USD tăng giá, doanh nghiệp thêm nặng gánh

Chủ Nhật, 17/03/2024, 18:23 [GMT+7]
In bài này
.

Biến động tỷ giá USD theo chiều hướng tăng cao trong thời gian gần đây đang khiến DN xuất nhập khẩu lo ngại.

Tỷ giá USD biến động đã tác động đến các DN xuất nhập khẩu. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Ngọc Tùng chế biến mực xuất khẩu.
Tỷ giá USD biến động đã tác động đến các DN xuất nhập khẩu. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Ngọc Tùng chế biến mực xuất khẩu.

Theo các DN, tỷ giá USD tăng có tác động hai mặt. Về xuất khẩu, khi tỷ giá USD tăng, DN được hưởng lợi, bởi khi bán hàng cho đối tác nước ngoài, nhà xuất khẩu nhận về USD, quy đổi sang tiền đồng, họ sẽ thu được nhiều hơn.

Ở chiều ngược lại, biến động tỷ giá USD và các ngoại tệ khác sẽ tác động đến các khoản vay của DN, cũng như trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của nhóm DN xuất, nhập khẩu. Giá USD tăng khiến DN phải nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất bị đội chi phí nhập khẩu, phí vận tải và khoản chênh lệch tỷ giá lớn. Điều này khiến giá thành tăng, lợi nhuận và sức cạnh tranh của hàng hóa giảm.

Bà Mai Thị Nhân, Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Tùng (TP.Vũng Tàu) cho biết, DN chuyên sản xuất và xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Hàn Quốc, Nga. Việc giao dịch với các đối tác chủ yếu dựa trên đồng USD. Tỷ giá USD tăng thì DN xuất khẩu được hưởng lợi, bởi doanh thu tăng lên theo giá trị kim ngạch xuất khẩu của các hợp đồng ký kết trước đây với đối tác nước ngoài.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, tỷ giá USD tăng cũng khiến cho chi phí đầu vào tăng theo. Hiện nay nguồn nguyên liệu trong nước dần cạn kiệt, lại thêm thủy sản Việt Nam đang bị “thẻ vàng” IUU nên để bảo đảm nguyên liệu sản xuất, DN phải nhập khẩu từ nước ngoài, thanh toán bằng USD nên DN tăng thêm gánh nặng.

Các DN phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu về sản xuất cũng đang “đau đầu” vì giá USD tăng cao. Ông Đào Hoài Bắc, Giám đốc Công ty CP Liên hợp Mêkông (KCN Đông Xuyên, TP.Vũng Tàu) cho biết, công ty chuyên sản xuất các loại cáp thép, cáp vải phục vụ cho ngành dầu khí, nguyên liệu phải nhập từ nước ngoài. Các giao dịch hàng hóa với đối tác nước ngoài chủ yếu dựa vào đồng USD. Vì vậy, tỷ giá biến động sẽ tác động đến chi phí đầu vào. Hiện nay, USD đã tăng lên mức trên 25 ngàn đồng/USD và mức tăng này kéo theo chi phí đầu vào của DN tăng thêm 5-7%, trong khi giá không tăng. Nếu buộc phải tăng giá thành phẩm, DN sẽ khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại.

“DN vẫn còn nguồn nguyên liệu dự trữ để sản xuất, nhưng nếu tỷ giá vẫn tăng trong thời gian tới, DN sẽ gặp nhiều khó khăn, đó là đẩy tăng chi phí vốn để nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị. Thêm vào đó, việc thanh toán tiền hàng với đối tác bằng USD cũng phụ thuộc vào tỷ giá tại thời điểm thanh toán nên lúc đó mới biết được lãi hay lỗ từ chênh lệch tỷ giá”, ông Bắc cho biết.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, để ứng phó với biến động của thị trường, DN cần gia tăng sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, tạo sự khác biệt cho sản phẩm. Đối với các DN nhập khẩu, việc tối đa hóa nguồn lực nội địa, tìm kiếm đối tác thay thế trong nước, giảm dần sự phụ thuộc vào một thị trường nhập khẩu sẽ giúp giảm bớt chi phí, hạn chế rủi ro khi thị trường thế giới biến động. Bên cạnh đó, các DN cũng cần chú ý đến tỷ giá hối đoái giữa VND và các đồng tiền thanh toán ngoại thương để lựa chọn thị trường xuất nhập khẩu và lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi cho DN…

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

;
.