HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

Quan điểm của Người về pháp luật và đạo đức

Thứ Hai, 27/08/2018, 19:05 [GMT+7]
In bài này
.

Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở, Nhà nước ta là Nhà nước của dân, pháp luật của ta là pháp luật dân chủ, bảo vệ quyền lợi của nhân dân, phải nghiêm minh và phát huy hiệu lực thực tế. Người rất quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước có trình độ văn hóa, am hiểu pháp luật, thành thạo nghiệp vụ hành chính và nhất là phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, tận tâm, tận lực suốt đời phục vụ nhân dân. 

Bà  Nguyễn Thị Bé, công chức Sở Tư pháp, hướng dẫn người dân viết hồ sơ hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tập trung cấp tỉnh. Ảnh: PHÚC LƯU
Bà  Nguyễn Thị Bé, công chức Sở Tư pháp, hướng dẫn người dân viết hồ sơ hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tập trung cấp tỉnh. Ảnh: PHÚC LƯU

Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi cán bộ cách mạng phải sẵn sàng chịu mọi gian khổ hy sinh, phải quyết tâm chiến đấu đến cùng vì sự nghiệp cách mạng, phải coi đạo đức cách mạng như phẩm chất đầu tiên của mình: Cũng như sông có nguồn thì mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân.

Trong xã hội ta, pháp luật là sản phẩm phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân, đồng thời là sự thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng, nên các nội dung quy định của pháp luật là sự kết tinh của ý Đảng và lòng dân. Vì vậy, tuân thủ, thượng tôn pháp luật chính là tuân thủ, thượng tôn ý chí của nhân dân, vì lợi ích của nhân dân. Đây là một trong những yêu cầu đạo đức hàng đầu của cán bộ, đảng viên. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng. Dự cảm của Người chỉ ra rằng, trong điều kiện Đảng cầm quyền, cán bộ, đảng viên dễ lợi dụng chức quyền của mình và uy tín của Đảng để lộng quyền, đặc quyền, đặc lợi, ức hiếp quần chúng và dễ bị tha hóa. Nếu thiếu tư cách đạo đức thì cán bộ, đảng viên không thể nhận thức đúng và vận dụng đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thậm chí còn cố ý bóp méo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để mưu lợi cho cá nhân, gia đình hoặc thân hữu, từ đó làm mất niềm tin vào Đảng và Nhà nước. Vì vậy, liên tục trong 4 tháng, kể từ khi có chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết và nói tới hơn chục bài về giáo dục và rèn luyện đạo đức của cán bộ đảng viên. Theo Người, khi cán bộ đảng viên gương mẫu chấp hành pháp luật nghiêm thì sẽ là những tấm gương tốt lan tỏa lối sống thượng tôn pháp luật trong xã hội và ngược lại, khi không gương mẫu chấp hành pháp luật, sẽ trở thành những tấm gương rất xấu, làm xói mòn lòng tin của người dân vào tính uy nghiêm của pháp luật, của Đảng và chế độ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, sức mạnh của Nhà nước một mặt dựa vào tính nghiêm minh của việc thi hành pháp luật, mặt khác dựa vào sự gương mẫu, trong sạch về đạo đức của người cầm quyền, nên Người đòi hỏi cán bộ phải thực hành chữ Liêm trước để làm kiểu mẫu cho dân.

Những hiện tượng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên bắt nguồn từ sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, xa rời các nguyên tắc của Đảng, coi thường pháp luật. Không còn ý thức hết lòng vì nước vì dân, chỉ còn lại tham vọng chức vụ quyền lực để đem lại lợi ích cá nhân. Từ lũng đoạn kinh tế làm nghèo đất nước, làm sai lệch cán cân công lý đến lũng đoạn chính trị, phủ nhận vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, về mọi mặt của Đảng. Vì vậy kiểm soát quyền lực bằng giáo dục pháp luật, chấp hành nghiêm chỉnh luật pháp, giáo dục đạo đức cách mạng, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức trong sáng lối sống lành mạnh, trở thành yêu cầu bức bách để ổn định và phát triển.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức và tăng cường pháp luật cần được chúng ta kế thừa và phát huy trên con đường xây dựng Nhà nước pháp quyền mạnh mẽ, trong sạch, vững mạnh có hiệu quả. Thực tiễn cho thấy, xây dựng Đảng về đạo đức và việc đề cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của đội ngũ cán bộ, đảng viên có mối quan hệ mật thiết, không thể tách rời. 

Thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, đảng viên để cán bộ, đảng viên gương mẫu tuân thủ, chấp hành pháp luật là một trong những biện pháp nhằm góp phần xây dựng Đảng về đạo đức, qua đó củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, bảo đảm mọi người dân đều tuân thủ và chấp hành nghiêm chỉnh Hiến pháp và pháp luật, phát huy vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội, trong quản lý đất nước và kiến tạo sự phát triển bền vững.

Suốt đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh gương mẫu chấp hành kỷ cương phép nước đồng thời cũng suốt đời kiên trì giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên nhất là những người có chức, có quyền. Chuẩn mực đạo đức càng cao thì vai trò nêu gương chấp hành luật pháp của cán bộ, đảng viên càng quan trọng bấy nhiêu. Đồng thời, phải có chế tài đủ mạnh để xử lý bất kỳ ai sa sút đạo đức, vi phạm pháp luật.

TRẦN CÔNG HUYỀN

;
.