KỶ NIỆM 60 NĂM NGÀY THÀNH LẬP TRƯỜNG VĂN LƯƠNG (1955-2015)

Trường Văn Lương - cái nôi văn hóa, cách mạng của Bà Rịa - Vũng Tàu

Thứ Bảy, 26/09/2015, 07:13 [GMT+7]
In bài này
.

Tháng 9-1955 , trường Văn Lương (nay là trường THCS Văn Lương), huyện Long Điền được Tỉnh ủy Bà Rịa thành lập, với chủ trương xây dựng cơ sở cách mạng trong vùng địch chiếm đóng, nhằm tập hợp con em trong vùng để đào tạo thế hệ trẻ, chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng dân tộc. Đến nay, trường tròn 60 tuổi. Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, tập thể thầy, trò trường THCS Văn Lương luôn phát huy những truyền thống tốt đẹp, không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường.

Trường Văn Lương - cái nôi đào tạo nhiều cán bộ cách mạng cho Đảng. Trong ảnh: Trường Văn Lương ngày nay.
Trường Văn Lương - cái nôi đào tạo nhiều cán bộ cách mạng cho Đảng. Trong ảnh: Trường Văn Lương ngày nay.

Đào tạo nhiều thế hệ cán bộ cách mạng cho tỉnh, cho đất nước

Sau Hiệp định Genève (năm 1954), Mỹ nhảy vào chiến trường miền Nam Việt Nam. Trên địa bàn tỉnh, địch đưa quân lập các đồn bót khắp các xã, huyện trong tỉnh; thành lập bộ máy kìm kẹp ở cơ sở, tổ chức mạng lưới mật vụ chìm nổi khắp nơi, thực hiện chính sách xuyên tạc cách mạng, gây rối nội bộ…

Trước bối cảnh đó, với chủ trương nhiệm vụ chủ yếu của cách mạng lúc này là “đẩy mạnh công tác đô thị, binh vận, đưa người của ta vào hoạt động trong hàng ngũ của địch”… Tỉnh ủy Bà Rịa chỉ đạo thành lập một trường học hợp pháp giữa lòng địch để một mặt giảng dạy con em cán bộ tập kết ra Bắc và con em những người đã hy sinh vì độc lập tự do cho dân tộc. Mặt khác, nhằm tạo thế công khai, hợp pháp cho đấu tranh chính trị, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác dân vận. Để thực hiện nhiệm vụ này, Tỉnh ủy giao trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ cách mạng cốt cán là những nhà giáo, trí thức có uy tín như ông Nguyễn Thành Long, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh; ông Võ Văn Đường, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh; ông Võ Văn Thiết, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh...

Khi mới thành lập, trường Văn Lương chỉ có 2 lớp, chưa đến 100 HS, với 6 GV, sau đó trường phát triển dần lên 9 lớp, gần 500 HS và 15 GV. Cơ sở vật chất của trường thời bấy giờ chỉ có 1 phòng GV và 7 phòng học. Trường do ông Nguyễn Thành Long làm hiệu trưởng. HS của trường phần lớn là con em cán bộ cách mạng và gia đình ủng hộ phong trào cách mạng. Sau khi thành lập, dưới sự lãnh đạo nhiệt tình và sáng tạo của đội ngũ cán bộ cốt cán, trường Văn Lương đã liên tục tổ chức đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Genève, thống nhất đất nước, chống sự can thiệp của đế quốc Mỹ. Nhiều cuộc đấu tranh đã diễn ra quyết liệt. Bên cạnh đó, nhà trường quan tâm đến việc bảo vệ và phát triển lực lượng cách mạng tại địa phương. Các GV đã vận dụng và lồng ghép tư tưởng đạo đức cách mạng, tinh thần yêu nước, độc lập tự chủ vào giảng bài, nhằm phát huy truyền thống cách mạng cho HS và phụ huynh. Dù chiến tranh gian khổ, nhưng HS của trường Văn Lương vẫn học giỏi, trường có tỷ lệ HS đậu tốt nghiệp cao. Ngoài ra, HS của trường còn tích cực tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ, hoạt động xã hội được quần chúng nhân dân và một số công chức ngụy ủng hộ, đồng tình. Thời kỳ này, trường Văn Lương còn đảm nhận nhiệm vụ theo dõi và bồi dưỡng những HS cốt cán để làm nòng cốt, hạt nhân cho phong trào HS nhà trường.

Cựu GV, HS trường Văn Lương tại hội thảo lịch sử Cách mạng trường Văn Lương (1955-2015) do UBND tỉnh tổ chức ngày 10-9-2015.
Cựu GV, HS trường Văn Lương tại hội thảo lịch sử Cách mạng trường Văn Lương (1955-2015) do UBND tỉnh tổ chức ngày 10-9-2015.

Từ năm 1957-1961, đã có nhiều GV và HS trường Văn Lương bị chính quyền ngụy bắt giữ và ra lệnh đóng cửa trường. Mỗi lần như vậy thầy và trò trường Văn Lương đã kéo đến Văn phòng Quốc hội, Tỉnh trưởng, Quận trưởng, Ty giáo dục và Ty Công an tỉnh Phước Tuy (Bà Rịa) của chế độ cũ đòi thả GV và HS, chống lệnh đóng cửa trường. Trong những cuộc đấu tranh này, thầy và trò trường Văn Lương đều giành được thắng lợi, buộc địch phải trả tự do cho các GV và trường tiếp tục được dạy đến năm 1962. Với phương châm, công khai và bán công khai, các GV vừa dạy chữ, vừa bồi dưỡng lòng yêu nước, tinh thần cách mạng cho HS nên trong nhiều năm liền nhà trường đã đào tạo nhiều lớp người trẻ tuổi tham gia hoạt động cách mạng, sẵn sàng thoát lý ra căn cứ làm cách mạng. Phong trào đấu tranh của trường Văn Lương còn hướng đến các trường học khác ở thị xã Bà Rịa, Vũng Tàu, Sài Gòn để tham gia vận động, xây dựng và mở rộng phong trào cách mạng trong HS và sinh viên miền Nam. Năm 1962, trước sự khủng bố, đàn áp của địch, nhà trường phải đóng cửa. Tình thế cách mạng miền Nam bước sang giai đoạn mới, đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh vũ trang, GV và phần đông HS của trường Văn Lương ra khu giải phóng, thực hiện các nhiệm vụ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc. Thầy và trò của trường đã có mặt trên các địa bàn tỉnh Bà Rịa, miền Đông Nam bộ và Trung ương Cục miền Nam. Giai đoạn 1955-1962, trường đã có hơn 200 GV và HS tham gia kháng chiến, trở thành những cán bộ cách mạng, trong đó có khoảng 50 người đã anh dũng hy sinh.

HS tìm hiểu lịch sử trường Văn Lương tại phòng Trưng bày của trường.
HS tìm hiểu lịch sử trường Văn Lương tại phòng Trưng bày của trường.

Phát huy truyền thống trong sự nghiệp giáo dục

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975), Huyện ủy, UBND huyện Long Đất (nay huyện Long Điền) tiếp nhận cơ sở và đầu tư, sửa chữa, xây dựng lại cơ sở vật chất trường Văn Lương. Từ 1978-1982, Phòng Giáo dục đặt tại trường Văn Lương. Từ 1983-1985, Văn Lương là trường Đảng của huyện Long Đất, nơi đào tạo, bồi dưỡng lực lượng cán bộ, đảng viên chủ chốt ở địa phương. Từ 1986-1993, trường chuyển làm nhiệm vụ bổ túc văn hóa cho cán bộ, đảng viên và cán bộ các đoàn thể, quần chúng của huyện. Năm 1993, trường tái thành lập theo Quyết định của Giám đốc Sở Giáo dục tỉnh BR-VT và được đổi tên thành trường THCS Văn Lương. Tiếp nối truyền thống vẻ vang của trường Văn Lương năm xưa, trường THCS Văn Lương luôn nêu cao tinh thần hiếu học, không ngừng cải tiến phương pháp dạy học, xây dựng trường thành khối đoàn kết “Giàu trí tuệ, nặng tình thương, vững kỷ cương, trường gương mẫu”.

Bà Nguyễn Tăng Tường Vy, Hiệu trưởng trường THCS Văn Lương cho biết, khi tái thành lập, trường có 3 lớp, với 68 HS, gồm: 7 cán bộ, GV, công nhân viên; cơ sở vật chất có 7 phòng học cấp 4, với diện tích 4.635m2. Sau khi được đầu tư xây dựng, đến nay trường có 26 phòng học, 2 phòng truyền thống, 7 phòng bộ môn và khu hành chính. Số HS vào học tại trường tăng lên hàng năm. Năm học 2015-2016, trường có gần 900 HS, với 68 cán bộ, GV, công nhân viên, trong đó 100% GV đạt chuẩn.

Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, trong 60 năm thành lập và phát triển, trường Văn Lương đã đào tạo thành công nhiều thế hệ trẻ có đủ tài năng và phẩm chất đạo đức cách mạng, những chiến sĩ, cán bộ ưu tú đóng góp to lớn cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và trong sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội ngày nay. Trường Văn Lương thực sự là mũi xung kích trên mặt trận văn hóa cách mạng ở tỉnh Bà Rịa (cũ) và miền Đông Nam bộ, là mô hình kiểu mẫu của giáo dục cách mạng trong kháng chiến và là một mẫu mực trong giáo dục thế hệ tương lai.

Kế thừa, phát huy truyền thống trường cách mạng, trường THCS Văn Lương không chỉ dạy HS về kiến thức mà còn giáo dục các em noi gương các thế hệ GV, HS thời kỳ trước để nỗ lực phấn đấu trong học tập và trau dồi phẩm chất, đạo đức. Bên cạnh đó, tập thể sư phạm nhà trường không ngừng trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, đổi mới phương pháp giảng dạy, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhiều năm liền nhà trường được đánh giá là tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Từ năm học 2010-2011 đến nay, hàng năm, tỷ lệ HS tốt nghiệp THCS đạt từ 95,8% trở lên; tỷ lệ HS lên lớp thẳng đạt từ 90,6% trở lên; HS xếp loại hạnh kiểm khá và tốt đạt 90% trở lên. Đội tuyển HS giỏi của trường xếp thứ hạng cao của huyện. Nhiều HS đoạt giải HS giỏi cấp huyện và tỉnh. Nhà trường duy trì sĩ số HS đạt từ 98 - 99,6%. Từ năm học 2010-2011 đến nay, trường THCS Văn Lương được huyện Long Điền công nhận hoàn thành công tác phổ cập THCS. Ngoài ra, qua các hội giảng và GV dạy giỏi, trường có 94,3% GV được công nhận GV giỏi cấp huyện; 55,6% GV được công nhận GV giỏi cấp tỉnh… Nhà trường đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba; Cờ thi đua và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh. Năm 2004, trường THCS Văn Lương được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh…

Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG

ÔNG NGUYỄN HỒNG LĨNH, ỦY VIÊN DỰ KHUYẾT TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, PHÓ BÍ THƯ TỈNH ỦY, CHỦ TỊCH HĐND TỈNH:

Chú trọng giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh

Trong những năm tháng đấu tranh chống giặc ngoại xâm của đất nước, trường Văn Lương được thành lập ngay giữa lòng địch. Ngôi trường ra đời để tập hợp các thế hệ từ HS, GV đến quần chúng nhân dân trong tỉnh tham gia phong trào đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc. Đây là cái nôi giáo dục lý tưởng, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ thời bấy giờ, đó là một điều đặc biệt, hết sức có giá trị, không phải địa phương nào cũng làm được. Nhiều GV, HS của trường đã tham gia cách mạng, đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Trường đã đào tạo nhiều lớp cán bộ cách mạng cho Đảng. Những công lao ấy của các thế hệ HS, GV, cán bộ của nhà trường thật vẻ vang, anh dũng.

Thầy và trò trường THCS Văn Lương ngày nay cần phát huy những truyền thống tốt đẹp đó; tiếp tục đào tạo các thế hệ HS mới vừa hồng vừa chuyên, tiếp nối truyền thống của trường, trong đó, chú trọng đến việc giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ HS. Đối với HS, các em được học dưới mái trường Văn Lương có bề dày lịch sử và truyền thống anh hùng cách mạng, phải cố gắng học tập để viết thêm những trang sử vẻ vang cho trường, không phụ lòng các thầy cô, HS các thế hệ trước.

ÔNG HỒ VĂN LỢI, GIÁM ĐỐC SỞ VHTTDL:

Tỉnh luôn quan tâm bảo tồn di tích lịch sử cách mạng trường Văn Lương

Thời gian qua, di tích lịch sử cách mạng trường Văn Lương luôn được lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm. Các cấp, các ngành đã có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát huy tốt giá trị di tích, góp phần vào việc giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị di sản của địa phương. Hàng năm, UBND huyện Long Điền phối hợp với Sở VHTTDL thực hiện công tác trùng tu, tôn tạo, bảo tồn di tích để bảo vệ giá trị lịch sử của di tích, đáp ứng nhu cầu tham quan và tưởng niệm của mọi tầng lớp nhân dân.

Năm 2012, UBND tỉnh bố trí gần 2,5 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp di tích lịch sử cách mạng trường Văn Lương. Đến nay, công tác đầu tư bảo tồn, tôn tạo đang được UBND huyện Long Điền tiếp tục thực hiện. Hàng năm, UBND huyện Long Điền còn phối hợp với Bảo tàng tỉnh chỉnh lý phòng trưng bày tại di tích, phục vụ nhiều đoàn khách đến tham quan nhân thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2), ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30-4-1975), ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2-9)…

 

ÔNG TRẦN VĂN KHÁNH, NGUYÊN BÍ THƯ TỈNH ỦY BR-VT, CỰU HS TRƯỜNG VĂN LƯƠNG:

Ngoài việc dạy kiến thức, văn hóa, trường còn tổ chức các phong trào để tuyên truyền, phát huy lòng yêu nước

Tôi bắt đầu học ở trường Văn Lương từ năm 1955, khi 12 tuổi. Trường phải thuê cơ sở vật chất để dạy học. Trong quá trình học tại trường, chúng tôi không chỉ được học kiến thức văn hóa mà GV còn giáo dục chính trị, lý tưởng cách mạng cho HS. Đầu năm học, nhà trường luôn dành thời gian đả thông tư tưởng, mục đích, động cơ và thái độ học tập cho HS. Mỗi lớp đều hình thành các tổ học tập để cùng nhau trao đổi, giúp đỡ nhau trong học tập. Ngoài ra, trường còn tổ chức phong trào văn nghệ, thi đấu thể dục - thể thao để tuyên truyền và phát huy lòng yêu nước, lòng nhân đạo, chống áp bức…; đồng thời trường tổ chức cho HS tham gia sản xuất, trồng khoai lang; đi tham quan ruộng muối, sở cao su để giúp HS hiểu giá trị sức lao động của nhân dân.

Đến năm 1959, nhiều thầy giáo bị địch bắt. Đông đảo HS đã kéo lên Tỉnh trưởng, Quận trưởng, Công an đấu tranh đòi trả thầy về dạy học. Sau đó, một số thầy giáo đã được địch thả. Riêng tôi, năm 1961, tham gia phong trào đấu tranh chống bầu cử độc diễn của Ngô Đình Diệm, bị địch bắt và giam 18 tháng. Sau đó, tôi được thả và tham gia kháng chiến ở các khu căn cứ cách mạng ở Bà Rịa. Chính ngôi trường Văn Lương là cái nôi đào tạo, giáo dục cho các thế hệ HS thời bấy giờ nói chung và tôi nói riêng về lý tưởng cách mạng, giác ngộ cách mạng, lòng yêu nước không chỉ trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, mà còn trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong thời hòa bình.

BÀ NGUYỄN THỊ XUÂN, CỰU GV TRƯỜNG VĂN LƯƠNG:

Dù là trường tư thục nhưng học sinh nghèo được miễn học phí

Tôi là người Sài Gòn, xuống trường dạy học từ năm 1959. Phần lớn HS của trường là con em cán bộ cách mạng và người nghèo. Mặc dù là trường tư thục, nhưng những HS nghèo được miễn học phí. Ngoài dạy chữ, kiến thức văn hóa các môn học, chúng tôi còn giảng dạy lồng ghép chính trị, tư tưởng cách mạng cho HS, để các em giác ngộ lý tưởng cách mạng, chống lại áp bức bóc lột của địch. Vì thế, khi các thầy giáo bị bắt, đông đảo HS đã tham gia các cuộc đấu tranh đòi địch thả thầy.

Trường là nơi đào tạo đội ngũ cán bộ làm cách mạng và kháng chiến. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhiều HS, GV của trường đã trở thành những kỹ sư, bác sĩ, nhà giáo, kiến trúc sư và gần 100 HS đảm nhận các vị trí cốt cán ở các cấp trong tỉnh và nhiều tỉnh, thành khác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

EM DƯƠNG ÁI MẪN, HS LỚP 9B, TRƯỜNG THCS VĂN LƯƠNG:

Tự hào khi được học tập, rèn luyện dưới mái trường có bề dày truyền thống mang tên Văn Lương

Qua thầy cô, qua lịch sử, em biết trường Văn Lương phải trải qua những năm tháng kháng chiến rất gian khổ. Nhiều GV, HS của trường đã anh dũng hy sinh khi tham gia đấu tranh cách mạng, giành độc lập cho Tổ quốc. Vì vậy, em và các bạn rất vinh dự và tự hào khi được học tập, rèn luyện dưới mái trường có bề dày truyền thống lịch sử vẻ vang mang tên Văn Lương.

Kế thừa và phát huy những truyền thống quý báu của các thế hệ thầy, cô giáo và HS, chúng em sẽ cố gắng chăm chỉ trong học tập, phấn đấu đạt HS giỏi và chăm ngoan; đồng thời, thăm hỏi và giúp đỡ các thầy cô giáo ở các thế hệ cũng như những bạn trong trường gặp khó khăn; giữ gìn môi trường, cảnh quan trường Văn Lương luôn xanh-sạch-đẹp. Em luôn tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lý tưởng sống,  không vi phạm pháp luật… để trở thành người công dân có ích cho xã hội và không phụ lòng công ơn dạy dỗ của thầy cô và cha mẹ.

 

TỰ HÀO TRƯỜNG VĂN LƯƠNG ANH HÙNG

TRƯỜNG VĂN LƯƠNG: MŨI XUNG KÍCH TRÊN MẶT TRẬN VĂN HÓA, CHÍNH TRỊ

TRƯỜNG VĂN LƯƠNG - CÁI NÔI VĂN HÓA, CÁCH MẠNG CỦA BÀ RỊA - VŨNG TÀU

TRƯỜNG THCS VĂN LƯƠNG (HUYỆN LONG ĐIỀN): ĐÓN NHẬN DANH HIỆU ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN

15 HS TRƯỜNG THCS VĂN LƯƠNG NHẬN "HỌC BỔNG NGUYỄN VĂN ĐƯỜNG"

 
;
.