CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ VII, TIẾN TỚI ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG

Đưa thanh toán không dùng tiền mặt đến từng người dân

Thứ Ba, 08/09/2020, 20:53 [GMT+7]
In bài này
.

5 năm qua, ngành ngân hàng đã tăng cường đổi mới công nghệ, phát triển ngân hàng số, tích cực triển khai các biện pháp phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Đáng chú ý là, ngành ngân hàng đã tổ chức thực hiện tốt chương trình cải cách hành chính và đề án thanh toán không dùng tiền mặt đến từng người dân, DN.

KBNN, Cục Thuế tỉnh và Agribank Vũng Tàu đã ký kết thỏa thuận phối hợp thu ngân sách.
KBNN, Cục Thuế tỉnh và Agribank Vũng Tàu đã ký kết thỏa thuận phối hợp thu ngân sách.

THÓI QUEN THANH TOÁN THAY ĐỔI

Chị Nguyễn Thị Bạch, nhà ở chung cư 21 tầng Hodeco Plaza (36, Nguyễn Thái Học, TP. Vũng Tàu) cho biết, trước đây, mỗi lần mua sắm hay chi tiêu bất cứ khoản gì, chị đều sử dụng tiền mặt. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, thói quen này đã dần thay đổi, thay vào đó mỗi lần đi siêu thị, chỉ chỉ cần cầm chiếc thẻ ATM. Các dịch vụ như tiền điện, nước, điện thoại… cũng được thanh toán qua internet banking. 

Không riêng gì chị Bạch, qua khảo sát người tiêu dùng cho thấy, sau nhiều năm quen rút tiền mặt để chi tiêu, nhiều người đã chuyển sang thanh toán bằng thẻ, internet banking. Việc thanh toán không dùng tiền mặt đã được áp dụng nhiều trong cuộc sống như: Thu thuế điện tử, nộp viện phí, học phí, tiền điện, các tiền cước dịch vụ… Thống kê của NHNN cho thấy, tăng trưởng số lượng và giá trị giao dịch thanh toán điện tử năm 2019 qua kênh mobile banking lần lượt là 198% và 210%; các kênh ineternet banking và ví điện tử cũng đều tăng trưởng khoảng 37-86% so với cùng kỳ. Tỷ trọng giao dịch tại ATM giảm từ 62% của năm 2018 xuống còn 42% vào cuối năm 2019. Con số này cho thấy, sự thay đổi thói quen từ việc rút tiền mặt phục vụ chi tiêu hàng ngày sang các kênh ngân hàng điện tử.

Từ đầu năm đến nay, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, người dân có ý thức chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt nhiều hơn. Số liệu thống kê của NHNN cũng cho thấy, trong những tháng đầu năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng hoạt động thanh toán vẫn có sự tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Giá trị giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng trong quý I/2020 tăng hơn 21% so với cùng kỳ.

Tại BR-VT, số lượng và giá trị giao dịch thanh toán điện tử cũng ngày càng tăng cao. Báo cáo của NHNN, chi nhánh BR-VT cho biết, nếu như 6 tháng đầu năm, thanh toán không dùng tiền mặt qua các chi nhánh NHTM là 570.000 tỷ đồng thì đến cuối tháng 8/2020, thanh toán không dùng tiền mặt qua các chi nhánh đạt 570.600 tỷ đồng.

Nhân viên BIDV Bà Rịa tư vấn cho phụ huynh  về giải pháp thu hộ học phí tại quầy.
Nhân viên BIDV Bà Rịa tư vấn cho phụ huynh về giải pháp thu hộ học phí tại quầy.

ĐẨY MẠNH THANH TOÁN ĐIỆN TỬ TRONG DỊCH VỤ CÔNG

Đây là chủ trương lớn của Chính phủ được BR-VT nỗ lực triển khai thực hiện trong thời gian qua. Cuối năm 2019, UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch triển khai Cổng thanh toán trực tuyến và giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả trên địa bàn tỉnh. Qua đó, hỗ trợ thanh toán trực tuyến chi phí, lệ phí khi người dân và DN sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tại Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh và các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời tiết giảm thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính cho người dân, DN; giúp cơ quan quản lý Nhà nước hoàn thiện quá trình cải cách thủ tục hành chính, công khai, minh bạch hoạt động thu phí, lệ phí, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, tiết kiệm chi phí và nguồn lực hướng đến triển khai chính quyền điện tử tại BR-VT.

Về phía ngành ngân hàng cũng đã không ngừng thúc đẩy và mở rộng thanh toán điện tử đối với dịch vụ công. Bà Nguyễn Thanh Thủy, Giám đốc BIDV Bà Rịa cho biết: Năm học 2020-2021, BIDV Bà Rịa bắt đầu thực hiện triển khai dịch vụ thu hộ học phí. Đây là ngân hàng đầu tiên trên địa bàn TP. Bà Rịa thực hiện dịch vụ này, góp phần đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong ngành giáo dục theo chủ trương của Chính phủ. Theo đó, ngân hàng sẽ thực hiện với các trường học theo các hình thức như: Tự động trừ tiền học phí hàng tháng/kỳ của HS, sinh viên qua tài khoản ngân hàng; gia đình học sinh; sinh viên có thể nộp học phí qua quầy giao dịch, internet banking, mobile banking, nộp qua máy ATM, thanh toán qua website của nhà trường.

Theo NHNN, đến đầu năm 2020, đã có 50 ngân hàng hoàn thành kết nối thanh toán thuế điện tử với cơ quan thuế, hải quan trên 63 tỉnh, thành phố; 95% số thu hải quan được thực hiện qua ngân hàng; 99% DN đăng ký nộp thuế điện tử. Ðến nay, có 78 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 49 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. Ðồng thời, tính đến tháng 5/2020, có 34 tổ chức không phải là ngân hàng đã được NHNN cấp giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Còn tại Công ty Điện lực BR-VT, sau hơn 1 năm triển khai thí điểm không thu tiền tại nhà khách hàng, đến nay đã có hơn 90.000 khách hàng trên địa bàn tỉnh đã đăng ký thanh toán tiền điện qua các kênh của ngân hàng, điểm thu hộ tiền điện, app chăm sóc khách hàng trên điện thoại thông minh, đạt hơn 51,3%. Trong đó có nhiều địa phương đạt tỷ lệ cao như: TP. Vũng Tàu đạt 103,5%; huyện Côn Đảo đạt 127,5%, TP. Bà Rịa đạt 79,1%...

Thực tế cho thấy, thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công mang lại sự thuận tiện, hiệu quả, có nhiều ưu thế vượt trội hơn so với giao dịch thanh toán bằng tiền mặt, tránh được rủi ro, tiết kiệm thời gian và nhân lực. Đối với dịch vụ thu ngân sách, thời gian qua, KBNN, Cục Thuế tỉnh cũng đã ký kết thỏa thuận phối hợp thu ngân sách. Hệ thống KBNN cấp tỉnh, thành phố, thị xã, huyện đều được trang bị thiết bị chấp nhận thẻ ngân hàng phục vụ việc thu ngân sách nhà nước. Ông Nguyễn Minh Cường, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: Từ ngày 1/8, Cục Thuế tỉnh triển khai nộp lệ phí trước bạ (LPTB) điện tử và trao đổi dữ liệu điện tử LPTB đối với ô tô, xe máy đăng ký trên địa bàn tỉnh. Như vậy, người nộp LPTB qua các ngân hàng thương mại chỉ cần có tài khoản đã đăng ký dịch vụ thanh toán điện tử (Internet Banking) tại một trong các Ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, Agribank, VPBank, MBBank, TPBank, BIDV... Dịch vụ này không chỉ tiết kiệm chi phí cho người dân mà còn góp phần thực hiện nhiệm vụ điện tử hóa thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác thu nộp NSNN.

Người tiêu dùng đã dần thay đổi thói quen dùng tiền mặt bằng quẹt thẻ. Trong ảnh khách hàng thanh toán bằng thẻ tại Vinmart+ 93 Lê Lợi, Vũng Tàu.
Người tiêu dùng đã dần thay đổi thói quen dùng tiền mặt bằng quẹt thẻ. Trong ảnh khách hàng thanh toán bằng thẻ tại Vinmart+ 93 Lê Lợi, Vũng Tàu.

Bài, ảnh: PHAN HÀ

 
;
.