Mô hình trường phổ thông chất lượng cao: Sẽ có mức "trần" về học phí

Chủ Nhật, 19/08/2018, 17:54 [GMT+7]
In bài này
.

Đề án “Thí điểm trường THPT công lập chất lượng cao tại Trường THPT Vũng Tàu và Trường THPT Châu Thành” sẽ được xây dựng trong năm học 2018-2019 và triển khai từ năm học 2019-2020. Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Thanh Giang khẳng định, mô hình trường THPT chất lượng cao thực chất là cung cấp dịch vụ giáo dục theo yêu cầu người học.

Một tiết học tại Trường THPT Châu Thành.
Một tiết học tại Trường THPT Châu Thành.

PHƯƠNG ÁN TRIỂN KHAI

Để từng bước thực hiện tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập, tháng 6 vừa qua, Sở GD-ĐT đã đề xuất xây dựng Đề án “Thí điểm trường THPT công lập chất lượng cao tại Trường THPT Vũng Tàu và Trường THPT Châu Thành”. Đề án đã được sự đồng ý của UBND tỉnh về mặt chủ trương. Mới đây, Sở GD-ĐT tỉnh đã có buổi làm việc với đại diện 2 nhà trường để phác thảo mô hình.

Bà Bùi Thị Thủy, Phó trưởng Phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GD-ĐT cho hay,  sau khi hoàn thành các bước chuẩn bị cho Đề án nếu được HĐND tỉnh thông qua, dự kiến, từ năm học 2019-2020, ngành sẽ triển khai đề án theo lộ trình “cuốn chiếu”: Năm học 2019-2020, 2 trường THPT Vũng Tàu và THPT Châu Thành thực hiện tự chủ một phần ở khối 10; Năm học 2020-2021 thực hiện ở khối 10,11; Năm học 2021-2022 triển khai ở cả 3 khối; từ năm 2022-2025 ổn định tự chủ.

Trường THPT Vũng Tàu sẽ tham gia thí điểm đề án trường THPT chất lượng cao. Trong ảnh: Thầy trò trao đổi trong một tiết học … ở trường THPT Vũng Tàu.
Trường THPT Vũng Tàu sẽ tham gia thí điểm đề án trường THPT chất lượng cao. Trong ảnh: Thầy trò trao đổi trong một tiết học Vật lý ở trường THPT Vũng Tàu.
Băn khoăn lớn nhất khi triển khai đề án trường chất lượng cao là có tạo nên được đột phá về chất lượng, trong khi học phí sẽ nhiều hơn. Trong ảnh: HS Trường THPT Vũng Tàu trong giờ học tiếng Nhật. Ảnh: KHÁNH CHI
Băn khoăn lớn nhất khi triển khai đề án trường chất lượng cao là có tạo nên được đột phá về chất lượng, trong khi học phí sẽ nhiều hơn. Trong ảnh: HS Trường THPT Vũng Tàu trong giờ học tiếng Nhật. Ảnh: KHÁNH CHI

Qua tham quan, học tập kinh nghiệm, Sở GD-ĐT đã vạch ra 2 phương án để thực hiện đề án trong năm đầu tiên. Phương án thứ nhất là vẫn thu học phí theo mức quy định dành cho trường THPT công lập nhưng có thêm các hoạt động chất lượng cao để phụ huynh, HS “làm quen” dần. Sau đó mới thực hiện thu học phí chất lượng cao toàn phần. Còn với phương án thứ hai, các trường thu học phí chất lượng cao ngay từ năm học 2019-2020 với khối 10. Qua tham khảo các tỉnh lân cận, mức học phí chất lượng cao rơi vào khoảng trên 3 triệu đồng/tháng/HS. Tuy nhiên, Sở GD-ĐT sẽ nghiên cứu đưa ra mức “trần” để các trường thực hiện cho phù hợp với tình hình.

XÂY DỰNG CƠ CHẾ RIÊNG CHO TRƯỜNG CHẤT LƯỢNG CAO

Về phía các trường THPT tham gia đề án, thầy Võ Đình Thuần, Hiệu trưởng Trường THPT Châu Thành (TP. Bà Rịa) và thầy Vũ Thế Điệp, Hiệu trưởng Trường THPT Vũng Tàu cùng cho rằng, khâu chuẩn bị sẽ quyết định thành công hay không của đề án. Trước hết, đã nói đến trường chất lượng cao, thì phụ huynh và HS phải thấy rõ được sự khác biệt về chất lượng.

Bàn sâu hơn về vấn đề này, thầy Võ Đình Thuần đề nghị, trong năm học này, cần đầu tư cơ sở vật chất cho 2 trường triển khai đề án. Ngoài phòng học, phòng bộ môn cần có thêm khu nội trú, bán trú cho HS. Thêm vào đó, nhà trường cũng cần được áp dụng cơ chế riêng trong tuyển sinh, nhân sự, tài chính... Theo thầy Thuần, trường chất lượng cao sẽ phải có tiêu chuẩn riêng về nhân sự và thường xuyên sàng lọc đội ngũ. Cùng với đó, là sự tự chủ trong phân phối chương trình giảng dạy cho phù hợp với từng đối tượng HS. “Ngay trong năm học này, các trường tham gia thí điểm đã phải bắt tay vào nâng cấp cơ sở vật chất và đội ngũ để đến học kỳ 2 năm học 2018-2019 bắt tay vào việc quảng bá thương hiệu. Để thuyết phục phụ huynh và HS thì phải có những nền tảng nhất định chứ không thể chỉ quảng bá suông”, thầy Thuấn nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT, hiện nay, ngoài học phí chính khóa tại trường, hầu hết phụ huynh đang phải chi rất nhiều cho con em học thêm. Với trường chất lượng cao, HS hoàn toàn không phải học thêm bên ngoài mà sẽ được học tập, rèn luyện ngay tại trường với cơ sở vật chất hoàn thiện, đội ngũ GV chất lượng cao và chương trình giảng dạy phù hợp. Ông Giang cho hay, Sở GD-ĐT và đại diện 2 nhà trường đã thống nhất chọn ĐH Tôn Đức Thắng (TP. Hồ Chí Minh) làm đơn vị tư vấn xây dựng đề án. Sở cũng sẽ đề xuất UBND tỉnh cho 2 trường có cơ chế tuyển sinh riêng. Theo đó, hai trường sẽ được tự chủ trong tuyển sinh và thực hiện tuyển sinh trước khi diễn ra kỳ thi tuyển sinh lớp 10 chung của toàn tỉnh. Nhà trường sẽ thực hiện phân loại HS theo nhu cầu về đầu ra và trình độ để đặt ra những tiêu chuẩn và chương trình giảng dạy riêng. Ví dụ, sẽ có những lớp dành riêng cho HS có dự định du học. Với đối tượng này, các em phải đạt tiêu chuẩn cao hơn về Ngoại ngữ. Với những HS không có lực học giỏi hay xuất sắc thì song song với học văn hóa, các em sẽ được tạo cơ hội để phát triển các năng khiếu riêng và các kỹ năng sống… Về nhân sự, đội ngũ GV cơ hữu ngoài tiêu chuẩn chung theo quy định của Bộ GD-ĐT còn phải trải qua kỳ kiểm tra năng lực hàng năm, cùng với việc lấy ý kiến đánh giá của phụ huynh và HS. Nếu không đạt, GV sẽ không được tiếp tục giảng dạy tại trường. Ngoài ra, các trường được tự chủ trong việc hợp đồng GV thỉnh giảng. Nhà trường có thể mời những GV giỏi, những nghệ nhân, nghệ sĩ tiêu biểu về giảng dạy tại trường... Ông Giang cho hay, tựu chung lại, bản chất của trường THPT chất lượng cao là cung cấp các dịch vụ giáo dục chất lượng để đáp ứng nhu cầu người học.

Tại một số tỉnh, thành trong cả nước, nhất là TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, những năm gần đây đã triển khai trường chất lượng cao ở các cấp học. Có 5 tiêu chí dành cho các trường chất lượng cao bao gồm: Cơ sở vật chất; đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên; chương trình giảng dạy; phương pháp giảng dạy; các dịch vụ chất lượng cao. Cụ thể như: Ngoài đội ngũ giáo viên đạt chuẩn theo yêu cầu, trường còn phải có đội ngũ chuyên gia trong và ngoài nước tham gia giảng dạy và hỗ trợ chuyên môn. Nhà trường có cảnh quan xanh, sạch, đẹp; có phòng học bảo đảm điều kiện nhiệt độ, ánh sáng; có đủ các phòng chức năng, phòng bộ môn phục vụ chương trình chất lượng cao; thiết bị giáo dục đồng bộ, hiện đại; có hệ thống công nghệ thông tin kết nối Internet. Chương trình dạy học có bổ sung phương pháp dạy học tiếp cận năng lực và phù hợp với khả năng phát triển của HS; bổ sung chương trình dạy tiếng Anh; có tổ chức các lớp song ngữ một số môn cơ bản; đổi mới phương pháp dạy học; có phương pháp đặc thù khuyến khích khả năng tự học cho HS; có tổ chức đưa đón, bán trú.

Bài, ảnh: HOÀNG DƯƠNG

;
.