Tiến tới "đích" thanh toán bệnh lao vào năm 2030

Thứ Năm, 23/03/2023, 18:39 [GMT+7]
In bài này
.

Đó là sự cố gắng của hệ thống mạng lưới phòng, chống lao từ tuyến tỉnh đến cơ sở đã thực hiện trong thời gian qua. Thực hiện hiệu quả từ công tác điều trị bệnh đến khám sàng lọc, phát hiện ca bệnh tại cộng đồng sẽ góp phần giúp tỉnh đạt mục tiêu thanh toán bệnh lao vào năm 2030.

Bác sĩ Lê Thanh Thuận (Khoa Nhiễm, Bệnh viện Bà Rịa) khám bệnh cho bệnh nhân lao.
Bác sĩ Lê Thanh Thuận (Khoa Nhiễm, Bệnh viện Bà Rịa) khám bệnh cho bệnh nhân lao.

Cần tuân thủ phương pháp điều trị

Cách đây hơn 1 tháng, bệnh nhân N.V.T (46 tuổi, phường Phú Mỹ, TX.Phú Mỹ) có biểu hiện tức ngực, ho và sụt cân đến mức đáng lo ngại nên cơ thể của anh thường xuyên mệt mỏi. Anh đến Bệnh viện Phổi Phạm Hữu Chí khám và được chẩn đoán mắc bệnh lao. Bác sĩ giới thiệu anh đến TTYT TX.Phú Mỹ lấy thuốc về uống tại nhà nên bệnh có đỡ. Thế nhưng, sáng 22/3, anh T. lên cơn khó thở, người nhà đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Bà Rịa và chỉ định nhập viện điều trị tại Khoa Nhiễm.

Theo bác sĩ, nguyên nhân khiến bệnh nhân T. khó thở là do lao phổi bội nhiễm. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng sức khỏe yếu nên bác sĩ cho uống kháng sinh, kháng lao ngừa bội nhiễm kết hợp thở oxy mask. Chị T.T.N, vợ anh T. nói: “Trước khi đổ bệnh, cơ thể anh giảm cân đột ngột, sụt khoảng 10kg. Gia đình chúng tôi lo lắng, đưa anh đi khám bệnh nên mới biết anh mắc bệnh lao”.

Cùng với bệnh nhân T., Khoa Nhiễm (Bệnh viện Bà Rịa) hiện điều trị 6 bệnh nhân lao khác. Hầu hết những bệnh nhân này đều ở mức độ nặng, có các bệnh lý khác đi kèm nên cần phải nhập viện điều trị. Đơn cử như bệnh nhân P.V.G. (88 tuổi, phường Mỹ Xuân, TX.Phú Mỹ) có tiền sử mắc bệnh hen suyễn, thường xuyên bị ho nên gia đình không nghi ngờ ông bị bệnh lao.

Chỉ đến khi người bệnh sốt cao, kèm theo ho nhiều thì người nhà mới đưa lên Bệnh viện Phổi Phạm Ngọc Thạch (TP.Hồ Chí Minh) để khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng. Khi đó mới biết ông G. mắc bệnh lao và được chuyển về TTYT TX. Phú Mỹ lấy thuốc về nhà uống. Tưởng chừng bệnh sẽ ổn nhưng cách đây 4 ngày, người bệnh lại có biểu hiện sốt cao, chân tay sưng, nên phải nhập viện tại Khoa Nhiễm (Bệnh viện Bà Rịa). Sau mấy ngày điều trị, sức khỏe của ông G. đã cải thiện.

Bác sĩ Lê Thanh Thuận, Khoa Nhiễm (Bệnh viện Bà Rịa) cho biết, trung bình khoa tiếp nhận điều trị nội trú khoảng 7 ca/ngày. Có những thời điểm như thời tiết trở lạnh, số bệnh nhân nhập viên tăng hơn 10 ca/ngày. Trong đó có những bệnh nhân mới phát hiện bệnh lao và bệnh nhân lao tái phát.

Hầu hết người bệnh vào viện khi có các dấu hiệu như ho ra máu, khó thở, sốt... ở mức độ nặng và nhẹ. Trường hợp bệnh lao được phát hiện sớm, việc điều trị đạt hiệu quả cao, vừa không mất thời gian và ít lây nhiễm ra cộng đồng. Riêng những người bệnh phát hiện bệnh lao khi đã muộn, khi đó bệnh diễn tiến nặng nên công tác điều trị khó khăn hơn. Những ca bình thường chỉ cần nằm viện từ 5-7 ngày, những ca nặng phải điều trị từ 20-30 ngày.

“Thời gian uống thuốc điều trị lao có khi kéo dài một năm nên người bệnh tuyệt đối không bỏ thuốc. Uống thuốc đúng liều lượng và hướng dẫn của bác sĩ. Hàng tháng, bệnh nhân lao phải đi tái khám để bác sĩ kiểm tra khả năng đáp ứng của thuốc trên cơ thể người bệnh và có thể điều chỉnh thuốc khi cần thiết. Tuân thủ đầy đủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ sẽ giúp công tác điều trị bệnh thành công cao”, bác sĩ Thuận nói.

Kiểm soát bệnh lao trong cộng đồng

Không chỉ làm tốt công tác điều trị, công tác khám, sàng lọc và tư vấn sức khỏe cho bệnh nhân lao ở cộng đồng cũng được thực hiện thường xuyên khi tỉnh đã có mạng lưới phòng, chống lao từ tỉnh đến cơ sở. Trong đó, tuyến tỉnh có Bệnh viện Phổi Phạm Hữu Chí có chuyên khoa lao và bệnh phổi; đồng thời đơn vị còn tổ chức các hoạt động phòng, chống lao của tỉnh.

Bệnh viện Bà Rịa và Bệnh viện Vũng Tàu có điểm kính xét nghiệm lao, tham gia khám và phát hiện, điều trị cho bệnh lao. Bên cạnh đó, tuyến huyện và xã đã có 10 tổ phòng, chống lao, 3 điểm kính xét nghiệm lao tại TTYT Vietsovpetro, Trạm Y tế xã Long Sơn và Phòng khám khu vực thị trấn Long Hải. 8 TTYT tuyến huyện có tổ chống lao và 2 tổ chống lao của đơn vị ngoài ngành y tế, gồm: Trại giam Xuyên Mộc và Cơ sơ tư vấn và điều trị nghiện ma túy. Tất cả các trạm y tế trên địa bàn toàn tỉnh có cán bộ chuyên trách lao.

Bác sĩ Nguyễn Trường Giang, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Phạm Hữu Chí cho biết, mạng lưới phòng, chống lao của tỉnh đã triển khai nhiều chương trình tại cộng đồng như: Sàng lọc chủ động lao tiềm ẩn cho người tiếp xúc với bệnh lao; duy trì và mở rộng hoạt động phối hợp y tế công - tư nhằm tăng phát hiện các ca lao; khám sàng lọc lao, lao tiềm ẩn cho người sử dụng Methadone tại TTYT TP.Vũng Tàu, Cơ sở điều trị Methadone Long Điền, Cơ sở tư vấn và điều trị nghiện ma túy, qua đó, phát hiện 2 trường hợp mắc bệnh lao phổi, hơn 300 trường hợp mắc lao tiềm ẩn.

“Hiện tỷ lệ điều trị khỏi bệnh nhân lao mới được duy trì ở mức cao, đạt trên 85%. Ngành y tế cũng đã áp dụng được công nghệ mới (XN GenXpert) và thuốc mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh lao. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động phòng, chống lao trên địa bàn tỉnh”, bác sĩ Giang nói thêm.

Trong năm 2022, toàn tỉnh có gần 4.900 người được khám, phát hiện lao. Hơn 1.320 bệnh nhân lao mới mắc các thể. Hơn 850 bệnh nhân lao được điều trị khỏi.

Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG

;
.