Khai thác tối đa nguồn lực tài sản trí tuệ

Thứ Ba, 16/04/2024, 18:09 [GMT+7]
In bài này
.

Buổi báo cáo chuyên đề do Sở KH-CN tỉnh tổ chức sáng 16/4 đã làm rõ quy trình đăng ký, hướng dẫn tìm kiếm và khai thác thông tin, phương thức thương mại hóa và đàm phán hợp đồng chuyển giao công nghệ nhằm khai thác tối đa nguồn lực tài sản trí tuệ, đặc biệt trong các trường ĐH, CĐ, viện nghiên cứu.

Ông Trần Giang Khuê, Trưởng Văn phòng phía Nam, Cục Sở hữu trí tuệ trình bày các nội dung  về sở hữu trí tuệ.
Ông Trần Giang Khuê, Trưởng Văn phòng phía Nam, Cục Sở hữu trí tuệ trình bày các nội dung về sở hữu trí tuệ.

Khuyến nghị khai thác hiệu quả tài sản sở hữu trí tuệ

Phát biểu khai mạc buổi báo cáo, bà Trần Thị Kim Liên, Phó Trưởng phòng KH-CN, Sở KH-CN thông tin, vừa qua, kết quả xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2023 đã được công bố. Qua đó cung cấp bức tranh thực tế, tổng thể về hiện trạng mô hình phát triển kinh tế, xã hội dựa trên KH-CN và đổi mới sáng tạo của từng địa phương.

Một trong những chỉ số quan trọng là số đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích/1 vạn dân; đơn đăng ký nhãn hiệu/1.000 DN; đơn đăng ký thiết kế kiểu dáng công nghiệp/1 vạn dân. “Bà Rịa-Vũng Tàu xếp hạng 7 cả nước. Điều này cho thấy, sản phẩm tri thức, tài sản trí tuệ vô hình tác động lớn và có liên quan đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, bà Liên nói.

Tại buổi báo cáo chuyên đề, gần 100 nhà quản lý, giảng viên, sinh viên một số trường ĐH, CĐ trên địa bàn tỉnh đã được thông tin sâu về một số nội dung như: nhận diện và đăng ký các tài sản sở hữu trí tuệ; quản trị tài sản trí tuệ trong trường đại học và đơn vị nghiên cứu; hướng dẫn tìm kiếm và khai thác thông tin KH-CN trong và ngoài nước; phương thức thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học; đàm phán hợp đồng chuyển giao công nghệ thành công.

Tạo ra “văn hóa” sở hữu trí tuệ tại trường học

Theo nhận định của Cục Sở hữu trí tuệ Văn phòng phía Nam, các trường đại học, viện nghiên cứu chính là những cái nôi tạo ra sản phẩm với hàm lượng tri thức công nghệ cao, giúp ích cho đất nước, thậm chí có thể cạnh tranh toàn cầu. Tuy nhiên, quá trình thương mại hóa và các hoạt động đăng ký, khai thác các quyền sở hữu trí tuệ tại các trường đại học, cao đẳng vẫn còn ít được chú ý.

“Do đó, chúng tôi kỳ vọng những buổi báo cáo chuyên đề như thế này có thể cung cấp thêm kiến thức, thông tin để giúp giảng viên, sinh viên chủ động, có thêm nhiều lựa chọn để khai thác tối đa sản phẩm tri thức của mình bằng các hình thức như đầu tư, góp vốn, nhượng quyền thương mại, thương hiệu hay các hình thức khác, tạo ra động lực đổi mới sáng tạo cũng như các giá trị kinh tế cao hơn nữa”, ông Trần Giang Khuê, Trưởng Văn phòng phía Nam, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH-CN chia sẻ.

Tại buổi báo cáo chuyên đề, đại diện Sở KH-CN cũng triển khai Nghị quyết số 04 ngày 14/7/2023 của HĐND tỉnh quy định mức chi hỗ trợ đăng ký bảo hộ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu; đăng ký bảo hộ, công nhận giống cây trồng mới trên địa bàn tỉnh thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2023.

Còn theo ông Trương Thanh Tuấn, Trưởng phòng Đối ngoại và nghiên cứu khoa học, Đại học Dầu khí Việt Nam, trong thời gian qua, phong trào nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo trong đội ngũ giảng viên và sinh viên nhà trường diễn ra rất sôi nổi. Nhờ đó, nhiều sản phẩm công nghệ có giá trị khoa học và mang lại lợi ích kinh tế đã được tạo ra. Năm qua, trường cũng đã có 1 sản phẩm được cấp quyền chứng nhận sở hữu trí tuệ tại Mỹ.

“Chúng tôi luôn quan tâm đến việc xây dựng “văn hóa” sở hữu trí tuệ tại trường học và đã xây dựng những bộ quy chế chung. Cùng với đó, Đại học Dầu khí thường xuyên tổ chức hoặc tạo điều kiện cho giảng viên, sinh viên tham gia các hội thảo khoa học nhằm có thêm kiến thức về sở hữu trí tuệ để khai thác tối đa hiệu quả từ “chất xám” của bản thân”, ông Tuấn thông tin thêm.

Bài, ảnh: QUANG VINH

;
.