Giỗ liệt sĩ- tưởng nhớ và tri ân

Thứ Tư, 27/07/2022, 19:11 [GMT+7]
In bài này
.

Có một lễ giỗ được duy trì suốt 46 năm mỗi khi tháng 7 về. Chính quyền, người dân xã Long Phước (TP. Bà Rịa) gọi đó là giỗ liệt sĩ, được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) hàng năm.

Đại tá Nguyễn Văn Tàu (bìa phải) và ông Trần Văn Khánh (nguyên Bí thư Tỉnh ủy BR-VT) về tham dự ngày giỗ liệt sĩ ở địa đạo Long Phước.
Đại tá Nguyễn Văn Tàu (bìa phải) và ông Trần Văn Khánh (nguyên Bí thư Tỉnh ủy BR-VT) về tham dự ngày giỗ liệt sĩ ở địa đạo Long Phước.

Di tích lịch sử cách mạng “Địa Đạo Long Phước” được Bộ VH-TT-DL công nhận xếp hạng cấp Quốc gia vào ngày 9/1/1990. Gắn với lịch sử hào hùng của vùng đất nơi đây là những đau thương mất mát. Hơn 500 anh hùng liệt sĩ của xã Long Phước dù hy sinh, mãi nằm lại trong lòng đất mẹ nhưng vẫn bất tử trong lòng người dân nơi đây. Vào ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) hàng năm chính quyền và nhân dân xã Long Phước vẫn tổ chức cúng, giỗ trong khuôn viên Địa đạo Long Phước để cùng nhau tưởng nhớ về cha, mẹ, anh chị em - những người đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc.

“Đại giỗ liệt sĩ ở Đền Liệt sĩ Long Phước diễn ra đầu tiên từ năm 1976 được duy trì suốt 46 năm qua. Ngoài mục đích tri ân các Anh hùng liệt sĩ đã cống hiến cho sự nghiệp cách mạng. Qua hoạt động này, chúng tôi muốn gửi gắm đến thế hệ trẻ về việc tiếp nối truyền thống uống nước nhớ nguồn để xây dựng và bảo vệ quê hương”, ông Phan Văn Cường, Bí thư Đảng ủy xã Long Phước cho biết.

Bà Nguyễn Thị Minh (SN 1953, tổ 1, ấp Đông, xã Long Phước, TP. Bà Rịa) tranh thủ thời gian đến sớm để cùng mọi người dọn dẹp ở đền liệt sĩ, sửa soạn đồ cúng để tưởng nhớ anh ruột, anh trai chồng cùng các đồng chí, đồng đội là liệt sĩ. “Tôi và các anh hoạt động du kích địa phương để bảo đảm an toàn cho cơ sở cách mạng ở gia đình và liên lạc cho bộ đội. Dù khó khăn, gian khổ, nhưng anh em vẫn một lòng gan dạ phục vụ cách mạng để quê hương, đất nước sớm được hòa bình, độc lập. Trong hoạt động này, năm 1966 anh ruột tôi là Nguyễn Văn Mang hy sinh. Đến năm 1970 thì anh trai của chồng tôi cũng hy sinh”, bà Minh bùi ngùi.

Hôm nay, tại Địa đạo Long Phước tất cả mọi người đến dự giỗ liệt sĩ với lòng biết ơn sâu sắc, kính cẩn nghiêng mình tri ân những người đã ngã xuống. Giỗ liệt sĩ xã Long Phước vì thế trở thành nét đẹp nhân văn, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. 

Bài, ảnh: THÙY HƯƠNG

;
.