THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH, SGK LỚP 1 MỚI

Giáo viên phải ứng biến linh hoạt

Thứ Hai, 30/11/2020, 20:31 [GMT+7]
In bài này
.

Ngành GD-ĐT đã thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong việc triển khai chương trình SGK lớp 1 mới, giúp GV chủ động trong năm đầu thực hiện chương trình.

Một tiết học của HS lớp 1 tại Trường TH Nguyễn Thị Minh Khai (TX. Phú Mỹ).
Một tiết học của HS lớp 1 tại Trường TH Nguyễn Thị Minh Khai (TX. Phú Mỹ).

CÒN NHIỀU BĂN KHOĂN

Bà Nguyễn Thị Mộng Thu, Phó trưởng Phòng Mầm non-Tiểu học (Sở GD-ĐT) cho biết, qua dự giờ, trao đổi, có thể thấy một bộ phận GV chưa chủ động, linh hoạt trong giảng dạy SGK mới. Đơn cử như với môn Toán, trong SGK vẽ minh họa phép tính với viên sỏi, trái bóng, chong chóng…, một số GV suy nghĩ rập khuôn rằng, phải có những đồ dùng tương tự như SGK thì mới tổ chức dạy được. Hay trong bài học về hình hộp chữ nhật, hình lập phương, có GV còn cứng nhắc yêu cầu HS sắp xếp các khối hộp giống hệt như minh họa trong SGK. Bên cạnh đó, một số GV còn lúng túng cách hướng dẫn HS nhận biết khối hộp chữ nhật, lập phương. Có GV lại băn khoăn về việc có nên yêu cầu HS học thuộc lòng bảng phép tính cộng, trừ hay không; dạy HS phép tính theo cột ngang hay cột dọc…

Ở bộ môn Tiếng Việt, nhiều hình ảnh trong SGK không thể hiện được bản chất của từ ứng dụng mà sách đưa ra, khiến GV gặp khó khăn khi giải thích nghĩa của từ cho HS. GV cũng cho rằng yêu cầu của chương trình mới khá cao khiến GV lo lắng về việc học trò bị “hụt hơi”.

Cô Lê Thị Kim Nhung, GV Trường TH Trần Phú (huyện Xuyên Mộc) chia sẻ: “SGK môn Tiếng Việt có khá nhiều bài có những đoạn văn dài. Điển hình trong cuốn SGK Tiếng Việt 1 tập 2 (bộ Chân trời sáng tạo) có bài Bông hoa niềm vui, trong đó có đoạn văn dài 118 từ. Viết lên bảng thì quá dài mà không viết thì trẻ khó tập trung. Với những văn bản đọc có dung lượng dài như vậy, GV nên giải quyết như thế nào để việc luyện đọc, luyện viết cho HS đạt hiệu quả?”.

SGK KHÔNG PHẢI LÀ “PHÁP LỆNH”

Tại hội thảo giải đáp, hướng dẫn các hình thức tổ chức, giảng dạy môn Toán, Tiếng Việt đối với lớp 1 do Sở GD-ĐT tổ chức cuối tuần trước, PGS.TS. Nguyễn Thị Ly Kha (Chủ biên môn Tiếng Việt cấp Tiểu học, bộ sách Chân trời sáng tạo) cho biết, văn bản trong tất cả các cuốn SGK Tiếng Việt 1 đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt đều có dung lượng dài hơn SGK cũ do khả năng đọc-viết-nói-nghe của HS hiện nay đã nâng cao hơn so với 20 năm trước. GV có thể linh hoạt dùng máy chiếu, bảng tương tác hoặc ghi lên bảng đoạn cần luyện đọc. Tuy nhiên, GV cũng có thể khuyến khích HS sử dụng SGK vì đọc sách, sử dụng sách là một kỹ năng cần hình thành và rèn luyện cho HS ngay từ lớp 1. Với các bài đọc dài, GV nên cho HS đọc nối tiếp trong các nhóm nhỏ để tăng lượt đọc cho các em.

Điểm nổi bật của SGK Tiếng Việt 1 (bộ Chân trời sáng tạo) là sắp xếp bài học theo chủ đề ngay từ tuần đầu tiên. Việc sắp xếp bài học âm chữ, vần theo chủ đề giúp HS ghi nhớ kiến thức mới và truy xuất kiến thức đã có tốt hơn, giúp HS phát triển ngôn ngữ tốt hơn. Mặt khác, việc sắp xếp theo một chủ đề với tất cả các mạch kiến thức có liên quan đến nhau ngay trong từng bài học và giữa các bài học trong tuần sẽ giúp HS không bị gián đoạn mạch tiếp thu, suy nghĩ và tư duy trong khi học. “Với dụng ý như trên, khi gặp các từ ứng dụng không có hình ảnh minh họa cụ thể, GV có thể gợi mở cho HS “truy xuất” kiến thức trong những bài học trước đó để hiểu được ý nghĩa của từ đưa ra. Ngoài ra, GV nên chủ động, sáng tạo đưa ra những cách khác nhau để HS tiếp cận từ mới”, PGS.TS. Nguyễn Thị Ly Kha cho hay. Theo bà, SGK và cả sách hướng dẫn cho GV đều không phải là pháp lệnh mà chỉ là phương án dạy học. Vì vậy, GV cần căn cứ vào tình hình thực tế để đề ra giải pháp. GV tuyệt đối không bắt HS học thuộc lòng các bài đọc, chỉ cần các em nhận biết và đọc được các chữ trong bài.

ĐỪNG DẠY THEO LỐI NGHĨ CỦA NGƯỜI LỚN

Đồng quan điểm, PGS.TS. Đỗ Tiến Đạt (Chủ biên môn Toán lớp 1, bộ SGK Cánh diều) cho rằng không nên buộc HS phải ngay lập tức học thuộc các phép tính trong bảng cộng trừ mà có thể cho các em tra cứu trong những trường hợp quên phép tính. Mỗi lần tra cứu, GV lại nhắc HS cách ghi nhớ bảng, cách nhẩm để tìm kết quả phép tính. “Mỗi GV phải là kỹ sư thiết kế bài giảng, không lệ thuộc vào SGK, vở bài tập hay sách hướng dẫn, phải chủ động nắm bắt nội dung, yêu cầu của bài học một cách hệ thống để xây dựng kế hoạch giảng dạy, đồng thời chia bài học thành từng chặng để HS làm quen dần với các phép tính”, PGS.TS. Đỗ Tiến Đạt giải thích thêm.

GS.TS. Đỗ Đức Thái (Tổng chủ biên môn Toán, bộ SGK Cánh diều) cho hay, yêu cầu đặt ra với HS lớp 1 chỉ đơn giản là sau khi hoàn thành chương trình, các em biết tính toán và nhận diện hình khối nên GV và phụ huynh không nên đặt ra áp lực quá lớn để “làm khổ” trẻ. Trong SGK môn Toán của bộ sách này, cách tìm kết quả của các phép tính được hình thành dựa trên thao tác thêm, bớt với sự hỗ trợ của đồ dùng trực quan như que tính, chấm tròn, ngón tay… Để HS nắm được cách tìm kết quả phép tính, GV cần tổ chức cho HS hoạt động theo các chặng như: cho HS thao tác trên vật thật (hoặc đồ dùng trực quan) để tìm kết quả phép tính; thao tác trên mô hình; thực hiện trên con số và phép đếm… Khi HS đã thành thạo cách tìm kết quả phép tính trên vật thật và trên mô hình, GV từng bước hướng dẫn HS thực hiện trừ trên số và phép đếm. Tùy vào tình hình thực tế của HS, GV tổ chức dạy cách trừ với các chặng cho phù hợp.

“Với quan điểm dạy đâu chắc đó, học đâu chắc đó, GV tổ chức các hoạt động để HS nắm chắc từng chặng. Có thể chọn phân bổ thời gian hướng dẫn từng chặng linh hoạt với HS”, GS Thái nói. GV có thể có nhiều cách tổ chức dạy học linh hoạt, chẳng hạn như tổ chức cho HS hoạt động theo cặp hoặc theo nhóm bốn, tổ chức trò chơi đố bạn…

Với nội dung nhận diện hình khối, ở lớp 1, GV hướng dẫn các em bước đầu nhận diện bằng trực quan sinh động (nhìn, cầm, nắm), không dạy các em nhận diện bằng kiến thức về cạnh, góc, bởi đó là “nhiệm vụ” của chương trình lớp 5. “Điểm mấu chốt là GV phải dạy học trên cơ sở hiểu trẻ, theo tiến trình nhận thức của trẻ, đừng dạy học theo lối nghĩ của người lớn”, GS Đỗ Đức Thái nhấn mạnh.

Bài, ảnh: KHÁNH CHI

;
.