Dinh dưỡng giúp tăng cường hệ miễn dịch

Thứ Tư, 18/03/2020, 22:35 [GMT+7]
In bài này
.

Lo ngại trước dịch bệnh COVID-19, nhiều người tìm cách bổ sung thật nhiều vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, chế độ dinh dưỡng cân bằng, đầy đủ mới là “chìa khóa” để nâng cao sức đề kháng, phòng chống bệnh hiệu quả. 

Mỗi ngày uống 1 ly nước cam, cùng chế độ dinh dưỡng cân bằng giúp cơ thể nâng cao  sức khỏe đề kháng, phòng chống dịch bệnh. Ảnh: MINH THI
Mỗi ngày uống 1 ly nước cam, cùng chế độ dinh dưỡng cân bằng giúp cơ thể nâng cao sức khỏe đề kháng, phòng chống dịch bệnh. Ảnh: MINH THI

VITAMIN C CÓ TĂNG SỨC ĐỀ KHÁNG?

Chị Nguyễn Thị Gấm ở Phường 7, TP.Vũng Tàu là nhân viên ngân hàng nên thường xuyên phải tiếp xúc với khách hàng. Nghe bạn mách bổ sung nhiều vitamin C giúp cơ thể tăng đề kháng, nâng cao hệ miễn dịch, có thể chống lây nhiễm COVID-19 nên chị ưu tiên bổ sung nhiều thực phẩm chứa vitamin C. Thấy chưa đủ, hằng ngày, chị còn uống viên vitamin C.  

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Huế, Trưởng Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Lê Lợi, vitamin C rất quan trọng đối với cơ thể, là vitamin tan trong nước nên sẽ tự đào thải ra ngoài khi cơ thể dung nạp quá nhiều. Nhưng nếu thường xuyên bổ sung quá 1000mg vitamin C/ngày có thể gây ra các triệu chứng như tiêu chảy, đau bụng, viêm loét dạ dày tá tràng, sỏi thận… 

Ở người trưởng thành, mỗi ngày cần khoảng 60-80mg vitamin C, tương đương khoảng 300g rau, và 100g trái cây; ở trẻ em là khoảng 30-50mg/ngày, tương đương 100-200g rau và trái cây chín. Việc bổ sung vitamin C bằng viên uống chỉ dành cho những người kém hấp thu chất dinh dưỡng, trẻ em đang thời kỳ bệnh, hoặc người lớn vì lý do sức khỏe không thể bổ sung đủ vitamin C qua thực phẩm hàng ngày.

Bác sĩ Nguyễn Thị Huế khuyến cáo, chỉ bổ sung vitamin C là chưa đủ. Để nâng cao sức đề kháng, mỗi người cần một chế độ ăn đa dạng thực phẩm, đầy đủ và cân bằng các yếu tố đa lượng và vi lượng. Chế độ ăn như trên rất quan trọng đối với hệ miễn dịch của cơ thể, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh cũng như rút ngắn thời gian điều trị bệnh.

Hiện nay, ngay cả đối với những người khỏe mạnh chưa mắc bệnh, chế độ ăn không đầy đủ số lượng và chất lượng vẫn còn rất phổ biến, điều này khiến cho hệ miễn dịch bị suy yếu và dễ mắc bệnh. Hơn nữa, không ít người do tin vào một số loại thực phẩm tăng sức đề kháng nên bổ sung quá nhiều mà bỏ qua các dưỡng chất khác, làm mất cân đối dinh dưỡng cho cơ thể. Khi mất cân đối dinh dưỡng, các chất đề kháng, hệ miễn dịch của cơ thể chắc chắn sẽ giảm sút. 

Mặt khác, việc bổ sung các thực phẩm chức năng, đa sinh tố chỉ nên dùng khi cơ thể không thể cung cấp đủ hàm lượng vitamin và khoáng chất bằng chế độ ăn và nên dùng theo chỉ dẫn của bác sĩ, nhân viên y tế.

DINH DƯỠNG CÂN ĐỐI

Bác sĩ Nguyễn Thị Huế chia sẻ nguyên tắc dinh dưỡng giúp duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh, phòng, chống dịch bệnh COVID-19 là bảo đảm cung cấp đủ năng lượng thông qua các bữa ăn hàng ngày. Ăn đủ 3 bữa chính/ngày và bổ sung thêm 2 đến 3 bữa phụ bằng trái cây, sữa chua, sữa công thức theo độ tuổi hoặc bệnh lý.

Mỗi người nên ăn đủ lượng đạm cần thiết để giúp tăng cường hệ miễn dịch và nhanh lành bệnh. Đạm (protein) là nguyên liệu để tổng hợp các bạch cầu và kháng thể giúp chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn, virus vào cơ thể. Nhu cầu đạm tăng ở những người suy dinh dưỡng, bệnh nhân trước và sau phẫu thuật, bệnh nhân mắc các bệnh lý nhiễm khuẩn, suy thận…  

Hiện nay, Bệnh viện Lê Lợi đã tổ chức Phòng tư vấn dinh dưỡng (đối diện nhà xe) của bệnh viện, để tư vấn miễn phí tất cả các vấn đề về dinh dưỡng; đặc biệt là những vấn đề về dinh dưỡng phòng chống COVID-19 cho mọi người.

Mỗi ngày, 1 người trưởng thành ăn 400-500g rau và trái cây chín sẽ cung cấp đủ nhu cầu vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Đồng thời tăng cường bổ sung các loại gia vị như hành, tỏi, gừng, sả và các loại rau thơm trong chế biến thực phẩm, bởi những thực phẩm này có chứa các chất diệt khuẩn, virus rất tốt.

MINH THIÊN-NGUYỄN HUẾ

 
;
.