Ngành GD-ĐT với hành trình vươn ra "biển lớn"

Kỳ 2: Chọn đúng đường và thành quả đến nhanh

Thứ Sáu, 30/07/2021, 21:37 [GMT+7]
In bài này
.

Kiên định với chủ trương “đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển”, giai đoạn 2010-2020, ngành GD-ĐT tỉnh đã gặt hái quả ngọt. Nhiều HS của BR-VT đã đạt thành tích cao ở những cuộc thi quốc gia, quốc tế.

Em Hoàng Hữu Quốc Huy, HS Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (bìa phải) là HS đầu tiên của tỉnh giành Huy chương Vàng Olympic Toán học Quốc tế.
Em Hoàng Hữu Quốc Huy, HS Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (bìa phải) là HS đầu tiên của tỉnh giành Huy chương Vàng Olympic Toán học Quốc tế.

NHỮNG MỐC SON RỰC RỠ

Đến năm 2010, GD-ĐT của tỉnh vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế. Ông Nguyễn Thanh Giang, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT nhận định, thời điểm đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đù đã có những bước chuyển căn bản, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Đội ngũ cán bộ quản lý, GV còn thiếu và chưa đồng bộ, công tác phổ cập cho trẻ MN 5 tuổi còn nhiều khó khăn. Chất lượng giáo dục mũi nhọn của tỉnh chưa tạo được sự đột phá. Nhiều năm, BR-VT “trắng bảng” khi dự thi HS giỏi cấp quốc gia, thậm chí phải chuyển sang thi ở bảng B.

Trước thực tế đó tỉnh đã quyết định ban hành nhiều cơ chế, chính sách riêng để thúc đẩy GD-ĐT phát triển. Theo ông Nguyễn Thanh Giang, ngoài việc tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư các điều kiện để phát triển GD-ĐT, có thể kể đến những quyết sách nổi bật như Nghị quyết số 46 ngày 8/12/2011 của HĐND tỉnh khóa V về hỗ trợ đối với GV, HS Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn; Nghị quyết số 30 ngày 7-12-2012 của HĐND tỉnh khóa V về chế độ khuyến khích tài năng cho HS trường THPT chuyên, trường phổ thông và các Trung tâm GDTX trên địa bàn tỉnh; mở lớp tạo nguồn từ lớp 6, Chỉ thị 04/2013/CT-UBND ngày 28/02/2013 của UBND tỉnh về tăng cường công tác phổ cập giáo dục MN trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2011-2015… Tất cả tạo nên cú hích thúc đẩy sự phát triển GD-ĐT của BR-VT, đặc biệt là ở lĩnh vực giáo dục mũi nhọn.

Từ năm 2010-2020, toàn tỉnh có 350 HS đoạt giải kỳ thi HS giỏi cấp quốc gia các bộ môn văn hóa; với 3 giải Nhất, 56 giải Nhì, 113 giải Ba và 178 giải Khuyến khích. Năm 2017, em Hoàng Hữu Quốc Huy, HS Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đã lập nên kỳ tích, khi xuất sắc dành Huy chương Vàng (HCV) cuộc thi Olympic Toán học Quốc tế với số điểm thủ khoa. Không chỉ giành HCV, Hoàng Hữu Quốc Huy còn là thí sinh có điểm thi cao nhất thế giới, góp phần không nhỏ giúp Đội tuyển Olympic Việt Nam giành vị trí thứ 3 với tổng số 155 điểm, kết quả cao nhất trong lịch sử 43 lần dự thi Olympic Toán học Quốc tế. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ khi thành lập tỉnh, BR-VT có HS dự thi và đoạt giải tại cuộc thi tầm cỡ này.

Thầy Lê Quốc Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn chia sẻ, trước đây, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn có 24 lớp, trong đó có 12 lớp chuyên, còn lại là lớp cận chuyên dành cho những HS có điểm đầu vào thấp hơn. Nhà trường đã đề xuất bỏ lớp cận chuyên, mở rộng lớp chuyên, đồng thời “thắt chặt” tiêu chí tuyển chọn GV. GV được tuyển dụng phải từng đoạt giải quốc gia ở bậc THPT với bộ môn giảng dạy hoặc có trình độ thạc sĩ trở lên. Nhà trường còn thường xuyên tổ chức cho GV đến học tập tại những trường nổi tiếng trên cả nước, mời giáo sư hàng đầu về dạy các chuyên đề chuyên sâu để truyền cảm hứng cho GV và HS. Ngoài ra, các thầy cô cũng chú trọng định hướng phương pháp học cho HS và kết hợp nhiều hình thức dạy học để việc học tập đạt kết quả cao.

HOÀN THIỆN HỆ THỐNG TRƯỜNG LỚP, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC

Không riêng giáo dục mũi nhọn, giáo dục đại trà cũng có những bước tiến vượt bậc. Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, nhiều năm liền sau khi thành lập, toàn tỉnh vẫn còn tình trạng học ca 3, HS phải đi học xa, học ghép. Đặc biệt, một số địa phương khó khăn, còn không có đủ trường lớp. Trước tình hình đó, tỉnh đã ưu tiên ngân sách để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học cho ngành giáo dục, đồng thời huy động các tổ chức và cá nhân khác đầu tư theo chủ trương xã hội hóa. Năm 2012, tỉnh đã hoàn thành việc kiên cố hóa hệ thống trường lớp, xóa bỏ hoàn toàn lớp học ca 3, phòng học tạm, phòng học sử dụng các vật liệu không bền vững. “Với tinh thần coi giáo dục là quốc sách, hàng năm, 20% tổng chi ngân sách của tỉnh được sử dụng để đầu tư cơ sở vật chất cho ngành giáo dục. Đồng thời tỉnh cũng huy động các tổ chức và cá nhân khác đầu tư theo chủ trương xã hội hóa. Có thể nói, BR-VT là một trong những địa  phương đi đầu cả nước về xây dựng, kiên cố hóa hệ thống trường học, đồng thời trang bị mua sắm các thiết bị dạy học đáp ứng cho yêu cầu phát triển giáo GD-ĐT theo hướng toàn diện, tiêu chuẩn hóa, hiện đại hóa”, bà Châu nói.

Đến năm 2020, toàn tỉnh có 455 trường học MN và phổ thông, 88 trường học ngoài công lập, chiếm 19,3% trong tổng số trường học các cấp trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 165 trung tâm ngoại ngữ, tin học và 32 cơ sở giáo dục kỹ năng sống và giáo dục được đầu tư và hoạt động hoàn toàn theo phương thức xã hội hóa. Đến nay hầu hết các xã, phường, thị trấn đều có trường MN, TH, THCS. Mỗi huyện, thị xã, thành phố, tùy theo quy mô dân số, số lượng HS, đều được đầu tư từ 2 đến 5 trường THPT công lập (trừ huyện Côn Đảo có 1 trường). Khối trường chuyên biệt cũng được tỉnh quan tâm đầu tư, đã xây dựng mới 2 trường nuôi dạy trẻ khuyết tật, 1 trường nội trú dành cho con em đồng bào dân tộc.

Theo bà Châu, mục tiêu hoàn thiện hệ thống trường lớp trên địa bàn tỉnh không chỉ dừng lại ở việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất mà còn được đầu tư đúng mức về trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập. Hiện nay 100% trường TH, THCS và THPT có phòng học bộ môn hoặc phòng thí nghiệm, thực hành, 100% trường THPT, THCS được trang bị ít nhất 1 phòng máy vi tính phục vụ việc giảng dạy, học tập bộ môn tin học, và tin học hóa hoàn toàn hoạt động giám sát, kiểm tra, quản lý và văn phòng; 97,1% trường tiểu học cũng đã có phòng máy vi tính và tổ chức giảng dạy bộ môn tin học. Trong giai đoạn 2011 - 2020, việc đầu tư công nghệ thông tin vào nhà trường, vào giảng dạy tiếp tục được “phủ sóng” tới cấp học MN. Hầu hết các trường MN trên địa bàn tỉnh đều ứng dụng các chương trình, phần mềm tin học nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng nuôi dạy trẻ. 100% trường học, từ MN đến phổ thông hiện đều có thiết bị nghe nhìn, có những phòng học với hệ thống máy vi tính nối mạng. Đến nay, gần 100% GV bậc THPT, THCS và 80% GV MN, TH có thể lên lớp bằng giáo án điện tử. Cùng với đó, tỉnh đã tổ chức được cho HS lớp 3,4,5 được học tiếng Anh 4 tiết/tuần, đạt tỷ lệ 100% từ năm học 2018-2019; 100% các trường đều thực hiện tiết đọc sách với thời lượng tối đa 4 tiết/tháng; Số trường học 2 buổi/ngày đạt tỷ lệ 83,8% (tăng 16% so với năm học 2010-2011). 

Sự quan tâm đầu tư cho giáo dục và đào tạo của tỉnh đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của tỉnh. Các ngành học cấp học đều ổn định và tiếp tục phát triển. Các loại hình trường lớp tiếp tục được đa dạng hóa, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân trong tỉnh. Chất lượng công tác nuôi, dạy - giáo dục ở ngành học MN đảm bảo tốt. Chất lượng giáo dục văn hóa và đạo đức ở phổ thông ổn định và có một số mặt tiến bộ. Việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông triển khai tích cực, phổ cập giáo dục TH đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS được duy trì và củng cố vững chắc. Bà Rịa-Vũng Tàu cũng là tỉnh có tỷ lệ HS đậu tốt nghiệp THPT cao (riêng năm 2020 đạt 99,13%, cao hơn tỷ lệ trung bình của cả nước); có kết quả xét tuyển vào CĐ, ĐH thuộc tốp các tỉnh có chất lượng cao trong cả nước.

TIẾP TỤC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC TOÀN DIỆN 

Nói về định hướng phát triển giáo dục trong giai đoạn tới, Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Thị Ngọc Châu khẳng định, thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh. Ngành ưu tiên phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn, đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu đổi mới GD-ĐT; kết hợp sắp xếp, sáp nhập hợp lý với đầu tư phát triển hệ thống trường lớp theo hướng chất lượng cao, tự chủ, xã hội hóa và hội nhập quốc tế… GD-ĐT tiếp tục hướng tới hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực người học, hướng đến công dân toàn cầu; nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, phát triển tài năng cá nhân; thực hiện hệ thống giáo dục mở, phân luồng, liên thông, hướng tới xã hội học tập suốt đời…

Bài, ảnh: KHÁNH CHI

Tính đến tháng 12/2020, toàn ngành có 39 nhà giáo được phong tặng Nhà giáo Ưu tú, 6 tập thể được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, 17 tập thể và 11 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, 27 tập thể và 70 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng Ba, 32 tập thể được tặng Cờ thi đua của Chính phủ, 536 lượt tập thể được tặng Cờ thi đua của Bộ GD-ĐT và UBND tỉnh, 52 tập thể và 191 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 26 cá nhân được tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc, 8.625 nhà giáo được tặng Huy chương, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục.

 

 

;
.