Đổi mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Thứ Bảy, 18/03/2023, 09:05 [GMT+7]
In bài này
.

Đó là phát biểu của ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tại Tọa đàm “Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí theo nhu cầu hiện nay” tổ chức chiều 17/3. Bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ người làm báo luôn được Hội Nhà báo Việt Nam chú trọng nhằm hướng tới nền báo chí hiện đại chuyên nghiệp và nhân văn.

Nâng cao chất lượng đội ngũ làm báo

Phát biểu mở màn Tọa đàm, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cho biết, trong gần 3 năm qua, vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Báo chí đã cố gắng khắc phục khó khăn, đổi mới phương thức tổ chức lớp học nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ báo chí.

Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi phát biểu khai mạc Tọa đàm.
Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi phát biểu khai mạc Tọa đàm.

Cụ thể, trong 3 năm 2020-2022, trung tâm đã tổ chức được 333 lớp học dành cho hơn 10.000 lượt học viên trên cả nước. Đây là những con số hết sức ấn tượng và là động lực quan trọng tạo đà cho trung tâm tiếp tục bứt phá trong những năm tiếp theo.

Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin như hiện nay, người làm báo cần luôn đổi mới để phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Quang cảnh buổi tọa đàm.
Quang cảnh buổi tọa đàm.

Nhà báo Nguyễn Bảo Lâm, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cần được cập nhật để đáp ứng được yêu cầu mới. Hơn nữa, các chương trình đào tạo cần đặc biệt chú trọng đến khía cạnh đạo đức và độ tin cậy, giúp sinh viên hiểu rõ về tầm quan trọng của vấn đề đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí thời kỳ 4.0 trong quá trình hành nghề sau này.

Nhà báo Hoàng Lâm, Tổng Thư ký tòa soạn Báo Lao động đề xuất, Hội Nhà báo Việt Nam, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Báo chí cần tạo một thư viện điện tử mở, dành cho các nhà báo, hội viên để phục vụ mục đích tham khảo, tự học và nâng cao kỹ năng làm báo.

Nhà báo Nguyễn Thế Lực, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Tây Ninh cho rằng, các lớp học của Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ Báo chí cần có sự linh động, chẳng hạn như: mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hoặc chứng chỉ báo chí để phóng viên, biên tập viên đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa các chức danh nghề nghiệp.

Cần đa dạng các khóa đào tạo cho người làm báo

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến tại tọa đàm đã đề cập đến việc đào tạo chuyên sâu về ngoại ngữ; kỹ năng viết phóng sự, cách làm tin hấp dẫn cho đội ngũ người làm báo; đổi mới cách quản lý báo chí đối với đội ngũ quản lý...

Nhà báo Lê Văn Tòa, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Lâm Đồng cho rằng Hội Nhà báo cần đẩy mạnh các chương trình đào tạo về phương thức làm báo hiện đại.
Nhà báo Lê Văn Tòa, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Lâm Đồng cho rằng Hội Nhà báo cần căng tường đào tạo về phương thức làm báo hiện đại.

Các đại biểu đề nghị, thời gian tới các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cũng phải đổi mới nội dung để đáp ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển. Cùng với đó, những khóa học cũng cần phải đa dạng hơn với nhiều chủ đề khác nhau, từ kỹ năng cho đến thực hành, dành cho nhiều đối tượng khác nhau, không chỉ phóng viên trẻ mà cả lãnh đạo, quản lý các cơ quan báo chí; thậm chí, cần phải đào tạo nhiều lần, chứ không phải một, hai lần…

Điển hình, nhà báo Lê Văn Tòa, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Lâm Đồng đề nghị Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ (Hội Nhà báo Việt Nam) tăng cường các khóa đào tạo về các phương pháp làm báo hiện đại, đưa công nghệ số vào trong hoạt động đào tạo nghiệp vụ báo chí. Bên cạnh đó, ông Tòa kiến nghị cần mở rộng đối tượng tham gia các lớp đào tạo đối với các đơn vị không phải hội viên nhà báo nhưng có nhu cầu hoạt động trên lĩnh vực báo chí.

Nhà báo Nguyễn Thế Lực, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Tây Ninh phát biểu tại buổi Tọa đàm.
Nhà báo Nguyễn Thế Lực, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Tây Ninh phát biểu tại buổi Tọa đàm.

Nhà báo Trần Tiến Duẩn, Tổng Biên tập Báo Điện tử VietnamPlus đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam chú trọng đào tạo và bồi dưỡng kỹ năng cho phóng viên đa năng, nghĩa là một phóng viên có thể thực hiện nhiều loại hình báo chí như tin text, ảnh, video, đồ họa, báo chí dữ liệu… nhằm tăng hiệu quả khi tác nghiệp và tiết kiệm nhân lực.

Hội Nhà báo Việt Nam có thể mời các chuyên gia quốc tế, đại diện các cơ quan báo chí nước ngoài tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ, trao đổi về vấn đề chuyển đổi số báo chí, mô hình và cách thức hoạt động của các tòa soạn báo trên thế giới, các hình thức kinh doanh báo chí hiệu quả có thể áp dụng vào Việt Nam.

Theo nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, để đào tạo nghiệp vụ bồi dưỡng báo chí theo nhu cầu hiện nay cũng như đáp ứng với xu hướng báo chí quốc tế, các đơn vị báo chí cần đào tạo nội dung làm tin, bài cho các nhà báo tại các tỉnh, thành sao cho phong phú, sinh động, tạo được sức hút mạnh mẽ. Đồng thời cần đào tạo dưới nhiều hình thức, phương tiện, từ đó trang bị về kiến thức, kỹ năng cũng như kỹ thuật, nghiệp vụ cho các phóng viên, biên tập viên một cách đầy đủ nhất, qua đó sẽ đáp ứng được nhu cầu cập nhật tin tức kịp thời, nhanh nhạy, chính xác và tạo hiệu ứng tốt nhất đến độc giả.

Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH

 

;
.