Khắc phục những yếu kém để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Thứ Sáu, 07/04/2023, 21:43 [GMT+7]
In bài này
.

Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ tại cuộc họp UBND tỉnh thường kỳ quý I, triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2023, diễn ra ngày 7/4 trong bối cảnh nhiều chỉ tiêu kinh tế của tỉnh giảm hoặc tăng trưởng không như kỳ vọng.

Do giá dầu giảm vào quý IV/ 2022 nên nguồn thu từ các đơn vị dịch vụ và kinh doanh các sản phẩm liên quan dầu khí giảm so cùng kỳ. Trong ảnh: Hoạt động khai thác dầu khí tại mỏ Bạch Hổ.
Do giá dầu giảm vào quý IV/ 2022 nên nguồn thu từ các đơn vị dịch vụ và kinh doanh các sản phẩm liên quan dầu khí giảm so cùng kỳ. Trong ảnh: Hoạt động khai thác dầu khí tại mỏ Bạch Hổ.

Hai chỉ tiêu quan trọng giảm so với cùng kỳ

Báo cáo tại cuộc họp, bà Trần Thụy Cẩm Lệ, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết: Quý I/2023, các ngành kinh tế của tỉnh có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Chỉ có 8 trong 13 chỉ tiêu về kinh tế, tài chính tăng trưởng so với cùng kỳ và cao hơn mức kế hoạch cả năm theo Nghị quyết của HĐND, gồm: tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ lưu trú, dịch vụ lữ hành, giá trị sản xuất nông nghiệp, giá trị sản xuất lâm nghiệp, giá trị sản xuất ngư nghiệp, tổng chi ngân sách, tổng thu ngân sách trên địa bàn quý I đạt hơn 25% dự toán.

Có 3 trong 13 chỉ tiêu về kinh tế, tài chính tăng trưởng so với cùng kỳ nhưng thấp hơn mức kế hoạch, gồm: giá trị sản xuất công nghiệp (trừ dầu khí); doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải. Riêng về chỉ số tổng sản phẩm nội địa GRDP tăng 1,5% nếu trừ dầu thô, khí đốt và giảm 4,5% nếu kể cả dầu thô, khí đốt.

Đặc biệt, có 2 chỉ tiêu quan trọng giảm so với cùng kỳ, đó là kim ngạch xuất khẩu (trừ dầu khí) giảm 11,2%, đạt hơn 1,2 tỷ USD và tổng thu ngân sách trên địa bàn giảm 16,93%, đạt khoảng 22.606 tỷ đồng, trong đó thu nội địa giảm 16,59%, đạt 10.079 tỷ đồng.

Kỹ sư dầu khí bảo trì đường ống tại Cụm mỏ Sư Tử Trắng.
Kỹ sư dầu khí bảo trì đường ống tại Cụm mỏ Sư Tử Trắng.

Theo Sở KH&ĐT, nguyên nhân dẫn đến kim ngạch xuất khẩu (trừ dầu khí) giảm là do DN xuất khẩu gặp khó khăn về đơn hàng (nhất là các DN may mặc, thép). Các DN ngành thép cũng gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu do nhu cầu ngành xây dựng sụt giảm cùng với sức ép giá cả do nguồn cung từ Trung Quốc tăng mạnh.

Về nguồn thu ngân sách, trong đó đáng chú ý là nguồn thu ngân sách nội địa giảm là do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam từ năm 2023 nộp thuế tài nguyên khí ẩm về trụ sở chính tại Hà Nội (trong khi đó, cùng kỳ năm ngoái đơn vị nộp 112,9 tỷ đồng). Số thu từ khí thiên nhiên từ Lô 06.1 không phát sinh số nộp ngân sách trong Quý I/2023 (cùng kỳ năm 2022 hoạt động này phát sinh số nộp ngân sách là 350 tỷ đồng). Số thu từ khí thiên nhiên lô 04-3 ước nộp 35,6 tỷ đồng (cùng kỳ nộp 122,2 tỷ đồng). Ngoài ra, do giá dầu giảm vào quý IV/ 2022 nên nguồn thu từ các đơn vị dịch vụ và kinh doanh các sản phẩm liên quan dầu khí giảm so cùng kỳ.

Đặc biệt, tình hình thị trường bất động sản quý I không sôi động như cùng kỳ năm 2022. Việc thực hiện chính sách giảm tiền thuê đất năm 2022 và trong quý I không phát sinh số nộp tiền thuê đất một lần…

Tìm giải pháp khắc phục

Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đã thảo luận các giải pháp để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, nâng cao các chỉ tiêu phát triển kinh tế trong quý II và cuối năm 2023, trong đó, tập trung vào các nội dung liên quan đến nuôi dưỡng nguồn thu, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các dự án trọng điểm...

Theo ông Hoàng Vũ Thảnh, Chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu, trong quý I/2023, nhiều chỉ tiêu kinh tế giảm sâu, trong đó có hoạt động thu ngân sách liên quan đến lĩnh vực dầu khí. Do đó, trong thời gian tới nên có buổi làm việc, trao đổi với các DN dầu khí trên địa bàn tỉnh và các chuyên gia dầu khí để tìm hiểu. Hay như trong lĩnh vực bất động sản, cũng nên có buổi làm việc với các DN trong lĩnh vực này để nắm bắt thông tin, cùng tìm cách tháo gỡ.

Về phía TP.Vũng Tàu, trong bối cảnh thu ngân sách giảm sâu, TP đã làm việc với Chi cục Thuế TP. Vũng Tàu- Côn Đảo và các phường xã. Phấn đấu trong quý II/2023, đạt 50% tổng thu ngân sách theo kế hoạch. TP cũng tập trung công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Vận động bà con bàn giao mặt bằng để triển khai dự án, đặc biệt là các công trình trọng điểm.

Để hoàn thành nhiệm vụ của cả năm, trong quý II tỉnh cũng tập trung hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công tác xây dựng, sớm đưa dự án đi vào hoạt động thông qua các biện pháp như: công tác giải phóng mặt bằng, cải cách hành chính, chuyển giao khoa học công nghệ, hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn vay, mở rộng thị trường tiêu thụ. Đẩy mạnh thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại và khuyến khích tiêu dùng nội địa….

Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ  cho biết, trong quý I, các sở, ngành, địa phương đã nỗ lực và làm tốt một số nhiệm vụ. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những hạn chế, do đó, trong thời gian tới, cần quyết liệt, quyết tâm, trăn trở tìm ra những giải pháp khắc phục.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao Sở Công thương chủ trì xây dựng kịch bản, phương án tăng trưởng từ nay đến cuối năm; Sở KH-ĐT rà soát từng công trình đầu tư công để đưa ra giải pháp đẩy nhanh tiến độ. Lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố  cần rà soát từng đầu công việc để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của địa phương.

“Đặc biệt, cần tìm hiểu kỹ để có giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho các DN đang hoạt động, đồng thời tạo môi trường tốt nhất thu hút các nhà đầu tư vào tỉnh”, ông Nguyễn Văn Thọ nhấn mạnh.

Trong quý I/2023, tỉnh đã cấp mới 3 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký 35,38 triệu USD; 1 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký là 1,2 tỷ đồng; có 381 DN đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 3.337 tỷ đồng,  tăng 15,11% về số lượng và 33,47% về vốn đăng ký so cùng kỳ.
Các chính sách hỗ trợ DN về vốn, khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại... được triển khai, thực hiện đầy đủ và kịp thời.

Bài, ảnh: PHAN HÀ

;
.