Gỡ rào cản để ngành chăn nuôi phát triển bền vững

Chủ Nhật, 29/01/2023, 18:17 [GMT+7]
In bài này
.

Ứng dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu để ngành chăn nuôi phát triển bền vững. Tuy nhiên, với quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều trở ngại.

Hệ thống điều khiển tự động trong chăn nuôi gà chuồng lạnh khép kín của Công ty TNHH Đầu tư phát triển Đông Nam Toàn Cầu (xã Suối Rao, huyện Châu Đức).
Hệ thống điều khiển tự động trong chăn nuôi gà chuồng lạnh khép kín của Công ty TNHH Đầu tư phát triển Đông Nam Toàn Cầu (xã Suối Rao, huyện Châu Đức).

Chi phí đầu tư lớn

Ông Phạm Hồng Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư phát triển Đông Nam Toàn Cầu (xã Suối Rao, huyện Châu Đức) cho biết, việc đầu tư công nghệ cao vào chăn nuôi gà chuồng lạnh khép kín mang lại nhiều lợi ích. Đó là bảo đảm phòng, chống dịch bệnh, tiết kiệm thức ăn, giảm sức lao động chân tay, cung cấp nhiều sản phẩm trứng chất lượng cao cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, do chi phí đầu tư khá lớn, khoảng 2,3 tỷ đồng/trại (1.600m2), nên công ty vẫn nuôi theo hình thức gia công.

Bên cạnh đó, tuy không lo về đầu ra, nhưng lợi nhuận của hình thức nuôi này không cao nếu so với chi phí đầu tư. Hơn nữa, việc ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi còn gặp nhiều vướng mắc, đó là cần nguồn vốn lớn, quỹ đất rộng. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi còn hạn hẹp, không ổn định, khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh tế chưa tương xứng với mức độ đầu tư.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh, việc đẩy mạnh xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, phát triển chăn nuôi theo hướng công nghệ cao sẽ tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng tốt, bảo đảm an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, do nguồn vốn đầu tư gấp 4-5 lần so với xây dựng trang trại theo mô hình truyền thống, trong khi việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng còn gặp nhiều khó khăn nên người chăn nuôi vẫn e dè, chưa mặn mà đầu tư công nghệ cao vào chăn nuôi. Đây cũng là rào cản lớn nhất trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. 

Ngoài ra, sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, chưa có năng lực làm chủ công nghệ tiên tiến cũng là trở ngại trong tiếp cận và ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại vào sản xuất. Đồng thời, thị trường tiêu thụ bấp bênh, chưa đa dạng khiến cho ngành chăn nuôi thiếu tính bền vững trong quá trình phát triển.

Tiếp tục gỡ khó

Ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, để chăn nuôi công nghệ cao có thể bứt phá, cần tháo gỡ rào cản về tiếp cận nguồn vốn, đất đai và tạo ra môi trường sản xuất ổn định, bền vững. Do đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tiếp tục tái cơ cấu ngành chăn nuôi, thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 phù hợp với bối cảnh mới. 

Cụ thể, trong năm 2023 và những năm tiếp theo, ngành chăn nuôi tiếp tục đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi sản phẩm, xây dựng mã định danh cho cơ sở chăn nuôi, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, chế biến sâu để nâng cao giá trị. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi trong thu hút trang trại chăn nuôi có ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ người chăn nuôi chủ động sản xuất con giống cung cấp cho thị trường để giảm chi phí đầu vào cũng sẽ được chú trọng.

Toàn tỉnh hiện có 132 trang trại hoạt động chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 514,8ha (tổng đàn 114 ngàn con heo thịt, 39.287 heo nái, hơn 2,53 triệu con gà thịt, 90 ngàn con gà giống, 54 ngàn con vịt giống). Ước tính tỷ lệ sản phẩm ứng dụng công nghệ cao năm 2022 đạt 2.445 tỷ đồng. Các công nghệ sử dụng gồm: trang bị hệ thống tự động điều khiển nhiệt độ, độ thông gió, hệ thống làm mát; điều khiển ánh sáng, hệ thống phun sương, hệ thống nhà lạnh trong chăn nuôi heo, gà; trang bị hệ thống dây chuyền giết mổ gia cầm bán tự động..., sử dụng chế phẩm sinh học, ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi, áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAP).

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

 
;
.