Chuyển hướng từ "kinh tế nâu" sang "kinh tế xanh"

Thứ Sáu, 04/06/2021, 22:06 [GMT+7]
In bài này
.

Mới đây, trong buổi tiếp ông Alok Sharma, Bộ trưởng Chính phủ Anh, kiêm Chủ tịch hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: “Là quốc gia chịu tác động nặng nề do biến đổi khí hậu, dù còn nhiều khó khăn về nguồn lực, song Việt Nam luôn xác định tăng trưởng xanh là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển bền vững, đang từng bước chuyển đổi một cách ổn định, hài hòa, hợp lý, có hiệu quả; trong đó quan tâm đến việc làm và đời sống của người lao động”.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra gay gắt, phức tạp và khó lường, “kinh tế nâu” là mô hình đã và đang hủy hoại môi trường, làm suy thoái tài nguyên thiên nhiên. Trước thực trạng đó, các nước phát triển và nhiều nước đang phát triển có xu thế chuyển dần từ mô hình “kinh tế nâu” sang “kinh tế xanh”. Kinh tế xanh được xác định là phương thức và cách thức quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững; là nền kinh tế có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và bảo đảm tính công bằng về mặt xã hội. Xanh hóa sự phát triển nhằm nâng cao đời sống của con người, đồng thời giảm thiểu đáng kể những tác động từ môi trường và những rủi ro từ thiếu hụt tương quan sinh thái.

Tăng trưởng xanh không chỉ bao gồm mục tiêu kinh tế mà quan trọng hơn còn mở rộng tới cả các mục tiêu xã hội và môi trường sinh thái. Bền vững về tài nguyên môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu được coi là tâm điểm của kinh tế xanh. Giữa kinh tế xanh và phát triển bền vững có mối liên kết chặt chẽ với nhau, trên cơ sở chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong kinh tế xanh, tài nguyên môi trường được xem là nhân tố có tính quyết định đến tăng trưởng kinh tế, cải thiện chuỗi giá trị và đem lại sự ổn định lâu dài đối với đời sống xã hội.

Từ nhiều năm nay, với Chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia về phát triển bền vững, trong đó chú trọng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, Đảng và Nhà nước ta luôn thể hiện quyết tâm và hành động trong phát triển kinh tế xanh gắn với phát triển bền vững đất nước. Từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng cũng đã khẳng định chủ trương “phát triển nhanh và bền vững” và “phát triển kinh tế xanh”. Nghị quyết chỉ rõ: “Bảo đảm phát triển nhanh, bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô và không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát triển hài hòa giữa chiều rộng và chiều sâu; phát triển kinh tế tri thức, kinh tế xanh. Phát triển kinh tế phải gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu”.

Để phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cần khuyến khích các doanh nghiệp chủ động trong việc đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất sản xuất và tiết kiệm nguyên liệu. Đồng thời, giảm lượng phát thải khí CO2 bằng cách giảm việc sử dụng các nhiên liệu hóa thạch, chuyển sang sử dụng các loại năng lượng sạch, như: Năng lượng mặt trời, gió, thủy điện, thủy triều …. Song song với việc giảm lượng khí thải CO2 trong không khí xuống mức cho phép thông qua việc tăng mảng xanh ở các đô thị, bảo vệ rừng đầu nguồn, trồng mới rừng và thực hiện mục tiêu trồng mới 1 tỷ cây xanh. Tăng trưởng xanh trong nông nghiệp cần được chú trọng với việc gia tăng sử dụng các sản phẩm hữu cơ thân thiện với môi trường; khuyến cáo bà con nông dân sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật đúng liều lượng cho phép. Bên cạnh đó, cần nâng cao ý thức cộng đồng trong việc tiết kiệm nguồn nước và không làm ô nhiễm nguồn nước; kịp thời xử lý rác thải sinh hoạt và các loại rác thải khác theo đúng quy trình, tránh bị tồn đọng, bị xả vào nguồn nước gây ô nhiễm.

Xu hướng phát triển kinh tế xanh của nước ta mới chỉ ở xuất phát điểm, với lợi thế của quốc gia đi sau, chúng ta hoàn toàn có thể phát triển một nền kinh tế xanh toàn diện, đạt mục tiêu hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế bền vững với bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Các địa phương, các doanh nghiệp cần chuyển hướng một cách quyết liệt, hiệu quả ngay từ đầu, như lời Thủ tướng Phạm Minh Chính xác định: “tăng trưởng xanh là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển bền vững”.

HOÀNG LÊ

 
;
.