Thủ tướng "đặt hàng" tìm động lực tăng trưởng mới

Thứ Ba, 18/12/2018, 17:40 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 18-12, chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ bàn về một số công tác của Tiểu ban Kinh tế-xã hội chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu ban đề nghị tập trung triển khai đặt hàng, giao nhiệm vụ nghiên cứu ngay tại thời điểm cuối năm 2018.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ bàn về một số công tác của Tiểu ban kinh tế - xã hội. (Ảnh: Quang Hiếu)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ bàn về một số công tác của Tiểu ban kinh tế - xã hội. (Ảnh: QUANG HIẾU)

Tại cuộc họp, các đại biểu thảo luận phương pháp, cách thức xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và Báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.

Sau khi nghe các ý kiến, kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng cơ bản thống nhất dự thảo chương trình kế hoạch và lộ trình thực hiện, chia theo từng tháng, từ tháng 1-2019 đến tháng 3-2021. Trong đó, có 2 mốc quan trọng là trình Hội nghị Trung ương 10 vào tháng 5-2019 để Hội nghị thảo luận, cho ý kiến, từ đó hoàn thiện đề cương chi tiết, bao gồm những nội dung, vấn đề cốt lõi. Mốc thứ hai là trình Hội nghị Trung ương 11 vào tháng 10-2019 để thông qua dự thảo báo cáo trình Đại hội Đảng XIII, gửi đảng bộ các cấp cho ý kiến.

Định hướng các nội dung trọng tâm để đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ nghiên cứu, Thủ tướng gợi ý vấn đề phát triển nhanh và bền vững ở Việt Nam. “Chúng ta phải phát triển cao mặc dù rất khó khăn trong điều hành nhưng không cao, không nhanh thì sẽ trì trệ vì quy mô nền kinh tế của ta còn thấp”. Không thể nói chỉ cần chất lượng mà không cần số lượng. Phương hướng phải mạnh mẽ hơn, ý chí hơn. Phát huy nguồn lực đất nước mạnh mẽ để phát triển và giải quyết đời sống của người dân.

Đối với đột phá chiến lược, Thủ tướng đặt vấn đề xem có đột phá nào mới và lấy ví dụ về việc khẳng định vai trò của khoa học công nghệ, của kỷ nguyên số, của đời đại mới đặt ra như thế nào khi mà không có khoa học công nghệ thì chúng ta sẽ tụt hậu. Hay cũng cần nghiên cứu vấn đề thể chế, tháo bỏ các thể chế lạc hậu, cũ kỹ, ràng buộc bởi nếu không làm sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước.

“Câu hỏi là tìm động lực tăng trưởng mới ở Việt Nam, cần đưa ra Tiểu ban để thảo luận, trong đó có vấn đề phát triển đô thị, kinh tế tư nhân, đổi mới sáng tạo, nông nghiệp…”, Thủ tướng gợi mở. Phải phân tích sâu sắc hơn những đặc trưng của kinh tế Việt Nam hiện hay để có giải pháp tốt hơn, phù hợp hơn. 

Đối với tư duy, quan điểm phát triển, Thủ tướng gợi ý, cần làm rõ hơn mối quan hệ giữa kinh tế, xã hội và môi trường, quan hệ giữa phát triển nhanh và bền vững, giữa phát triển toàn diện và tập trung mũi nhọn, trong đó làm rõ hơn mũi nhọn. Hay mối quan hệ quan trọng nữa là bảo đảm nền kinh tế tự chủ, tự cường với xu hướng mở cửa nền kinh tế, hội nhập quốc tế.

THANH BÌNH

;
.