.

Chiến thắng Điện Biên Phủ - Đường lối quân sự tài tình

Cập nhật: 17:47, 22/04/2024 (GMT+7)

Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc và đi vào lịch sử thế giới, như một chiến công chói lọi đập tan thành trì của chủ nghĩa đế quốc. Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ khẳng định nghệ thuật quân sự tài tình của Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh (giữa), Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp (ngoài cùng bên phải)  và các đồng chí trong Bộ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh (giữa), Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp (ngoài cùng bên phải) và các đồng chí trong Bộ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: tư liệu

Cuộc kháng chiến toàn dân, trường kỳ

Ngay từ lúc khởi sự cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với tư tưởng chỉ đạo "kháng chiến, kiến quốc", Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm hoạch định và từng bước định hình đường lối chiến tranh, mà biểu hiện đặc trưng của nó là: "Toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh".

Như thế, cuộc kháng chiến của ta có lực lượng của toàn dân tham gia, theo phương thức toàn diện (quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa), giành thắng lợi từng bước và dựa vào sức mạnh từ chính nhân dân ta.

Đường lối chiến tranh Nhân  dân thể hiện rõ tính toàn diện của phương thức kháng chiến: quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, trong đó, phương thức đấu tranh quân sự có nhiệm vụ làm thất bại âm mưu, ý đồ cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp.

Việc xác định ngay từ đầu phương châm kháng chiến lâu dài, dựa vào sức mình là chính đã tạo ra thời gian đủ mức cần thiết để làm chuyển hóa so sánh lực lượng, xây dựng, tổ chức, củng cố lực lượng; là nền tảng cho cuộc chiến tranh toàn dân, lực lượng vũ trang Nhân dân hình thành và ngày càng được củng cố phát triển, trong đó, quân đội nhân dân là lực lượng nòng cốt cho toàn dân đánh giặc.

Đường lối tiến hành chiến tranh Nhân dân đúng đắn, sáng tạo đã chẳng những động viên được sức mạnh của toàn dân, mà còn đã khơi dậy lòng yêu nước của toàn dân, toàn quân và đó là yếu tố quyết định đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi, mà điểm hội tụ cho sức mạnh quật khởi của cả dân tộc đó là trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ.

Chủ động phân tán lực lượng địch

Cho đến giữa năm 1953, thế trận chiến tranh Nhân dân của ta đã căng kéo lực lượng quân Pháp trên nhiều khu vực, khiến cho bộ máy điều hành chiến tranh của Pháp buộc phải thay đổi chiến lược, với việc hoạch định một kế hoạch quân sự toàn diện mang tên viên Tổng chỉ huy mới của quân Pháp ở Đông Dương - "Kế hoạch Nava (Henry Navarre)", nhằm tập trung lực lượng, tiến công "chuyển bại thành thắng", giành lại thế chủ động trên chiến trường.

Trước tình hình quân Pháp triển khai Kế hoạch Nava, tháng 10/1953, tại Tỉn Keo (xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, Thái Nguyên), Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp hội nghị thảo luận và thông qua kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953 - 1954. Sau khi nghe báo cáo kế hoạch tác chiến Đông Xuân do Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh...! Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn...". Người nêu rõ nguyên tắc chỉ đạo chiến lược và chỉ đạo tác chiến là: Tập trung lực lượng mở những cuộc tiến công vào những hướng chiến lược mà ở đó địch tương đối yếu nhưng vì quan trọng nên chúng không thể nào bỏ được, buộc chúng phải bị động phân tán lực lượng.

Kết luận Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Hướng Tây Bắc sẽ là hướng chính, các hướng khác là phối hợp. Tuy nhiên, trong hoạt động có thể thay đổi tùy theo tình hình.

Thực hiện chủ trương chiến lược, từ ngày 19/11 đến 23/11/1953, Tổng Quân ủy và Bộ Quốc phòng triệu tập cán bộ cấp trung đoàn trở lên phổ biến kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954. Trong lúc Hội nghị đang diễn ra, thì ngày 20/11/1953, phát hiện ta điều động lực lượng lên Tây Bắc (Đại đoàn 316), Nava liền cho quân nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ.

Ý đồ đổ quân xuống Điện Biên Phủ của Nava đã được Hội nghị thảo luận, rồi đi đến nhận định: Trước sự uy hiếp của ta, địch đã phải bị động đối phó, phải phân tán một bộ phận lực lượng cơ động lên Điện Biên Phủ để yểm hộ cho Tây Bắc, bảo vệ Thượng Lào, để phá kế hoạch tiến công của ta... Dù địch thay đổi thế nào, thì việc quân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ căn bản có lợi cho ta. Ngược lại, nó bộc lộ mâu thuẫn của quân Pháp giữa chiếm đóng đất đai với tập trung lực lượng, giữa chiếm đóng chiến trường rừng núi với củng cố chiến trường đồng bằng.

Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị thông qua Báo cáo của Tổng Quân ủy, quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, thành lập Bộ chỉ huy chiến dịch. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được cử làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch.

NGUYÊN CHƯƠNG (Tổng hợp)

(Còn nữa)

 
.
.
.