"Ứng biến" để bảo đảm chất lượng dạy và học

Thứ Sáu, 08/04/2022, 17:07 [GMT+7]
In bài này
.

Trong gần 2 tháng HS các cấp học đi học trực tiếp trở lại, thực tế giảng dạy giữa mùa dịch đã phát sinh những tình huống chưa từng có tiền lệ. Do đó, các nhà trường đã chủ động, linh hoạt “ứng biến” nhằm bảo đảm chất lượng dạy và học.

HS lớp 11A8, Trường THPT Châu Thành trong tiết học “vắng bóng” GV trên bục giảng. Ảnh: KHÁNH CHI
HS lớp 11A8, Trường THPT Châu Thành trong tiết học “vắng bóng” GV trên bục giảng. Ảnh: KHÁNH CHI

Từ những tiết học không GV…

Tiết Ngữ Văn lớp 11A8, Trường THPT Châu Thành (TP. Bà Rịa), một tiết học vắng bóng GV trên bục giảng.

Chuông báo bắt đầu tiết học, HS Nguyễn Hoàng Long ngồi bàn đầu nhanh nhẹn mở chiếc máy tính trên bàn GV, tạo phòng học trực tuyến để kết nối gần 30 HS trên lớp với GV bộ môn và phát hình ảnh trực tiếp lên màn hình cảm ứng tại lớp học. 5 ngày trước, cô Nguyễn Thị Nhung, GV bộ môn Ngữ văn, cũng là GV chủ nhiệm lớp nhiễm COVID-19. Mặc dù ho nhiều, cơ thể mệt mỏi nhưng cô Nhung quyết không nghỉ bất cứ tiết dạy nào. Cô vẫn cố gắng lên lớp theo đúng thời khóa biểu đã được phân công bằng hình thức trực tuyến.

Trong tiết dạy của “GV F0”, dù lời giảng liên tục bị ngắt quãng bởi những tiếng ho khan, giọng nói có lúc bị hụt hơi nhưng cô Nhung vẫn cố gắng tương tác với HS để tiết học sôi nổi hơn. Cô Nhung cho hay: “Tổ Văn có 7 GV thì có tới 5 người lần lượt nhiễm COVID-19. Thế nhưng, không riêng bản thân tôi mà tất cả GV, ai cũng khắc phục khó khăn để hoàn thành công việc được giao. Các em HS đã cố gắng đến trường học tập thì thầy cô cũng cố gắng hết mình để đứng lớp”.

Lê Nguyễn Quỳnh Như, HS lớp 11A8 Trường THPT Châu Thành xúc động: “Đối với chúng em đây sẽ là những tiết học đặc biệt mà chúng em không thể nào quên được. Chúng em rất cảm phục sự nỗ lực của các thầy cô. Dù đang rất mệt nhưng thầy cô vẫn cố gắng lên lớp trực tuyến để giảng bài, hướng dẫn cả lớp tự học và cố gắng giải đáp mọi thắc mắc của chúng em một cách cặn kẽ, nhiệt tình”.

Cô Võ Hồng Lê Uyên, Tổ trưởng tiếng Anh, Trường THPT Châu Thành nhớ lại, dịp 8/3 vừa qua, khi thầy hiệu trưởng tới lớp tặng hoa chúc mừng các em HS nữ thì lớp cô đang giảng dạy lúc đó chỉ có vỏn vẹn 3 em HS trong lớp, còn 42 em phải ở nhà học trực tuyến do thuộc diện F0, F1.

Cô Uyên chia sẻ: “Gần 25 năm dạy học, năm học, đây là lần đầu tiên tôi đứng trước lớp học chỉ có vài 3 HS. Cảm giác thật khó tả… Chưa kể có thời điểm cả Tổ Ngoại ngữ có 9 GV thì có tới 8 người nghỉ. Từ chỗ cảm thấy “sốc”, dần dần GV chúng tôi cũng bắt đầu quen với tình huống chưa từng có tiền lệ này. Đứng trên bục giảng, nhìn gương mặt các em HS, tôi càng thấy thương các em hơn bao giờ hết. Tôi tự nhủ, dù chỉ có 1 HS đến trường, tôi sẽ cố gắng hết sức mình để giảng dạy cho các em”.

…Đến những công việc “không tên”

Năm học này có lẽ là năm học khó phai mờ trong tâm trí GV và HS. Gần 2 tháng kể từ khi HS đi học trực tiếp trở lại, GV các cấp học, đặc biệt là bậc MN phải đảm đương thêm những công việc vất vả, thầm lặng, những công việc không có trong giáo trình.

Có mặt tại Trường MN Châu Thành (TP. Vũng Tàu), khoảng 6 giờ sáng, chúng tôi đã thấy các cô giáo có mặt, hối hả bắt tay vào những công việc “không tên” để chuẩn bị đón HS tới trường. Các cô tỉ mỉ quét sàn, sắp xếp lại đồ dùng, đồ chơi, bàn ăn. Sau đó, một GV ở lại lớp để chuẩn bị bữa ăn sáng cho trẻ, một GV có mặt ở cổng trường để đón từng bé vào lớp.

Dưới cái nắng chói chang của những ngày cao điểm mùa khô, mồ hôi lăn dài trên trán nhưng ánh mắt của các cô giáo vẫn lấp lánh niềm vui khi mỗi ngày lại được đón các em HS đến trường. Tại cổng trường, các bé được cô giáo hướng dẫn rửa tay, đo thân nhiệt rồi đưa vào tận lớp học. Có những lớp học ở lầu 1, lầu 2, GV phải đi lên đi xuống hàng chục lần để đưa đón trẻ để bảo đảm công tác phòng, chống dịch.

Cô Võ Thị Hồng Nhung, GV lớp 25-36 tháng 2 cho hay, trong “mùa dịch”, GV phải kỹ lưỡng hơn, giúp các bé giữ vệ sinh cá nhân, sát khuẩn, nhắc các bé thường xuyên đeo khẩu trang, chỉ trừ lúc ăn và lúc ngủ.

Bên cạnh đó, GV lựa chọn tổ chức các trò chơi, hoạt động phù hợp để trẻ vừa chơi, vừa học nhưng vẫn hạn chế tiếp xúc gần để phòng chống dịch bệnh. Đồng thời thường xuyên theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện bất thường.

Buổi chiều, sau khi trả trẻ, các cô giáo lại bắt tay vào việc dọn dẹp, vệ sinh lớp học, đồ dùng đồ chơi để bảo đảm an toàn khi trẻ đến trường trong ngày học tiếp theo. “Dù công việc có vất vả hơn so với trước đây, nhưng được đón HS đến trường mỗi ngày, thấy các em vui vẻ, khỏe mạnh thì những cực nhọc tan biết hết…”, cô Nhung phấn khởi nói.

Cô Nguyễn Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng Trường MN Châu Thành chia sẻ: “Thương lắm hình ảnh GV vừa tất bật dạy dỗ, chăm sóc trẻ, vừa cặm cụi với những công việc không tên, rồi hình ảnh những HS nhỏ tuổi không rời khẩu trang chỉ trừ lúc ăn, lúc ngủ… Đây chắc chắn sẽ là năm học khó quên đối với cô trò chúng tôi”.

GV Trường MN Châu Thành (TP. Vũng Tàu) vệ sinh đồ dùng, đồ chơi của trẻ sau buổi học. Ảnh: KHÁNH CHI
GV Trường MN Châu Thành (TP. Vũng Tàu) vệ sinh đồ dùng, đồ chơi của trẻ sau buổi học. Ảnh: KHÁNH CHI

 

Tại Trường MN Châu Thành, GV tổ chức các hoạt động cho trẻ bảo đảm giãn cách để phòng chống dịch bệnh. Ảnh: KHÁNH CHI
Tại Trường MN Châu Thành, GV tổ chức các hoạt động cho trẻ bảo đảm giãn cách để phòng chống dịch bệnh. Ảnh: KHÁNH CHI

Linh hoạt, chủ động

Cô Nguyễn Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng Trường MN Châu Thành cho hay, để thích ứng an toàn trong tình hình mới, nhà trường đã tập huấn toàn thể GV, nhân viên cách xử lý tình huống khi phát hiện trẻ nghi nhiễm tại trường cũng như thực hiện nghiêm 5K. Từ khi HS đi học trực tiếp trở lại đến nay, nhà trường thực hiện đón trẻ và trả trẻ tại cổng trường, hạn chế phụ huynh, người lạ vào trường.

Trong giờ học, các hoạt động của trẻ đều phải bảo đảm khoảng cách, GV thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn trẻ rửa tay sát khuẩn thường xuyên. Đặc biệt, nhà trường thực hiện cho cán bộ quản lý, GV, nhân viên ăn uống theo suất ăn riêng, tránh tập trung để nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Theo cô Thủy, khó khăn giai đoạn này là việc phân công, bố trí GV đứng lớp. Do đặc thù của bậc học MN là số lượng GV chỉ vừa đủ với số lớp. “Có những ngày, có tới 2-3 GV cùng xin nghỉ do nhiễm, nghi nhiễm COVID-19 hoặc thuộc đối tượng nguy cơ cao, trong khi toàn trường có 12 lớp nhưng chỉ có 24 GV. Giai đoạn cao điểm, có tới 4-5 lớp chỉ còn 1 GV giảng dạy”, cô Thủy nói.

Trước những thách thức ấy, nhà trường quán triệt cán bộ, GV, nhân viên khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc COVID-19 hoặc thuộc nhóm nguy cơ cao phải chủ động xin nghỉ dạy và tự cách ly để không làm ảnh hưởng đến HS và đồng nghiệp. Khi nhận thông tin GV phải nghỉ dạy do dịch bệnh, nhà trường kịp thời phân công GV các lớp khác tương trợ.

Trong đó đặc biệt chú trọng những lớp trẻ nhỏ, lớp có GV hợp đồng ngắn hạn, linh hoạt cử GV lớp lớn hơn, GV có kinh nghiệm hỗ trợ. “Bí quyết để vượt qua những thử thách trong giai đoạn này là tinh thần hợp tác, đoàn kết, chung tay giúp đỡ lẫn nhau, cán bộ quản lý theo sát, động viên tinh thần GV để biến khó khăn hôm nay thành kinh nghiệm cho ngày mai”, cô Thủy nhấn mạnh.

Còn cô Trần Thị Cúc, Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Thị Minh Khai (TX. Phú Mỹ) cho hay, nếu như trước đây, kế hoạch giảng dạy có thể xây dựng hằng tuần, tháng thì giai đoạn này, thời khóa biểu phụ thuộc vào tình hình thực tế và có thể điều chỉnh linh hoạt từng ngày, từng giờ.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng linh động chuyển đổi hình thức học trực tiếp, trực tuyến tùy theo tình hình dịch bệnh. “Ban Giám hiệu nhà trường đã trao đổi, động viên, khích lệ GV đoàn kết, chia sẻ, cùng nhau gánh vác khó khăn.

GV F0 sẽ chuyển sang dạy trực tuyến hoặc nhà trường phân công GV khác trong khối dạy thay. Ngoài ra, Ban Giám hiệu nhà trường cũng tham gia đứng lớp vượt định mức để khắc phục tình trạng thiếu GV, nhằm bảo đảm chất lượng giảng dạy.

Tương tự tại Trường THPT Châu Thành, nhà trường cũng “ứng biến” một cách linh hoạt giữa phương thức dạy học trực tiếp và trực tuyến để việc học của HS không bị gián đoạn. Thầy Nguyễn Đình Lâm, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ban đầu nhà trường dự kiến tổ chức 3 phòng học trực tuyến cho những HS chưa thể tới trường học tập trực tiếp của 3 khối lớp.

Tuy nhiên, sau khi cân nhắc hiệu quả học tập của HS, nhà trường đã thay đổi phương án, yêu cầu GV bộ môn vừa dạy trực tiếp, vừa sử dụng máy tính kết nối internet, kết hợp với việc ghi hình bài giảng để HS thuộc diện F0, F1 có thể tham gia học tập cùng thời điểm với bạn bè trên lớp qua ứng dụng Microsoft Teams.

HOÀNG DƯƠNG

Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, Sở GD-ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục tiếp tục thực hiện chuyển đổi hình thức dạy học theo hướng dẫn của Sở tại Công văn số 517/SGDĐT-VP.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi hình thức cần có sự linh hoạt chủ động tùy theo điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ GV và tình hình dịch bệnh tại đơn vị. Tới đây, Sở sẽ có hướng dẫn riêng cho từng bậc học để hoàn thành nhiệm vụ năm học.

Riêng bậc học MN chú trọng giải pháp tăng tỷ lệ huy động trẻ ra lớp; bậc TH chú trọng rà soát, đánh giá HS đúng thực chất; bậc phổ thông sẽ công bố ma trận đề để phục vụ cho việc giảng dạy, nhất là với khối 9, khối 12 và chuẩn bị các “bước đệm” để triển khai chương trình GDPT mới.

 

;
.