.

Phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định khi tái đàn heo

Cập nhật: 21:54, 12/04/2020 (GMT+7)

Đến nay dịch tả heo châu Phi cơ bản đã được kiểm soát, người chăn nuôi heo đã có thể tái đàn. Tuy nhiên, cơ quan chức năng khuyến cáo, bà con cần chú trọng vệ sinh chuồng trại, lựa chọn nguồn giống an toàn…

Cán bộ thú y tại xã Xà Bang, huyện Châu Đức kiểm tra an toàn dịch bệnh đối với đàn heo của một hộ dân trên địa bàn.
Cán bộ thú y tại xã Xà Bang, huyện Châu Đức kiểm tra an toàn dịch bệnh đối với đàn heo của một hộ dân trên địa bàn.

30 NGÀY KHÔNG XUẤT HIỆN Ổ DỊCH MỚI

Theo ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, trong thời gian qua, dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát. Trong hơn 30 ngày qua, tất cả các địa phương trên toàn tỉnh không xuất hiện ổ dịch mới. “Có thể nói, BR-VT đã hết dịch tả heo châu Phi. Với việc xuất hiện và gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh với hơn 40 ngàn con heo phải tiêu hủy, việc chính quyền, các trang trại và nông hộ kiểm soát được loại dịch bệnh nguy hiểm này là tín hiệu đáng mừng. Hiện nay, tổng đàn heo đã giảm mạnh, chỉ còn 345 ngàn con so với 445 ngàn con trước dịch. Đây là lúc người chăn nuôi cần tính tới việc tái đàn heo, và đây cũng là thời điểm thuận lợi vì dịch đã được kiểm soát và giá heo đang ở mức cao”- ông Nguyễn Xuân Trung cho biết.

Theo ghi nhận, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cũng đã bắt đầu tái đàn dù vẫn còn dè dặt. Ông Trần Văn Hòa (ấp Liên Lộc, xã Xà Bang, huyện Châu Đức) sở hữu trang trại có thể nuôi hơn 200 con heo. Tuy nhiên, đợt dịch vừa qua, ông rất thận trọng, chỉ giữ lại 7 con heo nái. Sau mấy tháng nghe ngóng, trong xã không có trại có ổ dịch mới, ông Hòa dè dặt tái đàn. Ông Hòa cho biết: “Tôi vẫn lo dịch bệnh tái phát nên chỉ phối giống cho các heo nái để tự túc nguồn giống chứ chưa dám nhập heo giống ở các địa phương khác”.     

Tương tự, ông Trần Thành Toàn (xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc) cũng đang có ý định tái đàn vào thời điểm này. Ông Toàn cho biết: “Giá heo giống hiện nay rất cao, lên đến 1,7-2 triệu đồng/con. Cộng với chi phí thức ăn, thuốc men đều tăng nên để nuôi một con heo trưởng thành, phải tốn hơn 4 triệu đồng. Nếu ồ ạt tái đàn mà dịch bệnh bùng phát trở lại sẽ thiệt hại nặng nề. Do đó, tôi chỉ nuôi khoảng 10 con để thăm dò. Khi dịch bệnh hoàn toàn được khống chế thì mới tăng thêm đàn”.

Người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu tái đàn heo, dù còn khá dè dặt. Trong ảnh: Chăm sóc heo tại trại nuôi của ông Trần Văn Hòa (ấp Liên Lộc, xã Xà Bang, huyện Châu Đức).
Người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu tái đàn heo, dù còn khá dè dặt. Trong ảnh: Chăm sóc heo tại trại nuôi của ông Trần Văn Hòa (ấp Liên Lộc, xã Xà Bang, huyện Châu Đức).

NHỮNG YÊU CẦU BẮT BUỘC KHI MUỐN TÁI ĐÀN, TĂNG ĐÀN

Trước những lo lắng của người chăn nuôi, ông Nguyễn Xuân Trung cho rằng, hiện nay, giá heo hơi đang ở mức cao, do đó, việc tái đàn là hợp lý. Tuy nhiên, các trang trại, nông hộ phải đặc biệt coi trọng an toàn vệ sinh chuồng trại và con giống.

Hỗ trợ 62 tỷ đồng cho người chăn nuôi      
Để người chăn nuôi có điều kiện, nguồn vốn khôi phục sản xuất, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã đẩy nhanh công tác hỗ trợ cho bà con theo quy định của Chính phủ. Cụ thể, các huyện, thị xã, thành phố đã chi trả trên 62 tỷ đồng cho các trang trại có heo chết do dịch tả châu Phi năm 2019. Trong năm 2020, số heo bị thiệt hại còn lại rất ít, cơ quan chức năng đang tiến hành công tác kiểm kê, lập hồ sơ và chờ chính sách hỗ trợ mới, thay thế Quyết định 793/QĐ-TTg ngày 27/6 của Thủ tướng Chính phủ đã hết hiệu lực để thực hiện.

Ông Trung lưu ý thêm, hiện nay, Bộ NN-PTNT cũng đã có các khuyến cáo và hướng dẫn rõ ràng cho người chăn nuôi heo trong trường hợp muốn tái đàn, tăng đàn. Theo đó, người chăn nuôi cần đáp ứng được các yêu cầu sau: Trước hết, các trang trại muốn tái đàn, tăng đàn đều phải được công nhận an toàn dịch bệnh. Đối với các trại nuôi chưa từng có heo nhiễm bệnh thì được phép tái đàn 100% quy mô. Đối với các trại đã từng có heo nhiễm bệnh được phép tái đàn lần đầu 10% quy mô, sau 30 ngày, lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả đều âm tính mới được phép tái đàn thêm. Ông Trung cho biết: “Cùng với đó, người chăn nuôi muốn tái đàn cần chú ý, bảo đảm các yêu cầu. Heo đưa về nuôi phải có nguồn gốc từ cơ sở không nhiễm bệnh và được lấy mẫu xét nghiệm âm tính với bệnh tả châu Phi. Trước khi tiếp nhận heo nuôi, chủ trang trại cần báo cáo với chính quyền địa phương và cơ quan thú y để theo dõi, quản lý; đồng thời, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch theo quy định và tiêm phòng cho đàn heo. Trong quá trình nuôi, nếu phát hiện heo có biểu hiện mắc bệnh tả châu Phi, cần báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y để kịp thời xử lý”.

Bài, ảnh: PHÚ XUÂN

.
.
.