Muốn đi xa phải đi cùng nhau

Thứ Sáu, 29/03/2024, 16:19 [GMT+7]
In bài này
.

Bước vào nhà vệ sinh ở một công viên, tôi bắt gặp vài người đang xếp hàng chờ. Cuối tuần, lượng người đến vui chơi đông, nhà vệ sinh theo đó cũng nhiều người sử dụng hơn. Có lẽ do không kịp dọn dẹp nên có mùi hôi xộc ra. Thời tiết nắng nóng ngột ngạt khiến ai cũng nhăn nhó khó chịu.

Một câu chuyện khác tôi chứng kiến khi đang dừng đèn đỏ. Hai khách Tây qua đường trên vạch kẻ dành cho người đi bộ. Vừa bước vài bước, họ giật mình khựng lại vì một chiếc xe máy vượt đèn đỏ vèo qua. Một vị khách hoảng hốt đưa tay vuốt ngực để bớt căng thẳng. Vị còn lại lắc đầu tặc lưỡi.

Hai câu chuyện trên đây chắc hẳn ai trong chúng ta đều đã từng chứng kiến. Ở những địa bàn du lịch, những tình huống trên ít nhiều gây cảm xúc tiêu cực và cái nhìn xấu xí về hình ảnh điểm đến. Nhìn rộng hơn trở thành lực cản đường sự phát triển của du lịch.

Vì sao nói như vậy? Đi du lịch là để tìm kiếm cảm xúc thăng hoa, hạnh phúc, vui vẻ, hài lòng và những trải nghiệm tích cực. Thế nhưng, du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, phạm vi hoạt động liên ngành, liên vùng, chỉ có thể phát triển mạnh khi khai thác được các tài nguyên văn hóa, giá trị thiên nhiên, sản phẩm của nhiều ngành, nhiều địa phương để “bán” cho du khách.

Một khách du lịch ngoài lưu trú, ăn uống sẽ có nhu cầu giải trí, tiêu dùng một số hàng hóa thiết yếu hàng ngày, mua quà lưu niệm, di chuyển, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp… Tự thân ngành du lịch không thể cung ứng hết chuỗi dịch vụ trên mà cần có sự đồng hành của nhiều ngành, nhiều người.

Hay nói cách khác, du lịch không thể phát triển một mình mà đòi hỏi các ngành, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội, người dân chung tay, cùng tìm ra hướng đi phù hợp trên cơ sở điều kiện, hoàn cảnh đặc thù. Du lịch-hàng không, du lịch-giao thông, du lịch-văn hóa, thể thao… đều phải cần có mối gắn kết chặt chẽ. Mỗi người dân phải là một “đại sứ” du lịch.

Hiện nay trên bình diện quốc gia, sự gắn kết này đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, hàng không hợp tác kích cầu cho du lịch, tiêu thụ sản phẩm OCOP gắn kết du lịch nông nghiệp, lễ hội văn hóa tạo sân chơi cho du lịch, âm nhạc thu hút khách du lịch, đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ cho du lịch… Các khu vực, tỉnh thành, vùng miền liên kết song phương, đa phương tạo thành chuỗi giá trị du lịch liên tỉnh, liên vùng.

Du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng vào tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống, lịch sử, văn hóa của dân tộc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.

Mục tiêu này đã được đưa vào chiến lược quốc gia. Bà Rịa-Vũng Tàu với thế mạnh du lịch biển cả trăm năm nay, cũng xác định du lịch là một trong 4 trụ cột tăng trưởng đóng góp chính vào sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Để thực hiện mục tiêu này, khâu quan trọng hàng đầu là hợp lực để tạo ấn tượng ban đầu tốt nhất cho khách, từ sự thân thiện, mến khách, từ yếu tố vệ sinh môi trường xanh-sạch-đẹp. Các ngành dựa trên thế mạnh liên quan, cần gắn với du lịch để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ tốt phục vụ du khách.

Mỗi địa phương cần chú trọng phát huy kinh nghiệm, lợi thế về các di sản văn hóa, thiên nhiên, hệ thống lễ hội, làng nghề... để có sản phẩm du lịch độc đáo. Ngành chức năng tăng cường các hoạt động truyền thông, quảng bá xúc tiến định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với đa dạng hóa thị trường. Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và phát triển nguồn nhân lực du lịch…

“Muốn đi xa hãy đi cùng nhau” - Càng gắn kết thực chất nhiều ngành nghề, đơn vị, địa phương sẽ càng tạo chuỗi giá trị đẹp, độc đáo, đưa thương hiệu du lịch vươn xa.

TRẦN HIỀN

;
.