Phụ nữ nên cẩn trọng với tim bẩm sinh thông liên nhĩ

Thứ Bảy, 20/03/2021, 07:41 [GMT+7]
In bài này
.

Chị Y.P (26 tuổi, Kon Tum) thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, khó thở, cảm giác hồi hộp, tim đập mạnh, đặc biệt là khi gắng sức. Ca can thiệp thông liên nhĩ bằng dụng cụ qua da đã giúp người bệnh bít lỗ thông liên nhĩ kích thước 30mm, trả lại nhịp đập khỏe mạnh cho trái tim.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân Y.P trước khi xuất viện.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân Y.P trước khi xuất viện.

KHÓ BỊ PHÁT HIỆN

Chị P. vô tình phát hiện bị bệnh tim bẩm sinh với dị tật thông liên nhĩ khi đến bệnh viện khám bệnh vì bị choáng váng khi đang đi cạo mủ cao su. Do điều kiện kinh tế khó khăn, dù bệnh ngày càng ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng lao động nhưng rất lâu sau chị mới tìm đến Bệnh viện Gia An TP.HCM để điều trị. Tại đây chị được chương trình “Nhịp đập yêu thương” của bệnh viện hỗ trợ kinh phí phẫu thuật để điều trị bệnh. Kết quả thăm khám và các kết quả cận lâm sàng cho thấy chị bị giãn buồng nhĩ phải, thất phải thông liên nhĩ thứ phát, kích thước lỗ thông 30mm. Đây là nguyên do khiến chị liên tục có những cơn mệt, khó thở, không thể làm việc gì.

Thông liên nhĩ là một dị tật bẩm sinh của tim do tình trạng khiếm khuyết tại vách liên nhĩ dẫn đến hiện tượng có lỗ thông giữa buồng nhĩ trái và buồng nhĩ phải của tim. Bình thường, áp lực ở buồng nhĩ trái vốn cao hơn so với nhĩ phải, khi có lỗ thông giữa 2 buồng nhĩ, máu sẽ chảy từ buồng nhĩ trái qua buồng nhĩ phải, khiến buồng tim phải buộc phải nhận máu nhiều hơn bình thường dẫn tới tim phải bị giãn và gây tình trạng suy tim.

Bệnh lý tim bẩm sinh, thông liên nhĩ chiếm khoảng 5-10% trong các bệnh lý bẩm sinh về tim mạch và chủ yếu xảy ra ở nữ. Do không có triệu chứng cơ năng và triệu chứng lâm sàng cũng khá kín đáo nên đa số các trường hợp mắc tim bẩm sinh thông liên nhĩ được phát hiện chủ yếu qua tầm soát sức khỏe hoặc đi khám một bệnh lý khác, phát hiện khi đi khám thai… khi người bệnh bị mệt mỏi, thở mệt, choáng váng, đặc biệt khi gắng sức. 

Bệnh lý thông liên nhĩ nếu không được điều trị, người bệnh sẽ bị tình trạng rối loạn nhịp nhĩ, tăng áp động mạch phổi, tăng sức cản mạch phổi, cuối cùng hậu quả tất yếu dẫn đến suy tim xung huyết, tắc nghịch mạch. 

KHÔNG THỂ DÙNG THUỐC UỐNG

Dị tật lỗ thông liên nhĩ ở tim chỉ có thể điều trị bằng phẫu thuật mổ mở để vá lỗ thông hoặc can thiệp bịt lỗ thông chứ không thể dùng thuốc uống. Theo BS.CKII Dương Duy Trang, Trưởng khoa Nội tim mạch - Tim Mạch can thiệp, Bệnh viện Gia An 115, TP.HCM, hiện nay để bít lỗ thông liên nhĩ các bác sĩ can thiệp tim mạch sử dụng một thiết bị có hình dạng như chiếc dù giúp bít thông liên nhĩ qua da. Dù là một dụng cụ có 2 cánh, khi thả vào lỗ thông liên nhĩ, 2 cánh dù sẽ kẹp vách liên nhĩ ở giữa và làm bít lỗ thông lại. BS Dương Duy Trang đã áp dụng thủ thuật này để điều trị cho chị Y.P. Đây là một phương pháp điều trị thông liên nhĩ ít xâm lấn, đạt hiệu quả cao, an toàn và chị Y.P đã được xuất viện ngay ngày hôm sau trong tình trạng ổn định, không còn khó thở. So với phương pháp mổ hở với nhiều nguy cơ biến chứng và gây đau đớn cho người bệnh, đây là một phương pháp ít xâm lấn, thời gian thực hiện thủ thuật ngắn, bệnh nhân mau hồi phục và rút ngắn được thời gian nằm viện.

ĐA SỐ PHỤ NỮ MẮC BỆNH TIM CÓ THỂ SINH CON
1. Phụ nữ mắc bệnh tim có nên có thai?
Với nhiều trường hợp bệnh tim thể nhẹ, việc mang thai gần như không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người mẹ và thai nhi. Với trường hợp bệnh tim thể nặng, chưa được điều trị hoặc không thể điều trị một cách triệt để thì việc mang thai có thể làm tăng nguy cơ tử vong của cả mẹ lẫn con.
2. Những lưu ý khi phụ nữ có bệnh tim trước khi mang thai
Người bệnh phải thăm khám và được tư vấn sức khỏe sinh sản với bác sĩ sản khoa và bác sĩ tim mạch để đánh giá tình trạng, sau đó mới đưa ra quyết định phù hợp về việc mang thai hay không. Các nguy cơ có thể gặp phải bao gồm: Thai chậm phát triển, Thai phát triển nhẹ cân, dọa sảy thai, sảy thai, dị tật bẩm sinh…
3. Cách để có thai kỳ khỏe mạnh
Cần có chế độ ăn có lợi cho hệ tim mạch; tập thể dục đều đặn theo lời khuyên của bác sĩ, tránh hoạt động thể lực nặng, tránh căng thẳng, bổ sung sắt, các vitamin và khoáng chất cần thiết…
Khám thai định kỳ ở cả chuyên khoa sản và chuyên khoa tim mạch, tuân thủ những chỉ dẫn của bác sĩ. Bác sĩ tim mạch sẽ đánh giá tình trạng bệnh tim của thai phụ có bệnh lý tim bẩm sinh trong suốt quá trình mang thai, phát hiện và xử trí kịp thời các triệu chứng và biến chứng để thai phụ có thai kỳ an toàn, 
khỏe mạnh.

TẦM SOÁT SỚM DỊ TẬT TIM BẨM SINH

Các thống kê cho thấy, có đến 90% các vấn đề tim bẩm sinh có thể được phát hiện thông qua siêu âm tim thai nhi. Hầu như tất cả các dị tật tim bẩm sinh đều có thể được phát hiện qua siêu âm tim thai nhi vào tuần thứ 17, 18, thậm chí ngay tuần thứ 12 của thai kỳ.

Tùy theo tình trạng của dị tật tim ở thai nhi mà bác sĩ sẽ tư vấn giải pháp và kế hoạch can thiệp tốt nhất, nhờ đó giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh và tử vong ở trẻ sơ sinh do dị tật tim. Điều này không chỉ giúp các bác sĩ tham vấn tiên lượng đối với thai kỳ mà còn giúp các bậc cha mẹ chủ động về tâm lý lúc sinh. 

TRẦN NHUNG

;
.