Làm việc nơi không ánh mặt trời

Thứ Bảy, 03/04/2021, 09:00 [GMT+7]
In bài này
.

Mặc dù có sự hỗ trợ của máy móc nhưng do tính đặc thù của công việc nên hằng ngày những công nhân thoát nước vẫn phải “trầm mình” dưới lòng cống. Mùa nối mùa, bất kể nắng mưa họ vẫn âm thầm làm việc, vật lộn với bùn dơ, rác thải.

Công nhân Busadco thu gom bùn từ các hệ thống thoát nước tại TX. Phú Mỹ.
Công nhân Busadco thu gom bùn từ các hệ thống thoát nước tại TX. Phú Mỹ.

Cuối tháng 3, trời nắng như đổ lửa nhưng để chuẩn bị cho mùa mưa sắp tới, hàng trăm công nhân của Công ty CP Khoa học - Công nghệ Việt Nam (Busadco) vẫn phải làm nhiệm vụ nạo vét các tuyến kênh, cống thoát nước từ 3-4 tháng trước đó. 10 giờ trưa, trời nóng hầm hập, nhưng họ vẫn phải bật từng nắp đậy hố thu gom nước thải dọc các tuyến đường để chui xuống lòng cống, thực hiện công việc nạo vét.

Nắp cống mở ra, đập vào mắt chúng tôi là một thứ bùn đen sền sệt nước, bốc mùi. Anh Lý Minh Châu và Lý Văn Chánh đã gắn đèn pin trên đầu, đội mũ bảo hiểm để xuống cống. Dưới lòng cống tối om, theo ánh đèn từ mũ bảo hộ, 2 công nhân xúc từng xô bùn đặc quánh chuyển lên bờ đổ vào thùng xe chuyên dụng. Nước thải ngập đến bụng, vừa cúi xuống nạo vét, các anh vừa cố gắng bới, nạo vét. Vất vả là thế, vậy mà những người thợ vẫn nhịp nhàng chuyền tay nhau lượng bùn thải lên bờ.

Anh Lý Minh Châu (40 tuổi) tổ nạo vét tại TP.Bà Rịa cho hay, anh đã gắn bó với công việc nạo vét các cống thoát nước suốt 5 năm qua. Tổ thường làm việc theo nhóm, mỗi nhóm nạo vét các tuyến cống lớn 2m chiều dài khoảng 600m có 8 người. Như vậy cứ 1 tuần thì có 2-3 ngày anh và các đồng nghiệp nam thay ca nhau xuống dưới cống để nạo vét. Những ngày còn lại trong tuần, họ thay ca đứng trên miệng cống khiêng bùn lên xe. Theo lời kể của anh Châu, thời gian đầu mới vào chưa quen công việc, anh bị ngứa khắp người do nước từ cống có rất nhiều chất tẩy rửa, hóa chất… “Nhưng làm lâu dần rồi cũng quen. Tôi nghĩ, công việc của mình vất vả nhưng đối với những công nhân lao động chân tay như chúng tôi thì đó vẫn là công việc ổn định, có thu nhập tốt 340 ngàn đồng/ngày”, anh Châu nói.

Ở một miệng cống khác, nhóm những công nhân nạo vét vẫn miệt mài làm việc. Phía trên, 3-4 người khiêng bùn đổ lên xe chuyên dụng không ngớt tay. Phía dưới cống, công nhân nạo vét vẫn lặng lẽ làm việc trong sình lầy, phế thải để khơi thông dòng chảy hệ thống thoát nước. Lòng cống luôn ẩm thấp, tối tăm, chứa nhiều khí độc và là nơi ở của rắn, rết… rất nguy hiểm với người lao động. Cả buổi lao động vất vả, người anh Trần Hoàng Diệu ướt sũng. Hít thở thật sâu cho đỡ mệt, anh Diệu cho biết: “Do đặc thù công việc nên công nhân vệ sinh môi trường cần có sức khỏe, sự kiên nhẫn để bám trụ với nghề lâu dài. Ngoài việc mưu sinh, chúng tôi còn có nhiệm vụ làm cho thành phố thêm sạch đẹp hơn, không còn ngập úng mỗi khi mưa xuống”.

Ở một tuyến thoát nước chính trên địa bàn TX. Phú Mỹ, nhóm công nhân nạo vét đang làm việc cật lực ngay cả khi trời nắng như đổ lửa. Phía dưới, 2 công nhân liên tục nạo vét, múc từng xô bùn, rác để vào xô cho nhóm ở trên miệng cống kéo lên. Anh Vũ Kim Hồng, công nhân xí nghiệp (50 tuổi), cho biết, anh có thâm niên 15 năm trong nghề. Nhà anh ở TP. Bà Rịa, hằng ngày anh vẫn chạy xe máy gần 30km đi làm. Anh mang theo cơm, buổi trưa tranh thủ ngã lưng một chút rồi chiều làm tiếp. Anh Hồng cho biết: “Những khu vực cống thoát nước này ở trong khu dân cư còn đỡ. Cống thoát nước ở những nơi gần nhà máy chế biến hải sản, nhà máy xử lý chất thải, chợ… thì nước dưới hệ thống thoát nước cực kỳ độc hại. Nhiều khi anh em phát ói khi xuống nạo vét, còn chuyện bị ngứa ngáy, dị ứng ngoài da là bình thường”.

Công nhân thoát nước không chỉ có đàn ông có sức khỏe tốt mà nhiều chị em phụ nữ cũng đang hàng ngày lăn xả với công việc nặng nhọc này. Chị Lý Thị Vừa dáng người dong dỏng cao. Chúng tôi không thể nào nhìn được gương mặt của chị bởi để làm việc nặng nhọc như chị dưới trời nắng nóng suốt nhiều giờ liền, chị phải mặc áo bảo hộ khá dày, chân mang ủng, đầu đội nón, mặt che đậy kỹ càng. Vừa trò chuyện với chúng tôi, chị Vừa nhanh thoăn thoắt bê từng xô bùn nặng đổ vào thùng lớn trước khi đưa lên xe thu gom. Chị Vừa cho biết, chị không có bằng cấp, xin việc ở đâu cũng khó. Gia đình ở xã Long Phước (TP. Bà Rịa), có mấy sào đất, chị để làm rẫy nhưng thu nhập rất bấp bênh. Vì vậy, 3 năm qua, chị xin Busadco làm công nhân hợp đồng thời vụ. Chị Vừa cho biết, mùa nắng, công nhân làm công việc nạo vét hệ thống thoát nước. Mùa mưa bão, có khi phải thức cả đêm trực ở những điểm gây tắc, ngập úng cục bộ để xử lý kịp thời.

Chị Nguyễn Thị Tâm, Phó Giám đốc Xí nghiệp thoát nước và dịch vụ môi trường Bà Rịa, Phú Mỹ và các huyện cho biết, hiện xí nghiệp có khoảng 130-150 làm công việc tại các tổ nạo vét. Tháng 3, tháng 4 đang là những tháng cao điểm của nạo vét hệ thống thoát nước chính chuẩn bị cho mùa mưa nên công nhân phải làm cả cả thứ Bảy và Chủ nhật. Đối với những tuyến cống hộp bao đón nước của thành phố do diện tích cống lớn (khoảng 2m trở lên) nên công nhân phải xuống trực tiếp nạo vét chứ không thể sử dụng máy tời như các tuyến nhỏ. Mỗi cống như vậy sẽ thu được 60-80 thùng bùn đất và các loại. Loại chất thải này sẽ được công ty đưa lên xe chuyên dụng, thu gom và xử lý riêng tại xã An Ngãi, huyện Long Điền. Để góp phần giảm tải sức lao động, Busadco đã trang bị thêm nhiều máy tời, xe hút, ròng rọc vận chuyển bùn đất hỗ trợ công việc nạo vét hệ thống thoát nước… Ngoài ra, anh em còn được cấp phát mặt nạ chống độc, quần áo, mũ, găng tay, ủng bảo hộ, bình khí ô-xi khi làm việc trong những khu vực nguy hiểm.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

;
.