viên trao đổi với một trường hợp được gia đình đưa đến tư vấn tâm lý.

Đánh đồng thành công trong học tập với năng lực và sự thất bại với sự kém cỏi về trí tuệ, nhiều cha mẹ gia tăng áp lực học tập lên con vì cho rằng điều này giúp con học tốt hơn. Trong khi đó, nghiên cứu được Hiệp hội tâm lý Hoa Kỳ (APA) đăng tải cho thấy trẻ em có thể học giỏi hơn và tự tin hơn nếu được cho biết rằng thất bại là một phần bình thường của việc học, thay vì bị áp lực phải thành công bằng mọi giá. Rất tiếc là trong nhiều nền văn hóa, trong đó có Việt Nam, thường hướng con theo thành tích thay vì ghi nhận trẻ và tập trung vào phát triển năng lực cho trẻ.

Kỳ vọng, chê bai và kể tội con

Chuyên viên tâm lý Nguyễn Quí Quỳnh, khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP. Hồ Chí Minh cho biết: có trường hợp gia đình đưa trẻ đến khoa tâm lý với lý do rằng trẻ có vấn đề về học tập, “học hoài không nhớ”. Trong thời gian ngồi tư vấn, người mẹ liên tục nói với chuyên viên tâm lý rằng con tôi chỉ có ăn và học không mà học mãi không xong, không có nhanh nhẹn, suốt ngày cái gì mẹ cũng làm cho hết…”. Trong lúc người mẹ thao thao bất tuyệt chê bai con, đứa trẻ 6 tuổi chỉ ngồi im thin thít. Mỗi lần được hỏi một câu gì, trẻ lại ngập ngừng, lí nhí trả lời, vừa trả lời vừa lén nhìn sang mẹ.

Điều đáng nói ra khi chuyên gia đưa cho trẻ quyển sách tiếng Việt lớp 1 để đánh giá khả năng của trẻ thì trẻ thực hành tốt theo yêu cầu. Trẻ đánh vần nhanh, đọc được hết cả quyển sách. Khi chuyên gia khẳng định con của phụ huynh có khả năng ghi nhớ, ráp vần tốt. Đáng ngạc nhiên là người mẹ lại kéo tờ giấy trên bàn, viết một phép toán cộng 2+3+2+2 và yêu cầu “con tính cho mẹ xem bằng mấy”. Chị nhất mực cho rằng con mình, “chậm chạp” trẻ mà không mảy may ghi nhận rằng trẻ đã thể hiện khá tốt so với độ tuổi lên 6.

Trẻ cần được thúc đẩy sự tự tin và giảm nỗi sợ thất bại
Tiến sĩ Frédérique Autin, Đại học Poitiers, Pháp cho biết. “Do bị ám ảnh bởi thành công, nhiều HS sợ thất bại, vì vậy HS sợ học các bài khó. Thừa nhận rằng khó khăn là một phần quan trọng trong quá trình học tập sẽ ngăn chặn việc tạo ra cảm giác kém cỏi trong HS, điều có nguy cơ làm gián đoạn việc học của trẻ”.
Khảo sát của các nhà khoa học Pháp khi cho trẻ em lớp 6 làm các bài tập khó về đảo chữ và thể hiện năng lực đọc hiểu cho thấy nếu trẻ được trao đổi trước rằng việc thực hiện các bài tập này là khó và chuyện thất bại cũng là chuyện thường gặp thì đạt điểm số cao hơn nhóm không được trao đổi trước. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy khả năng ghi nhớ có thể được cải thiện đơn giản bằng cách thúc đẩy sự tự tin của HS và giảm nỗi sợ thất bại trong học tập. Các nhà khoa học cũng nhấn mạnh: “Giáo viên và cha mẹ nên chú trọng sự tiến bộ của trẻ thay vì chỉ tập trung vào điểm số và điểm kiểm tra. Việc học tập cần có thời gian và mỗi bước trong quá trình này cần được khen thưởng, đặc biệt là ở những giai đoạn đầu khi HS rất có thể sẽ gặp thất bại”.

Một trường hợp trẻ em bị người mẹ đặt nhiều kỳ vọng, ép học khác là bé M.T.L (8 tuổi). Mẹ đưa trẻ đến khám vì cho rằng trẻ “lười học” mặc dù trẻ nằm trong nhóm 5 HS có thành tích đứng đầu lớp và nhận nhiều lời khen của giáo viên. Khác với bé trai 6 tuổi ở trên, bé gái 8 tuổi liên tục phản ứng lại trước những lời chê trách của mẹ về mình. Khi làm việc riêng với người mẹ, chị kể với chuyên viên tâm lý rằng chị: “Là người cực kỳ siêng năng, phải làm việc vất vả từ bé và nhờ bố của mẹ cực kỳ nghiêm khắc nên mới có được ngày hôm nay...”. Rằng nếu con chị không cố gắng là không bằng ai được vì xã hội ngày nay rất nhiều người giỏi. Khi chuyên viên tâm lý hỏi: “Chị có thấy căng thẳng trong việc học khi còn bé không?” người mẹ ngay lập tức trả lời “không bao giờ!” và “cháu cũng phải làm được như tôi chứ”. Khi chuyên viên tâm lý trò chuyện riêng với trẻ, trẻ ngay lập tức lên tiếng: “Con mệt mỏi vì mẹ”. Và khi hai mẹ con cùng ngồi lại với nhau trong phòng tư vấn tâm lý, mẹ nói luôn “Con phải cảm ơn vì may mắn lắm con mới có mẹ là mẹ của con”.

Trẻ thiếu động cơ học hành vì đâu?

Thiếu động cơ học tập về lâu dài sẽ khiến trẻ bị hổng kiến thức, không đạt được thành tích học tập tốt. Đáng nói hơn là lâu dài, trẻ khó phát huy tối đa năng lực của bản thân và phải chấp nhận làm các công việc dưới khả năng của mình trong tương lai. Có nhiều lý do khiến trẻ thiếu động cơ học tập như: thiếu mục tiêu học tập, thiếu hứng thú, ám ảnh học tập, phương pháp học tập nhàm chán, môn học quá khó hoặc quá dễ với trẻ, kiệt sức, kỳ vọng quá lớn, môi trường học tập không thoải mái, rối loạn học tập và vấn đề gia đình. Trong 2 trường hợp trên, có thể thấy các kiểu mẫu gia đình đã không hình thành cho trẻ các động cơ kích thích trong học tập.

Chuyên viên tâm lý Nguyễn Quí Quỳnh cho biết thêm: Rất nhiều cha mẹ đưa con đến khám tâm lý vì cho rằng con mình có vấn đề về học tập nhưng sau khi nghe ý kiến từ các chuyên viên tâm lý, họ ra đi không hề trở lại vì cho rằng mình “vô can”, chỉ những đứa trẻ là không bình thường. Phụ huynh không nhận ra tác động của việc mình nuôi dạy trẻ đối với việc học tập và phát triển của con. Trong khi đó, theo các nhà tâm lý và giáo dục học, quy tắc tôn trọng và ngăn cản hợp lý cùng với các hình thức động viên hơn là chê trách là mô hình giáo dục được khuyến khích hiện nay. Kiểu giáo dục này sẽ khích lệ trẻ nhiều hơn, giúp trẻ nhận ra những vấn đề của bản thân một cách tự nguyện và có động lực để thay đổi.

“Tùy thuộc vào hoàn cảnh từng gia đình, các bậc cha mẹ xem lại “phong cách làm cha mẹ” đã tác động lên sự phát triển của trẻ chưa và có những thay đổi phù hợp để trẻ được phát triển mà không gây ra những vấn đề tâm lý”, Chuyên viên tâm lý Nguyễn Quí Quỳnh chia sẻ.

Phong cách làm cha mẹ tác động lên sự trưởng thành của trẻ
Diana Baumrin, giáo sư tâm lý học lâm sàng và tâm lý học phát triển nổi tiếng với công trình nghiên cứu về các kiểu làm mẹ. Bà cho rằng có 4 kiểu giáo dục và chăm sóc con cái điển hình và có tác động lên sự hình thành nhân cách của trẻ, bao gồm:
Phong cách độc đoán: Được hiểu đơn giản là “nghe theo hoặc ra đường”. Cha mẹ thường không xem xét cảm xúc của con, không cho trẻ thương lượng, tham gia vào việc ra quyết định mà chỉ muốn con tuân thủ nguyên tắc do mình đặt ra. Kiểu cha mẹ độc tài chủ yếu sử dụng hình phạt thay vì thưởng và khuyến khích để nuôi dạy trẻ. Thông thường hình phạt được đưa ra khi giận giữ.
Con cái của cha mẹ độc đoán thường sợ hãi, bất an, thiếu thân thiện, hay tức giận và thường thất bại. Do sợ hãi cha mẹ độc tài nghiêm khắc, con cái thường cũng hay nói dối để tránh bị phạt. Khi trưởng thành, chính những đứa trẻ này lại có xu hướng trở thành cha mẹ độc đoán.
Uy quyền nhưng thấu hiểu: Phong cách cha mẹ lành mạnh theo như Baumrind. Cha mẹ nghiêm khắc nhưng không khắc nghiệt hay hung hăng trừng phạt. Cha mẹ thường có xu hướng đàm phán với con. Họ dành nhiều thời gian dạy con cái xây dựng mối quan hệ và kỹ năng thích ứng. Cha mẹ yêu thương con cái. Sẵn sàng giải thích cho con các lý do. Luôn ưu tiên sử dụng các chiến lược kỷ luật tích cực để củng cố hành vi tốt thông qua khen, thưởng. Con cái lớn lên có khả năng điều chỉnh hành vi tốt, độc lập, có trách nhiệm và có khả năng thấu cảm, một nền tảng cho sức khỏe tinh thần. Nhờ vậy, chúng thường có được cuộc sống hạnh phúc và thành công, có khả năng ra quyết định, đánh giá vấn đề và thoải mái bày tỏ ý kiến, ý tưởng.
Nuông chiều: Cha mẹ thường không thiết lập ranh giới cho trẻ, thường cho mọi thứ chúng muốn. Hay nuông chiều và dễ tha thứ cho trẻ. Cha mẹ có xu hướng cần con cái phải công nhận họ là cha mẹ và do đó vô tình trao cho trẻ quyền lực đối với cha mẹ. Con cái được nuông chiều thường gặp nhiều khó khăn trong học tập, ít tuân thủ quy tắc, thường có lòng tự trọng thấp. Nhóm được nuông chiều thường trở nên hư hỏng, sống theo cách chúng muốn và khi không đạt được điều đó, chúng nổi giận như khi còn là đứa trẻ. Nhiều nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa các vấn đề sức khỏe như béo phì, dư cân ở trẻ với việc có cha mẹ nuông chiều, không thiết lập được chế độ ăn lành mạnh cho trẻ.
Không để tâm: Cha mẹ thường ít hỏi con cái về các hoạt động trong ngày như việc ở trường, làm bài tập ở nhà, ít dành thời gian cho con, ít biết con đang ở đâu, với ai? Cha mẹ không để tâm thường là những người quá tập trung vào công việc, không có thời gian để “làm cha mẹ”, thiếu kiến thức, bị cuốn vào thế giới của riêng họ. Trẻ lớn lên thường không có ý niệm về việc mình là ai hay làm thế nào để ứng đối với sự phức tạp của cuộc sống. Con cái thường thiếu lòng tự trọng và sự tự tin, hay sống bất cần.

TRẦN NHUNG

 
;
.