MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM - OCOP

Hướng đi bền vững cho nông nghiệp nông thôn

Chủ Nhật, 06/09/2020, 22:51 [GMT+7]
In bài này
.

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”(gọi tắt là OCOP) trên địa bàn tỉnh đang hướng đến việc tạo ra những sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, có thương hiệu, đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đồng thời nâng cao thu nhập cho người dân.

Chả cá Mười (TT. Phước Hải, huyện Đất Đỏ), không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm để tham gia chương trình OCOP
Chả cá Mười (TT. Phước Hải, huyện Đất Đỏ), không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm để tham gia chương trình OCOP

PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM LỢI THẾ

Theo Sở NN-PTNT, qua 2 năm triển khai chương trình OCOP, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 48 cơ sở đủ điều kiện tham gia chương trình với hơn 100 sản phẩm. Các sản phẩm này đã được các cơ quan chuyên môn hướng dẫn xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chứng nhận bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP). Trong đó đã có 17 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu được Sở Công thương tổ chức đánh giá chất lượng trong năm 2019. Sở NN-PTNT cũng triển khai xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm: hồ tiêu, nhãn xuồng cơm vàng, mãng cầu ta, bưởi da xanh, bún, bánh tráng, hàu…

Xã Lộc An, huyện Đất Đỏ hiện có khoảng 20 hộ đang trồng nhãn xuồng cơm vàng với diện tích trên 28ha, sản lượng trung bình mỗi vụ từ 5-6 tấn/ha, doanh thu bình quân đạt 700 triệu đồng/năm. Để phát triển, nâng tầm sản phẩm này, chính quyền địa phương đã chọn nhãn xuồng cơm vàng Lộc An và Phước Hội làm sản phẩm đặc trưng. Theo đó, các hộ dân được hướng dẫn xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chứng nhận bảo đảm chất lượng ATTP, từng bước chuẩn hóa sản phẩm… Không chỉ trồng theo phương pháp truyền thống, nhiều hộ dân đang trồng nhãn xuồng cơm vàng theo tiêu chuẩn VietGAP để xây dựng thương hiệu cho trái nhãn xuồng “Made in Bà Rịa - Vũng Tàu”. Nhờ đó, sản phẩm nhãn xuồng cơm vàng có điều kiện vươn xa, được người tiêu dùng tin tưởng, không chỉ ở hương vị thơm ngon đặc trưng mà vì độ an toàn với sức khỏe.

Ông Bùi Văn Thanh (ấp An Hòa, xã Lộc An, huyện Đất Đỏ) đang trồng khoảng 4ha nhãn xuồng cơm vàng, trung bình mỗi vụ cho thu hoạch 20 tấn. Cách đây 5 năm, với mong muốn tạo ra sản phẩm nhãn xuồng cơm vàng an toàn, bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng, ông Thanh chuyển sang trồng nhãn theo hướng hữu cơ. Để đáp ứng tiêu chí của chương trình, gia đình ông đã không ngừng nâng cao ý thức về quy trình sản xuất, nói không với việc sử dụng các loại phân bón, thuốc BVTV hóa học, tham gia các chương trình tập huấn về chương trình. Đồng thời, phối hợp cùng địa phương hoàn thiện các thủ tục cần thiết trong việc đăng ký thương hiệu, nhãn hàng sản phẩm.

Trong năm 2020, huyện Châu Đức đã lựa chọn được 7 sản phẩm đặc trưng, triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, trong đó có 2 sản phẩm là tinh dầu bưởi và nấm linh chi của HTX Nông nghiệp Công nghệ cao (xã Bình Ba). Tham gia chương trình OCOP, HTX được huyện tạo điều kiện về hồ sơ, thủ tục, tổ chức tập huấn; hỗ trợ, hướng dẫn đầu tư cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn vệ sinh ATTP, cải tiến mẫu mã, bao bì, tem nhãn, quảng bá sản phẩm... Nhờ đó, HTX dần hoàn thiện và nâng tầm uy tín, chất lượng, cũng như mở rộng thị trường cho các các sản phẩm của mình.

Ông Lê Hòa Bình, Giám đốc HTX Nông nghiệp Công nghệ cao tỉnh BR-VT (xã Bình Ba, huyện Châu Đức) cho rằng: Đăng ký tham gia OCOP mục tiêu của HTX là được liên kết với các đơn vị khác trong cả nước và được các ban, ngành quảng bá sản phẩm, từ đó đưa sản phẩm đi xa hơn, cơ hội hợp tác được mở rộng, bà con địa phương Châu Đức nói riêng, tỉnh BR-VT nói chung sẽ có cơ hội làm kinh tế, tăng thêm nguồn thu.

TỪNG BƯỚC CHUẨN HÓA SẢN PHẨM

Mục tiêu của tỉnh BR-VT là đến cuối năm 2020 sẽ chuẩn hóa khoảng 30 sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh. Đến cuối năm 2025, tỉnh sẽ xây dựng thành công 180 sản phẩm được xếp hạng từ 3-5 sao cấp tỉnh. Để đạt mục tiêu đề ra, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành nâng cao công tác tuyên truyền sản phẩm OCOP; hướng dẫn đăng ký sản phẩm tham gia chương trình, bởi vẫn chưa có nhiều nông dân, HTX biết đến chương trình OCOP. Bên cạnh đó, việc khắc phục những nhược điểm về quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ cho sản phẩm cũng là vấn đề được tỉnh đặc biệt quan tâm. Trong đó, với các nông sản thế mạnh chung của nhiều địa phương khác nhau, tỉnh sẽ có phương án liên kết để phát triển sản xuất đồng bộ, quảng bá và xây dựng thành thương hiệu chung cấp huyện hoặc tỉnh, chứ không cứng nhắc “mỗi xã một sản phẩm”.

Ông Vũ Ngọc Đăng, Phó Chi cục trưởng Chi cục PTNT (Sở NN-PTNT) cho biết: Thời gian qua, UBND tỉnh đã phối hợp cùng các đơn vị chuyên môn tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu về quản lý, cách thức tổ chức thực hiện chương trình. Phê duyệt và ban hành tài liệu, sổ tay hướng dẫn thực hiện chương trình OCOP và bộ tiêu chí đánh giá xếp hạng sản phẩm chung để các địa phương có cơ sở thực hiện. Đặc biệt, tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân thay đổi về tư duy sản xuất hàng hóa hướng đến xuất khẩu, chịu khó học hỏi, tiếp cận kinh tế thị trường, hợp tác sản xuất của chính người dân, của chủ DN, HTX.

“Trong thời gian tới, Chi cục sẽ tham mưu cho Sở NN-PTNT, UBND tỉnh có kế hoạch tổng thể thực hiện trên địa bàn tỉnh cho 180-200 sản phẩm đối với các nội dung, trong đó chủ thể được tham gia rất rõ ràng ngay từ ban đầu, các sản phẩm được phân cấp từ 3 sao 4 sao thậm chí có những sản phẩm dự kiến sẽ đạt chuẩn 5 sao”, ông Đăng nhấn mạnh.

Bài, ảnh: PHÚC HIẾU

 
;
.