.
HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954-2024)

Đánh chắc thắng

Cập nhật: 18:13, 23/04/2024 (GMT+7)

NỘI DUNG LIÊN QUAN:

Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp là phải “đánh chắc thắng”. Trên cơ sở so sánh tương quan lực lượng, đánh giá khả năng của quân ta và quân đồn trú Pháp tại Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có quyết định khó khăn nhất của đời mình là thay đổi phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” thành “đánh chắc, tiến chắc”. Quyết định chính xác này đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Đoàn xe đạp thồ tập trung vận chuyển lương thực ra mặt trận Điện Biên Phủ. Quân dân ta đã chuẩn bị tích cực với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, ta đã huy động hơn 260 ngàn lượt dân công vận chuyển hàng ngàn tấn lương thực, vũ khí, làm hàng ngàn km đường để vận chuyển, đào hàng trăm km đường hầm ôm chặt lấy Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu
Đoàn xe đạp thồ tập trung vận chuyển lương thực ra mặt trận Điện Biên Phủ. Quân dân ta đã chuẩn bị tích cực với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, ta đã huy động hơn 260 ngàn lượt dân công vận chuyển hàng ngàn tấn lương thực, vũ khí, làm hàng ngàn km đường để vận chuyển, đào hàng trăm km đường hầm ôm chặt lấy Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu

49 cứ điểm phòng thủ kiên cố

Điện Biên Phủ là cứ điểm có ý nghĩa chiến lược khống chế cả một vùng rộng lớn của Tây Bắc và Thượng Lào. Bộ chỉ huy quân đội Pháp thực hiện quyết tâm cao nhất, xây dựng tại lòng chảo Điện Biên Phủ một tập đoàn cứ điểm mạnh cả về lực lượng và vũ khí, trang bị, phương tiện chiến đấu mặt đất và trên không, cả về hệ thống công sự, boogke, hầm hào, nhằm “nghiền nát” lực lượng chủ lực của ta.

Lực lượng quân Pháp ở Điện Biên Phủ có 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh (trong quá trình chiến dịch được tăng viện 4 tiểu đoàn và 2 đại đội lính nhảy dù), 2 tiểu đoàn pháo binh 105 ly (24 khẩu - sau đợt 1 được tăng thêm 4 khẩu nguyên vẹn và cho đến ngày cuối cùng được thả xuống rất nhiều bộ phận thay thế khác), 1 đại đội pháo 155 ly (4 khẩu), 2 đại đội súng cối 120 ly (20 khẩu), 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng 18 tấn (10 chiếc M-24 của Mỹ), 1 đại đội xe vận tải 200 chiếc, 1 phi đội máy bay gồm 14 chiếc (7 máy bay khu trục, 6 máy bay liên lạc trinh sát, 1 máy bay lên thẳng).

Lực lượng này gồm khoảng 16.100 quân được tổ chức thành 3 phân khu, gồm Bắc: Him Lam - Độc Lập - Bản Kéo; Trung tâm: Các điểm cao phía Đông, sân bay Mường Thanh, và các cứ điểm phía Tây Mường Thanh, đây là khu vực mạnh nhất của quân Pháp; Nam: cụm cứ điểm và sân bay Hồng Cúm.

Tổng cộng tất cả là 8 trung tâm đề kháng gồm 49 cứ điểm phòng thủ kiên cố liên hoàn trang bị hỏa lực mạnh yểm trợ lẫn nhau; có 2 sân bay: Mường Thanh và Hồng Cúm để lập cầu hàng không. Đại tá Christian de Castries (trong thời gian chiến dịch được thăng hàm Thiếu tướng) là chỉ huy trưởng tập đoàn cứ điểm.

“Đánh chắc, tiến chắc”

Lực lượng Quân đội Nhân dân (QĐND) Việt Nam tham gia gồm 11 trung đoàn bộ binh thuộc các đại đoàn bộ binh (304, 308, 312, 316), 1 trung đoàn công binh, 1 trung đoàn pháo binh 105 ly (24 khẩu), 1 trung đoàn pháo binh 75 ly (24 khẩu) và súng cối 120 ly (16 khẩu), 1 trung đoàn cao xạ 24 khẩu 37 ly (367) (sau được tăng thêm một tiểu đoàn 12 khẩu của đại đoàn công pháo 351.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, điều quan trọng trước hết chính là cách đánh chiến dịch, nói cách khác là việc xác định chính xác phương châm tác chiến chiến dịch làm cơ sở cho việc hạ quyết tâm chiến đấu.

Các đại đoàn chủ lực của ta dù đã thực hành tiến công các căn cứ phòng ngự của quân Pháp (đánh công kiên), nhưng đây là lần đầu tiên ta tiến công vào một tập đoàn cứ điểm liên hoàn (49 cứ điểm), với hệ thống phòng ngự ngày càng được củng cố vững chắc.

Phương châm ban đầu “đánh nhanh, thắng nhanh” trong 2 đêm 3 ngày có ưu điểm là tạo bất ngờ, giữ được quyết tâm và vấn đề cung cấp, tiếp tế có thể đáp ứng tốt hơn. Nhưng, việc xác định phương châm tác chiến cho một chiến dịch quan trọng mang tầm vóc trận quyết chiến chiến lược đòi hỏi Bộ Tổng Tư lệnh và Tư lệnh chiến trường phải cân nhắc, tính toán, quyết định chính xác.

Trên cơ sở so sánh tương quan lực lượng, đánh giá khả năng của quân ta và quân đồn trú Pháp tại Điện Biên Phủ, trong đó, điều quan trọng bậc nhất là phải “đánh chắc thắng” theo chỉ thị của Hồ Chủ tịch.

Ngày 26/1/1954, Hội nghị cán bộ được khai mạc tại Sở chỉ huy chiến dịch ở Mường Phăng. Sau khi thảo luận ý kiến của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và tình hình thực tế của phái viên từ các đơn vị báo cáo, Đảng ủy chiến dịch thống nhất thay đổi cách đánh, chuyển sang vận dụng phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, nêu quyết tâm khắc phục mọi khó khăn tiến hành đánh địch trong thời gian dài.

Chiều cùng ngày, lệnh thay đổi phương châm, cách đánh và kéo pháo ra khỏi trận địa được phổ biến tới tất cả các đơn vị.

Sau này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng, đây là quyết định khó khăn nhất trong đời cầm quân của mình. Việc điều chỉnh phương châm tác chiến này kéo theo việc phải chuẩn bị lại hậu cần cho chiến dịch, nhu cầu hậu cần sẽ tăng lên gấp nhiều lần, diễn ra trong mùa mưa và phải bố trí lại sơ đồ các trận địa pháo, phải kéo pháo ra khỏi các sườn núi rồi kéo lại vào các vị trí mới. Ta đã quyết tâm thực hiện và đã thực hiện được với một nỗ lực rất lớn.

Để thực hiện phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, ta tổ chức lực lượng và thế trận vây hãm toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ nói chung và bao vây từng trung tâm đề kháng nói riêng. Ngoài xây dựng trận địa của bộ binh, ta còn xây dựng trận địa vững chắc trên sườn núi, sườn đồi cho lực lượng pháo binh; đồng thời, xây dựng Sở chỉ huy chiến dịch, Sở chỉ huy các đại đoàn, trung đoàn trong lòng đất để bảo đảm việc chỉ huy không bị gián đoạn.

Quân ta cũng bố trí lực lượng (trong đó có pháo cao xạ) chặn đường tiếp tế (đường không) của đối phương và bảo vệ đường tiếp tế vận tải của ta.

(Còn nữa)
NGUYÊN CHƯƠNG
(Tổng hợp)

.
.
.