'Hiến kế' gỡ thẻ vàng cho hải sản Việt

Chủ Nhật, 11/06/2023, 18:50 [GMT+7]
In bài này
.

Nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đã được chia sẻ tại tọa đàm “Chung tay gỡ thẻ vàng cho hải sản Việt”. Chương trình do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với báo Pháp Luật TP.Hồ Chí Minh tổ chức ngày 10/6 tại xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền.

Trong khuôn khổ chương trình, sáng 10/6, ông Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ (thứ hai từ trái qua) và ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh (người đầu tiên bên trái) đã đi thăm hỏi, tặng quà cho các ngư dân xã Phước Tỉnh.
Trong khuôn khổ chương trình, sáng 10/6, ông Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ (thứ hai từ trái qua) và ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh đã đi thăm hỏi, tặng quà cho các ngư dân xã Phước Tỉnh.

Nhiều giải pháp được triển khai

Thông tin tại tọa đàm, ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư, Bộ NN-PTNT cho biết, thực hiện khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC), Việt Nam gần như hoàn thiện khung pháp lý đáp ứng được yêu cầu quốc tế như ban hành Luật Thủy sản năm 2017, Chính phủ ban hành 2 nghị định và Bộ NN-PTNT ban hành 8 thông tư, đến nay khung pháp lý đã hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu chống khai thác IUU.

Đồng thời, Việt Nam cũng áp dụng quy định lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS), đến nay đạt 97,6%. Hệ thống giám sát tàu cá triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương và tổ chức trực ban 24/24 giờ để theo dõi, giám sát.

Về thực hiện truy xuất nguồn gốc, thủy sản khai thác trong nước được kiểm soát theo chuỗi, xác nhận tại 53 cảng cá chỉ định, chứng nhận tại chi cục thủy sản, cấp chứng thư xuất khẩu và kiểm soát nguyên liệu tại các nhà máy chế biến. Việc kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác nhập khẩu đảm bảo theo quy định của pháp luật Việt Nam và cơ bản đáp ứng các yêu cầu của Hiệp định PSMA tại 14 cảng biển chỉ định cho tàu nước ngoài cập cảng.

Bà Rịa-Vũng Tàu có bờ biển dài 305,4km là nguồn lực rất lớn của tỉnh. Quá trình khai thác nguồn lực biển, bà con đã xảy ra một số vi phạm, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh quốc gia, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của bà con, thiệt hại nhiều về kinh tế.
Trung ương đã định hướng Bà Rịa-Vũng Tàu là tỉnh phát triển mạnh về kinh tế biển, phát triển kinh tế - xã hội. Mong rằng chủ đề của chương trình “Cùng như dân thắp sáng đèn trên biển” sẽ lan tỏa sâu rộng, đúng với tinh thần ngư dân vươn khơi, bám biển đúng luật, an toàn, góp phần thực hiện kế hoạch hành động gỡ thẻ vàng IUU mà Thủ tướng đã ban hành, phát triển ngành hải sản Việt Nam ngày càng bền vững hơn…
(Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh)

Ông Lê Tòng Văn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cũng thông tin, tỉnh đã nỗ lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp chống khai thác IUU. Từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh đã cơ bản ngăn chặn được tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, không có vụ việc nào xảy ra. Tình trạng tàu cá mất tín hiệu giám sát hành trình trên biển quá 6 giờ, trên 10 ngày đến nay đã giảm hơn 60%.

Tỉnh đã ký kết và triển khai quy chế phối hợp giữa UBND tỉnh với Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 và các tỉnh Kiên Giang, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Định để phối hợp có hiệu quả trong việc quản lý hoạt động thủy sản, chống khai thác IUU.

Công tác tuyên truyền Luật Thủy sản 2017 và quy định chống khai thác IUU được thực hiện bằng nhiều hình thức. Đặc biệt kết hợp thực hiện các chương trình như: Ăn Tết cùng ngư dân, Ăn sáng cùng ngư dân, Hải quân làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển, Hải quân nhận đỡ đầu con ngư dân, Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân. Đơn vị cũng thành lập thêm ba chốt liên ngành trên biển kiểm tra, kiểm soát các đợt cao điểm về chống khai thác IUU trong năm 2023.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng đã đẩy mạnh tuyên truyền IUU cho chủ tàu cá và thuyền trưởng, kiểm soát chặt tàu cá có nguy cơ cao và đấu tranh xử lý nghiêm các hành vi vi phạm...

Chung tay gỡ thẻ vàng

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Đỗ Tấn Thành, ở ấp Phước Thiện, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền có 1 cặp tàu lưới kéo đôi công suất 800CV/tàu cho biết, ông yêu cầu thuyền trưởng tuyệt đối không cho tàu vượt ranh giới đánh bắt ra vùng biển nước ngoài, bật máy giám sát hành trình 24/24, ghi nhật ký khai thác đầy đủ. “Từ đầu năm đến giờ, tàu đi biển đã lỗ gần 1 tỷ đồng nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm bám biển, bảo vệ ngư trường, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc và giải quyết việc làm cho thuyền viên, với mức lương 12 triệu đồng/tháng/người”, ông Thành nói.

Đại tá Lê Bá Quân, Phó Tư lệnh-Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân nhận xét: “Phần lớn ngư dân phân định rõ ranh giới và chấp hành tốt việc đánh bắt trên vùng biển nước mình. Tuy nhiên, do ngư trường cạn kiệt nên vẫn còn trường hợp ngư dân vi phạm quy định IUU, khai thác ở vùng biển nước ngoài. Lực lượng hải quân đã kiểm soát chặt, nắm chắc địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý một số trường hợp tàu cá vượt ranh”, ông Quân thông tin.

Các cơ quan chức năng đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà tuyên truyền IUU đến các ngư dân xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền).
Các cơ quan chức năng đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà tuyên truyền IUU đến các ngư dân xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền).

Trong khi đó, Đại tá Nguyễn Văn Thống, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho rằng, để gỡ thẻ vàng IUU, tuyên truyền là giải pháp cơ bản, lâu dài. Đồng thời, cần quản lý chặt các phương tiện, đặc biệt phương tiện có nguy cơ cao, kết hợp với việc chuyển đổi ngành nghề, tạo sinh kế cho ngư dân. Và việc này cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Đề xuất giải pháp tháo gỡ thẻ vàng của EC, ông Lê Tòng Văn đề nghị lập danh sách, quản lý chặt chẽ, tổ chức kiểm điểm chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân vi phạm bị nước ngoài bắt giữ trước cộng đồng. Buộc chủ tàu cá vi phạm phải chi trả chi phí để đưa ngư dân vi phạm về nước; tàu cá vi phạm không được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Thạc sĩ Hoàng Việt, chuyên gia Luật biển quốc tế Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh góp ý thêm, ở cấp nhà nước cần tiếp tục tăng cường đàm phán ký kết hiệp ước phân định rõ ràng vùng biển nào được đánh bắt, vùng đánh cá chung giữa 2 nước Việt Nam - Indonesia, Việt Nam - Malaysia, Việt Nam - Philippines. Đại diện cảnh sát biển, kiểm ngư ngoài khơi nỗ lực hơn nữa trong việc bảo vệ chủ quyền biển và bảo vệ ngư dân. “Tuyên truyền cho ngư dân việc tuân thủ IUU không chỉ giúp bảo vệ bà con trên những vùng biển chồng lấn mà còn giúp gỡ thẻ vàng của EC, giúp tăng thu nhập cho ngư dân”, Thạc sĩ Hoàng Việt chia sẻ.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có đội tàu khai thác 4.665 chiếc và 11 cảng cá (8 cảng loại II và 33 cảng cá loại III) và 33 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá. 5 cảng cá được Bộ NN-PTNT công bố đủ điều kiện xác nhận nguyên liệu thủy sản từ khai thác. Số tàu cá đã được cấp giấy phép khai thác 3.340 chiếc (đạt 71,06%), trong đó tàu cá trên 15m hoạt động vùng khơi đã cấp phép là 2.656/2.768 chiếc (đạt 96%). Số lượng tàu đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình: 2.659 tàu/2.768 (đạt 96,06%), còn lại 3,94% (109 chiếc) chưa lắp, chủ yếu là tàu đang nằm bờ, tàu cá dạng xỏng hoạt động nghề lưới rê vùng lộng, vùng ven bờ.

Bài, ảnh: NGUYÊN MINH

;
.