Gỡ rối cho học sinh trước kỳ thi tốt nghiệp THPT

Thứ Tư, 21/04/2021, 18:38 [GMT+7]
In bài này
.

Thời điểm này, học sinh lớp 12 cả nước đang chuẩn bị đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH. Trên địa bàn tỉnh đã diễn ra hàng loạt chương trình tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh nhằm cung cấp cho thí sinh những thông tin hữu ích về kỳ thi và định hướng lựa chọn ngành nghề.

Thành viên Ban tư vấn là đại diện các cơ sở giáo dục CĐ, ĐH uy tín.
Thành viên Ban tư vấn là đại diện các cơ sở giáo dục CĐ, ĐH uy tín.

Tuyển sinh bằng chứng chỉ ngoại ngữ có công bằng?

Trong các chương trình tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp, thành viên ban tư vấn của các trường ĐH đã cung cấp cho thí sinh những thông tin “nóng hổi” mà Bộ GD-ĐT vừa công bố về quy chế thi tốt nghiệp THPT và hướng dẫn đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ sư phạm.

TS. Lê Thị Thanh Mai, Trưởng Ban Công tác sinh viên, ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho biết, thời gian đăng ký thi dự thi tốt nghiệp THPT năm nay kéo dài từ 27/4 đến 11/5. Những thí sinh sử dụng điểm thi tốt nghiệp để xét tuyển ĐH sẽ có 2 phương thức đăng ký là trực tiếp bằng Phiếu đăng ký dự thi và đăng ký trực tuyến. Nếu đăng ký trực tuyến thì thời gian kéo dài hơn từ 27/4 đến 15/5. Khi làm thủ tục đăng ký dự thi, xét tuyển ĐH, CĐ sư phạm, thí sinh cần lưu ý mục miễn thi ngoại ngữ để xét công nhận tốt nghiệp hoặc xét tuyển. “Tín hiệu vui là có khá nhiều trường ĐH sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quy đổi điểm để xét tuyển. Những năm qua, thí sinh tỉnh BR-VT thường có điểm trung bình môn tiếng Anh cao hơn bình quân cả nước trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Bên cạnh đó, nhiều HS có chứng chỉ ngoại ngữ nên các em cần tìm hiểu xem trường mình đăng ký có ưu tiên xét tuyển với thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ hay không”, bà Mai lưu ý.

Những mốc thời gian quan trọng trong xét tuyển ĐH, CĐ
Ngày 3/8, Bộ GD-ĐT sẽ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khối ngành đào tạo GV, khối ngành sức khỏe. Ngày 5/8, cơ sở đào tạo điều chỉnh, công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và trang thông tin điện tử của trường.
Từ ngày 7/8 đến 17/8, thí sinh thực hiện điều chỉnh NV đăng ký xét tuyển theo phương thức trực tuyến, điều chỉnh sai sót liên quan đến ưu tiên đối tượng, khu vực. Trước 17 giờ ngày 19/8, hoàn thành việc cập nhật thông tin về điều chỉnh sai sót của tất cả thí sinh vào cơ sở dữ liệu của Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT.
Từ ngày 20/8 đến 17 giờ ngày 22/8, thực hiện quy trình xét tuyển đợt 1 theo Quy chế tuyển sinh. Trước 17 giờ ngày 23/8, các trường công bố kết quả trúng tuyển đợt 1. Dự kiến từ ngày 8/9, các cơ sở đào tạo chủ động công bố lịch tuyển sinh bổ sung trước 15 ngày so với ngày xét tuyển. Từ tháng 8 đến tháng 12/2021, các cơ sở giáo dục xét tuyển các đợt tiếp theo và cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển và nhập học theo quy định.

Tuy vậy, nhiều thí sinh vẫn băn khoăn về phương thức tuyển sinh này. Một HS Trường THPT Lê Hồng Phong, TP. Vũng Tàu bày tỏ: “Việc tuyển sinh bằng chứng chỉ ngoại ngữ liệu có làm mất đi cơ hội của những thí sinh xét tuyển bằng điểm thi THPT và có bảo đảm sự công bằng với những thí sinh không có điều kiện thi chứng chỉ hay không?”.

Giải đáp thắc mắc này, ThS. Nguyễn Anh Vũ, Trưởng Phòng Tuyển sinh và Phát triển thương hiệu, Trường ĐH Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cho hay, nhiều trường ĐH dùng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS, TOEFL ITP, TOEFL iBT để xét tuyển. Tuy vậy, các trường dùng chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển chủ yếu ở các ngành có yếu tố đào tạo bằng tiếng Anh. Đơn cử tại ĐH Ngân hàng, việc xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ dành cho chương trình chất lượng cao và chương trình quốc tế song bằng. Chỉ tiêu dành cho ưu tiên xét tuyển và xét tuyển thẳng bằng chứng chỉ ngoại ngữ cũng không phải quá lớn so với tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường. Hơn nữa, thí sinh còn phải đáp ứng các điều kiện kèm theo như điểm học bạ. Ngoài ra, một số trường chỉ xem chứng chỉ ngoại ngữ như yếu tố cộng thêm điểm.

“Như vậy, thí sinh không có chứng chỉ ngoại ngữ, xét tuyển bằng phương thức khác không hề mất đi cơ hội. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, để bảo đảm sự công bằng cho thí sinh thì các trường nên sớm công bố và duy trì ổn định quy định này để thí sinh có sự chuẩn bị”, ông Vũ nhấn mạnh.

Có được đổi ngành, đổi trường khi đang học?

HS các trường THPT trên địa bàn TP. Vũng Tàu đặt câu hỏi cho Ban tư vấn.
HS các trường THPT trên địa bàn TP. Vũng Tàu đặt câu hỏi cho Ban tư vấn.

Nhiều thí sinh đã chia sẻ với ban tư vấn những băn khoăn trong việc lựa chọn ngành nghề. Em Nguyễn Huy Đức, HS Trường THPT Vũng Tàu bày tỏ: “Không chỉ riêng em mà nhiều bạn chưa thể xác định được mình nên học gì, làm gì cho tương lai”.

Theo TS. Lê Thị Thanh Mai, việc chọn ngành, chọn hướng đi cho tương lai là điều không hề dễ dàng với HS, bởi các em chưa trải nghiệm nên không biết mình có phù hợp với lựa chọn đó hay không. TS. Thanh Mai tư vấn: “Để tìm được hướng đi cho mình, trước hết các em phải biết mình thích làm gì trong tương lai. Nếu gặp khó khăn và cả những áp lực mà công việc đem lại thì có quyết tâm theo đuổi công việc đã chọn. Tiếp đó, các em trả lời câu hỏi cần học ngành gì để làm được công việc đó. Những trường nào đào tạo ngành này, điểm chuẩn, tuyển sinh, chương trình đào tạo, học phí… ra sao. Bước cuối cùng là soi lại sức học của mình để tìm kiếm phương thức tuyển sinh phù hợp”.

Một số thí sinh lại đặt ra vấn đề giải quyết như thế nào nếu “trót” chọn ngành, chọn trường không phù hợp. Em Lưu Quốc Anh, HS Trường THPT Vũng Tàu trăn trở: “Sau khi đậu ĐH, nếu như theo học một ngành mà em cảm thấy không phù hợp thì có được đổi sang học ngành khác hay không?”.

ThS. Phùng Quán, Trưởng Phòng Thông tin và truyền thông, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) cho hay, Bộ GD-ĐT đã ban hành quy chế đào tạo ĐH, cho phép SV được đổi ngành và đổi trường. Tuy nhiên, điều kiện đổi không hề dễ dàng như: phải được sự đồng ý của nhà trường, điểm thi của thí sinh phải cao hơn điểm chuẩn của ngành muốn vào và ngành muốn đổi vẫn còn chỉ tiêu tuyển sinh. “Nếu không đáp ứng được các điều kiện trên thì vẫn còn giải pháp khác. Các trường đều có chương trình học song ngành. Các em có thể học thêm ngành mình mong muốn trong cùng trường hoặc tại một trường khác nếu đủ năng lực. Ngoài ra, nếu không thích ngành đã chọn thì khi vào học chuyên ngành, các em có thể tìm một chuyên ngành mà mình cảm thấy phù hợp nhất để theo học”, ThS. Phùng Quán nói.

ThS. Phùng Quán chia sẻ câu chuyên của chính bản thân mình: “Trước đây, tôi thích ngành điện tử, nhưng lại chọn học ngành hóa nên sau một thời gian học, tôi thấy rất chán nản. Sau này, tôi được biết ngành mình đang học có chuyên ngành công nghệ thông tin hóa học nên tôi đã lựa chọn chuyên ngành này để phù hợp với sở thích và ngành hiện tại đang theo học”.

Đồng tình với ThS. Phùng Quán, TS. Lê Thị Thanh Mai cho biết thêm, để tránh lựa chọn ngành không phù hợp, các em nên chú ý đến việc đăng ký nguyện vọng (NV) xét tuyển ĐH. Dù không giới hạn số lượng NV nhưng thí sinh không nên đăng ký tràn lan, khi trúng tuyển những NV sau thì hứng thú ngành nghề cũng giảm. “Thí sinh đừng vì mục tiêu trúng tuyển mà phải vì mục tiêu cơ hội việc làm trong tương lai để đưa ra lựa chọn. Bám sát mục tiêu sẽ tránh được việc lựa chọn sai ngành nghề. Trúng tuyển ĐH chỉ là tấm vé để bắt đầu một chặng đường mới. Nếu cảm thấy không phù hợp với ngành nghề đã chọn, các em có thể gặp trực tiếp các thầy cô ở trung tâm công tác SV của trường ĐH để được tư vấn hướng đi tốt nhất”, TS. Lê Thị Thanh Mai tư vấn.

HS các trường THPT trên địa bàn TP. Vũng Tàu đặt câu hỏi cho Ban tư vấn.
HS các trường THPT trên địa bàn TP. Vũng Tàu đặt câu hỏi cho Ban tư vấn.

Bài, ảnh: KHÁNH CHI

Những nguyên tắc chọn ngành, chọn trường 

Chọn ngành, chọn trường là một quyết định quan trọng với các “sĩ tử” khi mùa thi sắp về. Sự lựa chọn này sẽ quyết định tương lai của mỗi người sau này. Vì vậy, các thí sinh cần cân nhắc kỹ lưỡng để đưa ra quyết định đúng đắn.

Xác định ngành nghề yêu thích

Đam mê và sở thích là nhân tố quyết định sự gắn bó và cố gắng hết mình. Vì vậy, khi chọn ngành và chọn trường, thí sinh nên cân nhắc xem mình muốn làm công việc gì trong tương lai. Việc lựa chọn nghề phù hợp với đam mê sẽ giúp bạn vượt qua mọi khó khăn và luôn tìm tòi, sáng tạo để phát triển hết năng lực của bản thân.

Không nên chạy theo số đông

Mỗi người có một hướng đi riêng. Vì vậy, đừng theo bạn bè đăng ký vào một trường, một ngành chỉ để cho vui và khi đi học có bạn có bè. Suy nghĩ ấy vô tình dẫn bạn vào hướng đi sai lệch, có thể khiến bạn bỏ học giữa chừng vì ngành nghề không phù hợp và không phát triển được tiềm năng bản thân.

Nên chọn trường phù hợp với năng lực

Mỗi HS có thể tự đánh giá được năng lực của mình qua những năm học phổ thông. Tuy vậy, các bạn cũng nên hiểu rằng, việc được điểm cao ở những năm học THPT so với năng lực thực tế nhiều khi vẫn có sự chênh lệch. Bạn phải xác định năng lực thật sự của bản thân tới đâu để chọn trường phù hợp. Bên cạnh đó, bạn cũng nên hiểu rằng, trong việc chọn ngành, chọn trường, người đưa ra quyết định chính vẫn là bạn. Ý kiến của phụ huynh và những người xung quanh chỉ mang tính chất tham khảo. Không nên vì sự áp đặt của gia đình mà chọn vào những trường quá cao mà không chắc chắn mình có vào được hoặc có thể gắn bó được hay không.

Lựa chọn trường, hệ đào tạo

Dựa trên ngành nghề đã lựa chọn, bạn hãy xem ngành nghề đó thuộc lĩnh vực nào và có những trường nào đào tạo ngành nghề đó. Trước khi lựa chọn trường cần xác định hệ đào tạo phù hợp với bản thân. Sau khi xác định hệ đào tạo, bạn nên tập danh sách các trường đào tạo theo hệ đã lựa chọn: Công lập, dân lập, điểm chuẩn, chỉ tiêu, uy tín, địa điểm, học phí, khối xét tuyển…

Chọn trường phù hợp với điều kiện kinh tế

Kinh tế tuy không phải yếu tố quyết định nhất đối với việc lựa chọn ngành nghề nhưng chi phí để một SV học 4 hoặc 5 năm ở trường ĐH cũng là vấn đề rất đáng quan tâm. Tùy theo từng trường, mức học phí có thể khác nhau. Nếu nguồn tài chính của gia đình không thể đáp ứng cho bạn trong những năm ngồi trên giảng đường thì việc vượt qua những năm học này sẽ vô cùng khó khăn. Vì vậy, bạn nên cân nhắc kỹ để có một sự đầu tư thật sự hiệu quả.

Chọn trường phù hợp với nhu cầu xã hội

Chọn ngành hay chọn trường cũng đều nhằm một mục đích là tìm kiếm một cơ hội việc làm cho tương lai. Vì vậy, khi chọn trường, chọn ngành, bạn nên tìm hiểu kỹ hơn về nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội trong 4-5 năm tới. Bạn có thể có được việc làm dễ dàng ngay sau khi tốt nghiệp chỉ khi nào xã hội đang cần người ở lĩnh vực đó. Tuy nhiên, vì nhu cầu xã hội mỗi ngày một thay đổi nên việc tìm hiểu nhu cầu xã hội chỉ mang tính chất tương đối, năng lực và đam mê của chính bạn vẫn là ưu tiên hàng đầu.

HOÀNG DƯƠNG

 

 

;
.