.
MỘT THỜI VANG BÓNG

Giải mã ca khúc "Ướt mi" và người con gái khóc trong đêm mưa

Cập nhật: 19:25, 22/04/2022 (GMT+7)

Trong số lượng sáng tác khổng lồ của người nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn để lại cho cuộc đời có 2 ca khúc mà nhiều dư luận cho rằng chàng nhạc sĩ họ Trịnh viết để gửi gắm tâm sự mình đến với ca sĩ Thanh Thúy từ năm cô 16 tuổi, lúc mới bắt đầu đi hát.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Đó là hai ca khúc “Ướt mi” và “Thương một người”. Trong 2 ca khúc này, có nhiều ca từ khiến người ta liên tưởng đến hình bóng Thanh Thúy như “đừng khóc trong đêm mưa, đừng than trong câu ca”, “thương ai về ngõ tối, sương rơi ướt đôi môi, đôi vai gầy ướt mềm, người lạnh lắm hay không?”, “thương ai tà áo trắng, trông như ánh sao băng, thương ai cười trong nắng, nhẹ nhàng áng mây tan”.

Nhân chứng

Nhạc sĩ họ Trịnh thì đã mất, ca sĩ Thanh Thúy chắc không bao giờ nói ra uẩn khúc này nên có lẽ “nghi án” sẽ không bao giờ được làm rõ và cũng sẽ đi vào quên lãng. Trong khi đó thì có nhiều cô gái tự nhận mình là người yêu của Trịnh Công Sơn và có liên quan tới 2 ca khúc vừa nêu trên.

Tuy nhiên trong lúc tìm tư liệu để viết về ca sĩ Thanh Thúy người viết bài này đã may mắn tìm thấy trong tác phẩm “Về một quãng đời Trịnh Công Sơn” của Nguyễn Thanh Ty có đề cập một giai thoại liên quan tới ca sĩ Thanh Thúy và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng như hai ca khúc “Ướt mi” và “Thương một người”.

Theo tư liệu này thì có lần Trịnh Công Sơn đã tâm sự rằng lúc ông 17 tuổi, đang ở trọ tại Sài Gòn để đi học, đêm nào cậu học trò mê giọng ca Thanh Thúy cũng tìm đến phòng trà cô cộng tác để nghe cô hát.

Theo thời gian, hình ảnh cô ca sĩ có giọng hát như hút hồn người này đã in đậm vào lòng Trịnh Công Sơn, chính ông cũng tự hỏi rằng có phải mình đã yêu cô ca sĩ ấy chăng? Ông không dám trả lời vì lúc đó Trịnh Công Sơn chỉ là một anh học trò nghèo, chưa phải là nhạc sĩ, lại nhút nhát, trong khi Thanh Thúy đã là cô ca sĩ đang nổi tiếng, mỗi đêm kẻ đón người đưa tấp nập.

Không thể khẳng định được tình cảm của mình nhưng đêm đêm cậu học trò nghèo chỉ đủ tiền mua ly đá chanh cũng không thể thiếu vắng được tiếng hát và hình ảnh của Thanh Thúy nên chàng nhạc sĩ họ Trịnh sau này chỉ biết tìm tới phòng trà lắng lặng ngồi nghe và ngắm Thanh Thúy trên sân khấu lộng lẫy dưới ánh đèn màu.

Một đêm nọ Trịnh Công Sơn tới nhà hàng nổi Mỹ Cảnh nghe Thanh Thúy hát và đánh bạo viết vào mảnh giấy nhỏ yêu cầu Thanh Thúy hát bài “Giọt mưa thu” của Đặng Thế Phong. Lời yêu cầu của Trịnh Công Sơn được Thanh Thúy đáp ứng hết sức bất ngờ và càng bất ngờ hơn đêm đó Thanh Thúy hát bài “Giọt mưa thu” với cảm xúc mãnh liệt.

Và trong lúc hát bài này, Thanh Thúy đã không cầm được nước mắt khi tới đoạn: “Vài con chim non chiêm chiếp kêu trên cành như nhủ trời xanh, gió ngừng đi, mưa buồn chi cho cõi lòng lâm ly…”. Có lẽ Thanh Thúy nhớ tới mẹ cô với chứng bệnh nan y đang mỏi mòn chờ Thanh Thúy trở về nhà trong con hẻm nhỏ. Những giọt nước mắt xúc động mà Thanh Thúy cố kềm giữ đã đọng lại trên hai hàng mi đen dài của người ca sĩ đã khiến Trịnh Công Sơn vô cùng thương cảm và sau đêm ấy nhạc sĩ họ Trịnh đã thức trắng để viết ca khúc đầu tay qua hình tượng ca sĩ Thanh Thúy, đó là ca khúc “Ướt mi” điệu slow, cung mi thứ, một ca khúc với ca từ rất buồn, rất đẹp và tuyệt hay của Trịnh Công Sơn.

Thủ bút của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Thủ bút của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

 

Ướt mi lần đầu tiên ra mắt

Chàng nhạc sĩ đa tình họ Trịnh đã nắn nót chép ca khúc này cẩn thận luôn mang theo bên mình để có dịp là đưa tặng ca sĩ Thanh Thúy. Nhưng do tính nhút nhát, rụt rè, có chút mặc cảm nên bài hát “Ướt mi” cứ mang đi rồi lại mang về mấy lượt.

Một hôm không dằn lòng được nữa, Trịnh Công Sơn đã đánh bạo tới ngồi sát sân khấu để chờ dịp thuận tiện đưa tặng bài hát, cũng sau vài lần “quyết tâm” thì dịp thuận tiện đã tới, Trịnh Công Sơn vội vã tiến lên sân khấu chỉ kịp đưa bài hát tặng Thanh Thúy nói lí nhí mấy câu không rõ lời trong lúc bối rối rồi quay xuống hàng ghế khán giả với sự hồi hộp khó lường.

Đêm đó Trịnh Công Sơn không ngủ được vì hồi hộp, lo lắng, không biết số phận “đứa con tinh thần” của mình ra sao, có được Thanh Thúy đón nhận? Chàng nhạc sĩ đa cảm đã phải trải qua những ngày hồi hộp, mất đến 3 tuần lễ, giữa lúc hoàn toàn tuyệt vọng thì một đêm kia đến phòng trà nghe Thanh Thùy hát, Trịnh Công Sơn hoàn toàn bất ngờ khi Thanh Thúy xuất hiện đã ra hiệu cho ban nhạc ngưng khúc dạo đầu để cô nói mấy lời.

Thanh Thúy đã nói rằng đêm nay, đặc biệt cô sẽ trình bày một ca khúc mới của một nhạc sĩ rất lạ, chưa có tên tuổi đã có nhã ý gửi tặng cho cô, đó là nhạc phẩm “Ướt mi” của Trịnh Công Sơn và hy vọng đêm nay sẽ có mặt tác giả ngồi phía dưới để Thanh Thúy được nói mấy lời cảm ơn.

Thế rồi Thanh Thúy đã đưa bản chép tay bài hát “Ướt mi” cho ban nhạc đệm và cô cất giọng hát: “Ngoài hiên mưa rơi rơi, lòng ai như chơi vơi. Người ơi nước mắt hoen mi rồi, đừng khóc trong đêm mưa, đừng than trong câu ca…”.

Khỏi phải nói, người sung sướng nhất chính là tác giả bài hát đang ngồi phía dưới. Thanh Thúy hát xong, cố ý nán lại sân khấu để chờ người đã tặng nhạc, lúc này Trịnh  Công Sơn thu hết can đảm bước lên nói lời cám ơn Thanh Thúy đã hát bài hát “Ướt mi” rất hay.

Thanh Thúy đã “A” lên ngạc nhiên và nói luôn rằng cô rất cám ơn Trịnh Công Sơn đã tặng cho bài hát và tỏ ý muốn nói chuyện riêng với tác giả. Cô mời luôn Trịnh Công Sơn về nhà, cả hai đón taxi. Nhà Thanh Thúy ở sâu trong con hẻm nhỏ và đây chính là hình ảnh, cảm xúc để chẳng lâu sau đó Trịnh Công Sơn sáng tác ca khúc “Thương một người” cũng rất tuyệt vời.

Như vậy, về phần tư liệu đã có đủ cơ sở để chứng minh giữa Trịnh Công Sơn và Thanh Thúy đã có mối giao tình đặc biệt khi tên tuổi cô vừa mới nổi lên dưới ánh đèn sân khấu.

Đồng thời Trịnh Công Sơn cũng báo hiệu một tài năng âm nhạc qua hai tác phẩm đầu tay “Ướt mi”“Thương một người”. Sau này cả hai đều nổi tiếng. Còn chuyện tình cảm, yêu đương phát triển hay dừng ở mối duyên văn nghệ thì chỉ có người trong cuộc mới biết rõ.

Dư luận đã đặt ra nghi án có một chuyện tình thật đẹp giữa nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ca sĩ Thanh Thúy từ lúc hai người còn khá trẻ, có lẽ cũng từ giai thoại và tư liệu này mà hai ca khúc “Ướt mi” “Thương một người” là bằng chứng?

TỪ KẾ TƯỜNG

.
.
.