Ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông

Thứ Sáu, 07/10/2022, 20:43 [GMT+7]
In bài này
.

Xã hội văn minh luôn là mục đích hướng tới của mọi người. Ngoài việc chi phối của pháp luật để điều chính hành vi thì ý thức của mỗi người tuân thủ những quy định là cực kỳ quan trọng. Do đó việc “kích hoạt” chủ đề trọng tâm: “Văn hóa giao thông vì sự an toàn của cộng đồng và trật tự văn minh đô thị” luôn đòi hỏi mỗi người không được xao lãng mỗi khi ra đường, tham gia vào sinh hoạt xã hội.

Phương tiện lưu thông trên QL51, đoạn qua địa bàn phường Phú Mỹ (TX. Phú Mỹ). Ảnh: ĐĂNG KHOA
Phương tiện lưu thông trên QL51, đoạn qua địa bàn phường Phú Mỹ (TX. Phú Mỹ). Ảnh: ĐĂNG KHOA

Nạn kẹt xe ở nhiều thành phố lớn hiện nay vẫn còn nan giải, tai nạn giao thông và mức độ nghiêm trọng vẫn còn phức tạp. Có nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân ngày càng lộ rõ đó là tình trạng người điều khiển phương tiện giao thông, việc chấp hành những quy định về giao thông quá kém, trong số đó lại có “một bộ phận” gần như không có ý thức văn hóa giao thông. Chuyện uống rượu say điều khiển phương tiện giao thông bất chấp, hoặc ngay như người tỉnh táo cũng vẫn không tuân thủ luật lệ giao thông có thể thấy ở những chốt đèn tín hiệu giao thông không có cảnh sát đứng gác.

Có thể nhận thấy điều này thể hiện rõ trên đường phố mọi lúc, mọi nơi. Ở nhiều giao lộ, có chốt đèn tín hiệu giao thông, nhưng nếu không có cảnh sát giao thông hoặc thanh niên xung phong túc trực thì hình ảnh người vượt đèn đỏ không phải là cá biệt. Điều này không chỉ gây khó chịu cho người cùng lưu thông, mà còn gây nguy hiểm cho người lưu thông ở hướng ngược lại. Thậm chí bây giờ khi tới giao lộ, đèn đỏ đã bật lên, người chấp hành nghiêm túc luật giao thông muốn dừng lại cũng phải ngó trước, ngó sau để “né” cái anh vượt đèn đỏ. Nếu lỡ xảy ra va quẹt, thay vì nhận lỗi về phần mình, kẻ vượt đèn đỏ còn sửng cồ, chửi bới, dọa nạt người đi đúng luật, hoặc văng tục dù người đó lớn tuổi, đáng mặt cha, chú của mình.

Do đường chật, xe đông, nên ô tô hoặc xe máy thường chạy lấn tuyến lẫn nhau là cảnh tượng cũng thường thấy. Nhất là những phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, xe taxi. Xe buýt thì ỷ mình được nhiều quyền ưu tiên nên chạy càn, lướt, ép xe máy không nương tay. Khi tới trạm dừng đỗ, rước khách không đúng quy định trong vạch sơn dành cho mình mà ngang nhiên đậu giữa phần đường dành cho xe máy. Còn xe taxi đúng là hình ảnh của những con ngựa bất kham, chạy loạn cào cào, muốn cua chữ u lúc nào thì cua, bất chấp an toàn giao thông và đây là sự cố ý không chấp hành luật giao thông mà mối nguy cho xã hội tăng cao vì họ là những người lái xe, điều khiển phương tiện giao thông công cộng đối tượng đang được khuyến khích trong giải pháp kéo giảm phương tiện giao thông cá nhân.

Có nhiều tuyến đường cấm xe thô sơ như xích lô, ba gác…nhưng ngay trong giờ cao điểm những loại xe này vẫn cứ chạy ngờ ngờ giữa dòng xe cộ đông nghịt mà không bị xử phạt. Thậm chí có chiếc xe ba gác chở ngất trời mây loại sắt thép xây dựng, cây nào cây nấy dài sọc mà chỉ lơ đễnh một chút xíu thôi những cây sắt nhọn này có thể đâm vào lưng bất cứ ai đang chạy xe phía trước. Trước các cổng trường học trong giờ cao điểm đưa, rước con em, phụ huynh học sinh dừng xe dưới lòng đường một cách vô tư, không biết rằng bản thân mình đã không chấp hành luật giao thông mà còn cản trở sự lưu thông của người khác.

Không bàn chuyện lô cốt, đường bị đào lên lấp xuống vô tội vạ, nạn lấn chiếm vỉa hè, các phương tiện kinh doanh, buôn bán tràn ra mặt đường cũng là một trong những nguyên nhân cản trở giao thông. Chỉ khoanh lại ở con người tham gia giao thông và xin kêu gọi mọi người hãy vì bộ mặt văn minh đô thị mà ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông mọi lúc, mọi nơi. Đây là vấn đề ý thức bản thân của người có văn hóa ở thành phố văn minh chứ không cần phải có mặt lực lượng CSGT mới “điều chỉnh” được hành vi này. Nhưng buồn thay, chuyện cũ chẳng có gì mới, mà cứ nói hoài vẫn thấy tình trạng “ý ngủ” nhiều hơn “ý thức”, thay vì phải ngược lại.

VÕ THU SƠN

;
.