Tiếp tục quan tâm, đầu tư cho "tam nông"

Thứ Ba, 11/09/2018, 18:47 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 11-9, Tỉnh ủy BR-VT đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Các đồng chí: Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

ĐỜI SỐNG NÔNG DÂN KHÔNG NGỪNG CẢI THIỆN

Xã viên HTX Nhân Tâm (huyện Xuyên Mộc) xử lý nhãn sau thu hoạch.
Xã viên HTX Nhân Tâm (huyện Xuyên Mộc) xử lý nhãn sau thu hoạch.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết 26, Tỉnh ủy đã xây dựng Chương trình 24, cụ thể hóa các chương trình hành động của tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. 10 năm qua, tỉnh đã đầu tư xây dựng nền nông nghiệp toàn diện, từng bước hiện đại, phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn. Tỉnh đã triển khai công tác quy hoạch sản xuất nông nghiệp, cơ cấu lại các ngành sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp theo hướng phát huy các lợi thế so sánh của địa phương. Thời gian qua, ngành nông nghiệp cũng định hướng cho nông dân thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như: Chuyển đổi lúa một vụ năng suất thấp sang trồng rau màu; xây dựng thương hiệu hàng hóa gắn với việc chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp canh tác tiết kiệm, hiệu quả, giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh. Nhờ đó, tăng trưởng nông nghiệp bình quân của tỉnh giai đoạn 2008-2017 đạt 4,44%/năm, trong đó chăn nuôi tăng 6%/ năm, trồng trọt tăng 3,4%/năm. Cơ cấu cây trồng chuyển dịch theo hướng tăng các loại cây rau thực phẩm, hoa cây cảnh và cây lâu năm như hồ tiêu, cây ăn quả có giá trị cao như bưởi da xanh, nhãn xuồng. Sản xuất ứng dụng công nghệ cao từng bước được phát triển, đến nay đã có 616,7ha với sản lượng 7.318 tấn sản phẩm nông nghiệp sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Giá trị sản phẩm thu được/ha trồng trọt năm 2016 đạt 99,37 triệu đồng, tăng 47,14 triệu đồng so với năm 2010.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp được đầu tư nâng cấp. Hệ thống giao thông nông thôn, điện, trường, trạm y tế được tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn nông thôn mới. Cơ cấu kinh tế nông thôn đang chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề ở nông thôn từng bước phát triển đa dạng, dịch vụ nông thôn tăng khá. Các tổ chức tín dụng phát triển mạng lưới rộng khắp các địa phương và tạo điều kiện thuận lợi cho các DN và người dân nông thôn tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Về chương trình xây dựng nông thôn mới, tính đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 20/45 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người tại các xã nông thôn mới đạt khoảng 39,9 triệu đồng/người/năm.

ĐỂ NGÀNH NÔNG NGHIỆP PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Trang trại nuôi gà công nghiệp của ông Trần Văn Trường  (xã Suối Rao, huyện Châu Đức).
Trang trại nuôi gà công nghiệp của ông Trần Văn Trường (xã Suối Rao, huyện Châu Đức).

Mặc dù đạt những thành tựu tích cực, tuy nhiên đánh giá tại hội nghị cho thấy, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thoát khỏi tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu tính quy hoạch, liên kết. Ngay trong thời điểm hiện nay, ngành nông nghiệp vẫn đang phải đối mặt với tình trạng nông sản rớt giá, sản xuất khó tiêu thụ, xuất khẩu gặp khó khăn. Từ thực trạng này, giải pháp được đặt ra tại hội nghị  là tiếp tục cơ cấu lại nền nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

 Ông Nguyễn Công Vinh, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho biết, hiện nay, giá các loại nông sản đang giảm sâu nên ảnh hưởng đáng kể đến đời sống và thu nhập của người dân. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp còn nặng về trồng trọt, giá trị thu được trên 1ha canh tác còn thấp. Chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp còn mang tính tự phát. Do vậy, để ngành nông nghiệp thật sự bứt phá, cần đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Đồng thời, phải tạo sự đột phá về cơ chế chính sách để thực hiện quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng khoa học công nghệ và tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, phát triển theo hướng nông nghiệp sạch gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tham quan trang trại của ông Trương Văn Doanh  tại ấp Phú Thiện, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc. Ảnh: THANH TRÍ
Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tham quan trang trại của ông Trương Văn Doanh tại ấp Phú Thiện, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc. Ảnh: THANH TRÍ

Theo ý kiến của các đại biểu tại hội nghị, cần xác định lại chiến lược phát triển nông nghiệp dựa trên nhu cầu thị trường và lợi thế so sánh của từng vùng. Trên cơ sở đó, các địa phương quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng và tổ chức sản xuất cho phù hợp. Cùng với đó, đẩy mạnh liên kết giữa Nhà nước, nhà khoa học, DN và nông dân. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ cho nông dân tiếp cận các nguồn vốn đầu tư cho sản xuất nông nghiệp. Ông Võ Thành Phúc, Chủ tịch UBND xã An Nhứt (huyện Long Điền) cho biết, hiện nay nhu cầu vốn đầu tư sản xuất nông nghiệp rất lớn, tuy nhiên việc tiếp cận nguồn vốn vay còn hạn chế. Do vậy, tỉnh cần có thêm nhiều chính sách, chương trình vay vốn để hỗ trợ người dân đầu tư phát triển sản xuất. Thêm vào đó, thời gian qua, sản xuất nông nghiệp có bước phát triển nhưng chưa bền vững, đầu ra cho nông sản còn bất ổn, giá cả bấp bênh làm cho đời sống của người nông dân gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, theo ý kiến của ông Nguyễn Văn Long, Chủ tịch UBND xã Bưng Riềng (huyện Xuyên Mộc), trên địa bàn xã hiện nay hệ thống điện, thủy lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp vẫn còn hạn chế, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của người dân.

Trước những kiến nghị của một số địa phương, đồng chí Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, để nâng cao hiệu quả và tăng cường quản lý môi trường trong chăn nuôi, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN-PTNT rà soát và xây dựng quy hoạch, dự kiến sẽ trình HĐND tỉnh thông qua vào kỳ họp tháng 12-2018. Đối với chính sách hỗ trợ nông dân trong xây dựng nông thôn mới, hiện đã có nhiều chương trình, chính sách để bà con nông dân dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn. Tới đây, các địa phương và cơ quan chức năng cần hướng dẫn, hỗ trợ một cách nhanh hơn, phù hợp hơn. Đồng thời, tập trung chỉ đạo sản xuất, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn, nhất là việc ứng dụng tiến bộ KHKT, công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và bảo đảm ATVSTP; có giải pháp hỗ trợ hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững; xây dựng mô hình HTX kiểu mới có liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, HTX ứng dụng công nghệ cao, an toàn, chất lượng sản phẩm để nhân rộng.

Bài, ảnh: THANH TRÍ - QUANG VINH

ĐỒNG CHÍ NGUYỄN HỒNG LĨNH, ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, BÍ THƯ TỈNH ỦY, CHỦ TỊCH HĐND TỈNH:

Xây dựng kế hoạch, mục tiêu phát triển “tam nông” phù hợp

Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 26, tỉnh đã đạt những kết quả tích cực, làm thay đổi diện mạo nông thôn và đời sống nông dân. Tuy nhiên, qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 26, thực trạng nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, khó khăn như: Tiến độ thực hiện đề án tái cơ cấu nền nông nghiệp của tỉnh còn chậm, những sản phẩm đặc sản chủ lực phát triển thiếu bền vững, giá trị gia tăng thấp; giá trị sản xuất bình quân trên đơn vị diện tích trồng trọt còn thấp; Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ khu vực nông thôn chưa thu hút được các dự án liên kết, chế biến sâu nông sản để nâng cao giá trị gia tăng...

Để xác định rõ nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại, từng cơ quan, đơn vị, địa phương phải đánh giá thực chất việc triển khai thực hiện Nghị quyết 26 trong 10 năm qua để rút kinh nghiệm, xây dựng kế hoạch hoạt động phù hợp trong thời gian tới. Đồng thời, rà soát, thống kê, tổng hợp tình hình phát triển “tam nông” trên địa bàn tỉnh với các thông số cụ thể, có sự so sánh giữa hiện nay và 10 năm trước khi chưa triển khai Nghị quyết 26. Từ đó có định hướng phù hợp cho mục tiêu phát triển “tam nông” trong giai đoạn tới.

 

;
.