Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Thứ Năm, 17/06/2021, 17:21 [GMT+7]
In bài này
.

Trong những năm qua, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em luôn được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm, được coi là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu nhằm bảo đảm an sinh xã hội, vì mục tiêu chăm sóc và phát triển ổn định đối với các thế hệ trẻ tương lai của đất nước.

Vừa qua, tình hình vi phạm, xâm hại trẻ em xảy ra tại nhiều địa phương và đặc biệt, những tác hại xấu từ môi trường mạng diễn biến ngày càng phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 830/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”. Mục tiêu của chương trình là nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng số cho trẻ em theo từng độ tuổi để biết tự bảo vệ mình khi tham gia tương tác an toàn trên môi trường mạng, trong đó gồm: Sử dụng mạng lành mạnh, an toàn; tự bảo vệ mình khi tham gia tương tác trên môi trường mạng và cách thức nhận diện, thông báo, tố giác hành vi, vụ việc xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

Theo số liệu khảo sát gần đây, Việt Nam thuộc top các quốc gia có số lượng người sử dụng internet nhiều nhất thế giới, với 64 triệu người, chiếm 66% dân số. Trong đó, 1/3 là người chưa thành niên và thanh niên ở độ tuổi từ 15-24 và mỗi ngày có hơn 7.200 hình ảnh xâm hại trẻ em được đưa lên mạng, với hầu hết là các hình ảnh bạo lực, bắt nạt và xâm hại tình dục. Kết quả khảo sát cho thấy, cứ 5 trẻ được khảo sát thì có 1 trẻ chia sẻ từng có trải nghiệm không an toàn khi sử dụng mạng xã hội; 1/3 số trẻ cho biết từng là nạn nhân bị bắt nạt trên mạng và số trẻ em gái bị bắt nạt cao gấp 3 lần số trẻ em nam.

Trẻ em nước ta nói chung và lứa tuổi học sinh nói riêng rất yêu thích công nghệ và thích khám phá những điều mới mẻ từ internet, từ mạng xã hội và đã trở thành “công dân số” từ rất sớm. Internet và mạng xã hội đã tạo ra những thay đổi lớn trong cách thức các em kết bạn, cách thức giao tiếp và có thêm nhiều cơ hội mở mang kiến thức, giải trí. Tuy nhiên, mặt trái của mạng xã hội diễn biến ngày càng phức tạp, gây ra những hậu quả khó lường, nhưng ở lứa tuổi học sinh, các em lại quá non nớt trước các mánh khóe tinh vi của kẻ xấu. Thủ đoạn mà các đối tượng lợi dụng mạng xã hội thường dùng là lập các phòng chát ảo, thiết lập hoặc dụ dỗ các em tham gia các trang web, các diễn đàn trên mạng và từ đó thả tin nhắn, lời thoại dụ dỗ. Sau một thời gian trò chuyện thì bọn chúng chuyển chủ đề từ học hành, sở thích sang chủ đề về giới, về tình dục và lôi kéo các em cùng xem phim, xem các hình ảnh khiêu dâm trên mạng…

Trong thời đại công nghệ số, cha mẹ không thể cấm hoặc ngăn cản con em mình tiếp cận với các thiết bị công nghệ, nhưng nhất thiết phải giám sát, phải có những hướng dẫn để định hướng cho con trẻ không bị tác động, bị lây nhiễm từ các nội dung thiếu lành mạnh lan truyền trên mạng. Khi giao cho trẻ chiếc điện thoại thông minh nhưng không giám sát, không hướng dẫn trẻ cách thức sử dụng mạng an toàn, cách thức tương tác trong thế giới số, thì nguy cơ đến với trẻ là rất lớn.

Nhằm bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng đòi hỏi các địa phương, các ngành cần chủ động đề ra các biện pháp cụ thể, thiết thực nhằm giúp trẻ có thêm sự hiểu biết, nhất là các kỹ năng cơ bản khi tham gia sử dụng internet. Kịp thời phát hiện các nội dung xấu, độc hại ngay khi nó vừa xuất hiện trên mạng và cần sự vào cuộc mạnh mẽ của cộng đồng, giúp các cơ quan chức năng nhanh chóng xóa bỏ các nội dung độc hại sớm nhất có thể. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần thông tin đầy đủ các phương thức, thủ đoạn của tội phạm mạng để trẻ em và gia đình đề cao cảnh giác, biết tự bảo vệ mình khỏi nguy cơ nhiễm độc từ các nội dung tiêu cực trên mạng xã hội. Tuy nhiên, tất cả những điều đó vẫn chưa đủ nếu thiếu một nền tảng ý thức, thiếu đi sự quan tâm và yêu thương con trẻ của gia đình. Do đó, các bậc phụ huynh cần dành thời gian, sự quan tâm thỏa đáng để chỉ dẫn cho con em mình cách sử dụng mạng an toàn; và hướng cho con em, học sinh trở thành “công dân số” có trách nhiệm trên mạng xã hội.

HOÀNG LÊ

;
.