CHÚNG TÔI CÓ Ý KIẾN

Nên "phạt nguội" hành vi viết, vẽ bậy lên di tích

Thứ Ba, 27/11/2018, 18:20 [GMT+7]
In bài này
.

Tại TP.Vũng Tàu rất phổ biến tình trạng viết, vẽ bậy lên di tích. Như ở di tích Trận địa pháo cổ và hầm thủy lôi Sao Mai-Núi Lớn (hẻm 444, Trần Phú, TP.Vũng Tàu), trên các khẩu pháo chi chít dòng chữ mà du khách để lại. Trong đó, có những người đã dùng vật nhọn khắc vào bề mặt nòng pháo, rất khó để khắc phục trả lại hiện trạng. Tương tự, các khẩu pháo tại di tích Bạch Dinh, Trận địa pháo cổ Tao Phùng cũng phổ biến tình trạng này. 

Những vết vẽ, viết bậy chi chít trên khẩu pháo tại Di tích Bạch Dinh (đường Trần Phú, TP.Vũng Tàu).
Những vết vẽ, viết bậy chi chít trên khẩu pháo tại Di tích Bạch Dinh (đường Trần Phú, TP.Vũng Tàu).

Ông Đoàn Long An, cán bộ phòng Quản lý và phát huy di tích Bảo tàng tỉnh cho biết, năm nào Bảo tàng tỉnh cũng phải thuê người khắc phục, xóa bỏ các dấu vết (khắc, vẽ) mà du khách để lại ở di tích Bạch Dinh và trận địa pháo cổ Sao Mai-Núi Lớn. “Họ viết, vẽ bậy trong những lúc không có bảo vệ nên không bắt quả tang để xử phạt được. Bảo tàng tỉnh đã làm các bảng, biển quy định không được viết, vẽ bậy lên di tích, đồng thời, hướng dẫn viên cũng thường xuyên nhắc nhở du khách nhưng cũng không hiệu quả”, ông Đoàn Long An nói.

Du khách chụp hình lưu niệm tại trận địa pháo cổ và hầm thủy lôi núi Lớn, TP.Vũng Tàu.
Du khách chụp hình lưu niệm tại trận địa pháo cổ và hầm thủy lôi núi Lớn, TP.Vũng Tàu.

Không chỉ riêng ở TP.Vũng Tàu, tình trạng khách viết, vẽ lên di tích đã từng được báo chí phản ánh khá nhiều trong cả nước. Các di tích, danh thắng như Cột cờ Hà Nội, Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cụm di tích đền Ngọc Sơn, tháp Hòa Phong... (Hà Nội); Nhà thờ Đức Bà (TP.Hồ Chí Minh); rùa đá, bia mộ đá tại Thiên Mụ (Huế); bia đá trên núi Bài Thơ (Quảng Ninh); miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam (An Giang); Tam Cốc - Bích Động (Ninh Bình)… đều bị du khách “tấn công”.

Đặc biệt, mới đây nhất, hồi đầu tháng 11, chính quyền Nhật Bản ra thông báo tìm một thanh niên nghi là người Việt đã viết chữ A.HÀO cùng hai ký hiệu hình ngôi sao và trái tim trên một phiến đá di tích thành cổ Yonago, tỉnh Tottori của nước này. Sự việc đã làm dấy lên phẫn nộ ở cộng đồng người Nhật.

Hiện nay, theo quy định tại Điều 23 Nghị định 158/2013/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1-1-2014), phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng với hành vi viết, vẽ, làm bẩn, làm ô uế di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa, nghệ thuật. Tuy nhiên, thực tế, việc tìm ra “thủ phạm” viết vẽ bậy lên di tích để xử lý là rất khó. Ông Trần Bá Việt, Trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin TP.Vũng Tàu cho biết, từ trước đến nay, TP.Vũng Tàu chưa xử phạt được trường hợp về hành vi viết, vẽ bậy lên di tích.

Để hạn chế hành vi xâm hại di tích, danh thắng và các công trình văn hóa, ngoài tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, cần có những giải pháp thực tế hơn để xử phạt. Chẳng hạn, tại các di tích đã được xếp hạng, nên lắp đặt thêm hệ thống camera giám sát để ghi hình, truy tìm đối tượng xâm hại và ghi lại hành vi xâm hại để “phạt nguội”.

PHONG, QUANG

;
.