.

Mô hình tổ hợp tác dùng nước gặp khó

Cập nhật: 16:22, 08/04/2018 (GMT+7)

Tổ hợp tác dùng nước được xem là cánh tay nối dài của các trạm thủy lợi, với nhiệm vụ cung cấp nước kịp thời cho sản xuất nông nghiệp, giảm lượng nước thất thoát trong tưới tiêu. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều tổ hợp tác dùng nước đang gặp khó khăn, hoạt động cầm chừng.

Nông dân xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ chuẩn bị vụ hè thu 2018.
Nông dân xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ chuẩn bị vụ hè thu 2018.

Tổ hợp tác dùng nước (THTDN) là tổ chức do các hộ nông dân sử dụng nguồn nước thủy lợi bầu ra nhằm điều tiết việc nhận nước tưới từ các kênh chính tới các kênh nội đồng. Ông Vũ Văn Lợi, Trưởng Phòng Quản lý nước, Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh cho biết, các THTDN có vai trò hết sức quan trọng. Các trạm thủy lợi đóng tại các địa phương chỉ có nhiệm vụ đưa nước từ hồ thủy lợi về hệ thống kênh chính, còn việc đưa nước từ các kênh cấp 2 về đến ruộng do các tổ chức dùng nước này phụ trách. Các tổ chức này hoạt động hiệu quả sẽ giúp nông dân thuận lợi khi lấy nước và tránh lãng phí nguồn nước thủy lợi. Theo quy định của UBND tỉnh, các địa phương sử dụng nguồn nước đều cần có THTDN do UBND xã ra quyết định thành lập. Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động của tổ chức này đang gặp nhiều khó khăn.   

Ông Lê Văn Hùng, Trưởng Trạm Khai thác công trình thủy lợi TP.Bà Rịa cho biết, trên địa bàn thành phố có 3 THTDN tại các xã Tân Hưng, phường Phước Hưng và Long Hương, với diện tích lúa trên 600ha. Tuy nhiên, hiện nay, các tổ chức này chỉ hoạt động cầm chừng, chưa hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Tổ phó THTDN xã Tân Hưng, TP.Bà Rịa cho biết, trên địa bàn xã có hơn 110ha diện tích trồng lúa. THTDN của xã có 4 thành viên, với nhiệm vụ điều tiết nước thủy lợi từ đập Sông Dinh về đồng ruộng cho nông dân. Tuy nhiên, hiện THTDN xã Tân Hưng gần như không hoạt động, việc lấy nước thường do nông dân tự thống nhất với nhau. Vai trò quan trọng nhất của THTDN là điều tiết lúc thiếu nước. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn nước thủy lợi dồi dào, cứ đến ngày nhận nước thủy lợi thì nông dân tự động lấy nước vào ruộng nên THTDN không có việc để làm. Các tổ viên của THTDN cũng là nông dân, đến thời vụ phải chú trọng công việc đồng áng, làm trong tổ cũng không được hỗ trợ chi phí nên anh em cũng không mặn mà. 

Xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ là một trong những vựa lúa của tỉnh với diện tích hơn 900ha. Ông Trần Văn Tẻo, Tổ trưởng THTDN của xã cho biết, theo quy định, để duy trì hoạt động, THTDN có thể vận động các hộ đóng không quá 200 ngàn đồng/ha/vụ. Tuy nhiên, đây không phải là loại phí bắt buộc, nên việc vận động nông dân đóng tiền rất khó khăn, khiến THTDN “kẹt” kinh phí. Bên cạnh đó, thành viên trong THTDN chủ yếu là nông dân, trình độ chuyên môn chưa cao nên việc điều tiết nước chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Mỗi tổ viên lại muốn điều tiết sao cho có lợi cho vùng ruộng của mình nên có thời điểm không thể thống nhất phương án điều tiết nước. Vì vậy, nhiều thành viên của THTDN xã Láng Dài đã xin nghỉ.

 Theo ông Vũ Văn Lợi, việc các THTDN hoạt động chưa hiệu quả, thậm chí nhiều địa phương chỉ tồn tại trên giấy tờ rất nguy hiểm. “Đúng là nguồn nước tưới hiện nay đang dồi dào. Tuy nhiên, với diễn biến phức tạp của khí hậu, theo dự báo, khoảng 2-3 năm nữa, nguồn nước thủy lợi sẽ gặp khó. Nếu để nông dân “mạnh ai người đó lấy nước” sẽ gây lãng phí nước, dẫn đến những tác hại lâu dài. Do đó, hoạt động của các THTDN cần được kiện toàn, củng cố. Trong các hội nghị rút kinh nghiệm về vấn đề thủy lợi sau mỗi mùa vụ, Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi luôn kiến nghị các địa phương có những biện pháp hỗ trợ nhằm tăng hiệu quả của các THTDN”,  ông Lợi nhấn mạnh.

Bài, ảnh: QUANG VINH

 
.
.
.