.

NHỮNG ĐIỀU CẦN CHÚ Ý KHI NUÔI TÔM HE CHÂN TRẮNG

Cập nhật: 08:15, 17/06/2004 (GMT+7)
Chuẩn bị ao để nuôi tôm he chân trắng thương phẩm - Ảnh: Thanh Nguyên

Tôm he chân trắng, tên khoa học là Penaeus Vannamei và Litopenaeus, là đối tượng nuôi mới ở Việt Nam, đang trong giai đoạn sản xuất thăm dò nên việc phát triển sản xuất giống và diện tích nuôi tôm thương phẩm phải hết sức thận trọng. Do vậy, Sở Thủy sản tỉnh khuyến cáo: Không tiến hành sản xuất giống tôm he chân trắng tại trại sản xuất giống tôm sú và giống các loài tôm khác; Chỉ nuôi thương phẩm tôm he chân trắng ở khu vực cách biệt với các khu vực nuôi tôm sú và các loài tôm nước lợ khác; Tôm he chân trắng rất mẫn cảm với nhiều loại bệnh, nếu không tuân theo quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt, khi nuôi sẽ có nguy cơ gặp rủi ro lớn. Để hiểu rõ đối tượng này, Trung tâm Khuyến Ngư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xin giới thiệu:

Tôm he chân trắng được nhập vào Việt Nam từ tháng 4-2001. Năm 2002, Việt Nam đã cho đẻ nhân tạo thành công tôm he chân trắng và đã nuôi thử ở một số nơi. Qua kết quả nuôi thử, tôm he chân trắng đã có một số biểu hiện:

Lớn nhanh hơn và cỡ đồng đều hơn tôm sú, ví dụ nuôi trong 90 -100 ngày, tôm he chân trắng đã đạt cỡ thị trường chấp nhận, trong khi đó đối với tôm sú phải nuôi 120 ngày. Thức ăn của tôm he chân trắng không đòi hỏi có hàm lượng cao như thức ăn của tôm sú và giá thức ăn hiện nay cũng rẻ hơn.

Tuy nhiên tôm he chân trắng lại mẫn cảm với tất cả các loại bệnh mà tôm sú thường gặp: Bệnh đỏ chân (bại huyết), nhũn mắt, thối mang, thối đuôi, đốm trắng, đen mang, hoại tử tiền tế bào máu do virus (IHHNV). Đặc biệt tôm he chân trắng còn mẫn cảm với bệnh Taura – một loại virus gây hội chứng Taura chỉ tìm thấy ở tôm he chân trắng.

ĐỂ NUÔI TÔM HE CHÂN TRẮNG, CẦN PHẢI THỰC HIỆN TỐT NHỮNG KỸ THUẬT SAU:

Trong hệ thống ao nuôi nhất thiết phải có ao trữ lắng nước và hệ thống thải. Nước cấp vào ao nuôi phải được trữ ở ao lắng từ 5 đến 7 ngày, được xử lý và lọc trước khi vào ao nuôi. Chất thải trước khi ra ngoài phải được xử lý và được thải vào hố hoặc bãi thải được thiết kế sẵn.

Trước khi thả tôm giống vào nuôi, ao phải được rải vôi cải tạo đáy, bờ làm cho độ pH ổn định, diệt các mầm bệnh tiềm ẩn trong ao và bón lót gây màu nước. Ao mới đào cần tiến hành rửa đáy nhiều lần để giảm độ phèn trước khi tiến hành các bước tiếp theo. Dùng vôi nung (CaO) dạng cục màu trắng tro để rải xuống đáy và bờ ao với lượng 200 –250 kg/1000m2. Dùng phân vô cơ gồm lân, urê, DAP bón lót cho ao với lượng: phân lân 5kg/1.000 m2, urê 1kg/1.000m2 và DAP từ 1-1,5 kg/1.000m2. Sau khi dẫn nước vào ao đủ mức qui định, tiến hành khảo sát các yếu tố, nếu đạt các tiêu chuẩn sau đây, tiến hành thả tôm.

Oxy hòa tan  4mg/ l; PH  7-8; Độ mặn 10 - 25%; Khí H2S 0,03mg/l, NH3 0,1mg/l và độ trong 30 -35 cm.

TÔM GIỐNG

Tôm giống phải đảm bảo chất lượng, thả đúng mật độ và phù hợp với thời tiết. Tôm giống phải được sản xuất ở nơi có nguồn tôm bố mẹ sạch bệnh. Bản thân tôm giống phải đạt tiêu chuẩn như sau:

Không có cá thể nào bị mắc bệnh phát sáng, bệnh nấm, bệnh virus đốm trắng, đầu vàng, đục thân hoặc Taura…

Mật độ tôm nuôi tùy thuộc vào mực  nước trong ao và phương thức nuôi. Ví dụ:

- Ao sâu 1m thả mật độ 12 con/m2

- Ao sâu 1,2m thả mật độ 12-18 con/m2

- Ao sâu 1,5m thả mật độ 20-25 con/ m2

Nếu nuôi theo công thức công nghiệp quy trình khép kín có thể thả mật độ 40-60 con/m2. Nên chọn tôm giống để thả cùng một đợt và thả đủ mật độ một lần , thả tôm ở nơi sâu nhất của ao và đầu ngọn gió, nhiệt độ nước lúc thả tôm là 22 - 25độ C.

Trước khi thả tôm giống xuống ao có thể vô trùng cho tôm bằng cách ngâm tắm trong dung dịch iốt 20mg/l trong 10 phút.

THỨC ĂN

Thức ăn dùng để nuôi tôm he chân trắng phải chế biến đúng thành phần, đủ chất đủ lượng và cho ăn hợp lý với từng giai đoạn phát triển của tôm.

Hai mươi ngày đầu có thể dùng thức ăn chế biến gồm: Cá tươi, đậu nành và cám gạo mịn với lượng: Cá tươi  0,3kg + 0,1kg bột đậu nành + 0,4 kg cám gạo mịn/1.000m2/ngày. Thức ăn được nấu chín và bóp nhuyễn lọc qua vải mỏng , té đều ao.

Từ sau đó trở đi dùng thức ăn chế biến công nghiệp. Khẩu phần thức ăn hằng ngày theo cỡ lớn của tôm.Ví dụ:

Cỡ tôm 1-2cm/con cho ăn 150-200% khối lượng tôm nuôi

Cỡ tôm 2-3cm/con cho ăn 100% khối lượng tôm nuôi

Cỡ tôm 3-5 cm/con cho ăn 50% khối lượng tôm nuôi

Cỡ tôm từ 5cm đến thu hoạch cho ăn 30-25% khối lượng tôm nuôi

Ngày cho ăn từ 5-6 lần trong ngày. Lượng thức ăn từng lần như sau:

Từ 4-5 giờ cho ăn 25% lượng thức ăn ngày

Từ 10 -11 giờ cho ăn 15% lượng thức ăn ngày

Từ 14 -15 giờ cho ăn 10% lượng thức ăn ngày

Từ 18 -19 giờ cho ăn 35% lượng thức ăn ngày

Từ 23 - 0 giờ cho ăn 15% lượng thức ăn ngày

Thức ăn đặt vào sàn làm bằng vải, đặt cố định ở nhiều địa điểm trong ao, nên đặt cách bờ ao từ 3 đến 4m và gần máy quạt nước.

Khi cho ăn cần chú ý: Không cho tôm ăn trong những trường hợp: Nước ao bị ô nhiễm, khi trời đang mưa to, gió lớn, thời kỳ tôm bị nổi đầu hoặc đang lột xác và những ngày nhiệt độ cao 33 – 35 độ C hoặc khi nhiệt độ xuống thấp dưới 20 độC.

Thanh Nguyên

.
.
.