Ngăn dịch COVID-19 "tràn" vào KCN

Thứ Ba, 01/06/2021, 18:48 [GMT+7]
In bài này
.

Các khu công nghiệp (KCN) trong cả nước đang kích hoạt các kịch bản phòng, chống COVID-19 ở mức cao nhất với quyết tâm không để bị dịch “chọc thủng” làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế.

Ghi nhận những ngày qua cho thấy nhiều KCN đã tập trung rà soát, đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 vào địa bàn trên cơ sở đó bổ sung những phương án phòng, chống dịch phù hợp với tình hình mới. Một số KCN ứng dụng công nghệ, sử dụng mã QR Code trong quản lý, kiểm soát chặt chẽ thông tin người lao động, khách hàng đi, đến làm việc. Ngoài việc tập huấn, kiểm tra giám sát công tác phòng chống dịch tại nơi làm việc và chỗ ở của công nhân, các KCN còn áp dụng các biện pháp đo thân nhiệt, bắt buộc đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn đối với công nhân, bảo đảm khoảng cách giãn cách tối thiểu theo quy định. Giải pháp được nhiều nhà máy chọn lựa, triển khai là điều chỉnh giờ làm việc của các dây chuyền sản xuất theo hướng giảm, tách giờ làm việc nhằm giảm mật độ người làm việc quá đông trong cùng một thời điểm; Các hoạt động sinh hoạt tập thể của các công ty trong KCN cũng được điều chỉnh phù hợp.

Kể từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát với mức độ lây nhiễm chóng mặt tại các KCN ở 2 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần cảnh báo và yêu cầu các địa phương có biện pháp phòng chống dịch quyết liệt, bảo đảm an toàn cho các KCN. Người đứng đầu Chính phủ cũng đã có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các KCN thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch, tự đánh giá mức độ an toàn, cập nhật lên bản đồ an toàn COVID-19, không để đứt gãy hoạt động sản xuất cũng như đời sống, việc làm của công nhân.

Không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng Phạm Minh Chính và các Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Y tế luôn kêu gọi, nhắc nhở các KCN xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 ở mức cao nhất, KCN nào chưa bảo đảm an toàn phòng chống dịch thì phải dừng hoạt động. Kể từ khi đợt dịch thứ 3 bùng phát, “gót chân Achilles” của các KCN dần lộ rõ: Nhiều địa phương chưa xây dựng hoặc chưa xây dựng hoàn chỉnh kế hoạch phòng, chống dịch tại KCN và của từng nhà máy; Công tác kiểm tra, giám sát và yêu cầu duy trì người lao động đến làm việc tuân thủ biện pháp phòng, chống dịch còn hạn chế. Việc cập nhật lên Bản đồ An toàn COVID-19 mới chỉ đạt 5-10% trong số các doanh nghiệp, nhà máy được kiểm tra.

Tại BR-VT, theo đánh giá của Đoàn kiểm tra liên ngành công tác phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh, các KCN đã thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch của Chính phủ và địa phương. Tuy vậy, tại một số DN việc giữ khoảng cách giữa các công nhân trong khi làm việc còn chưa bảo đảm. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu các DN khắc phục tình trạng này, điều chỉnh việc xếp hàng vào cổng, thay đổi giờ làm, giờ ăn. Đoàn kiểm tra cũng khuyến cáo các DN nhân rộng mô hình bố trí vách ngăn ở khu vực nhà ăn áp dụng cho khu vực sản xuất để bảo đảm khoảng cách an toàn.

Môi trường kín, mật độ người tập trung đông, thói quen sinh hoạt, làm việc tập thể của các KCN cũng như các xóm trọ, khu trọ của công nhân phần lớn chật hẹp, ẩm thấp là “môi trường lý tưởng” để SARS-CoV-2 bùng phát, lây lan nhanh. Thực tế ở các KCN của tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh cho thấy hình thái lây nhiễm nổi trội nhất là lây nhiễm trong KCN, sau đó lây nhiễm từ KCN ra cộng đồng và từ cộng đồng lây ngược lại KCN. Đó là lý do vì sao Bộ Y tế xếp các KCN là nơi xung yếu, chỉ sau môi trường bệnh viện, cần phải đặc biệt bảo vệ nghiêm ngặt, không để dịch “tràn” vào.

Dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh tại TP. Hồ Chí Minh và đang lây lan sang một số tỉnh lân cận. Và điều mà cơ chức năng năng lo ngại cuối cùng cũng đã tới: dịch đã xuất hiện trong các KCN của TP. Hồ Chí Minh. Đã có 4 công nhân thuộc các KCN Tân Bình, Tây Bắc Củ Chi và Cụm công nghiệp Phong Phú, Thủ Đức nhiễm COVID-19. Thực trạng đó đòi hỏi các KCN thuộc địa bàn kinh tế trọng điểm phía Nam nâng mức cảnh giác hơn nữa, thực hiện quyết liệt nguyên tắc phòng dịch “nhiều vòng, nhiều lớp” nhằm kiểm soát chặt chẽ, kịp thời ngăn chặn, hạn chế thấp nhất các nguy cơ. Bởi như PGS. TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cảnh báo, chỉ cần một công nhân nhiễm COVID-19, cả dây chuyền, cả phân xưởng, thậm chí cả KCN phải ngừng sản xuất để thực hiện cách ly chống dịch, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN cũng như đời sống việc làm của công nhân.

TRƯƠNG TÙNG

;
.