THU PHÍ KHÔNG DỪNG TRÊN QL51: Khó hoàn thành trong năm 2020

Thứ Ba, 17/11/2020, 19:25 [GMT+7]
In bài này
.

Theo Chỉ thị số 39/CT-TTg  của Thủ tướng Chính phủ, đến cuối năm 2020, các trạm thu phí BOT phải chuyển sang thu phí điện tử không dừng (ETC). Tuy nhiên, do đặc thù của dự án BOT QL51, hiện Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang cân nhắc có nên lắp đặt ETC hay không. Vì vậy, việc thu phí ETC trên QL51 sẽ khó hoàn thành trong năm 2020.

Xe qua trạm thu phí T3.
Xe qua trạm thu phí T3.

GIẢM ÙN TẮC VÀ MINH BẠCH TÀI CHÍNH

Theo ông Nguyễn Mạnh Thắng, Tổng Cục phó Tổng cục Đường bộ Việt Nam, khi sử dụng dịch vụ  ETC, ôtô sẽ được dán thẻ thu phí không dừng (Etag) định danh trên kính hoặc đèn xe. Khi xe đi vào làn không dừng, thiết bị đọc gắn tại trạm thu phí BOT sẽ trừ tiền của chủ xe trong tài khoản giao thông. Ưu điểm của thu phí ETC là các phương tiện giao thông sẽ không phải xếp hàng và dừng ít nhất 2 lần để mua vé, trả tiền, giữ được tốc độ lưu thông ổn định và tiết kiệm nhiên liệu; xe qua trạm được tự động nhận diện, trừ tiền trong tải khoản; mở barie tại trạm thu phí thông qua công nghệ sóng radio. 

Để mở tài khoản thu phí, chủ phương tiện nộp tiền vào tài khoản thu phí ETC theo nhiều cách. Có thể nộp tiền trực tiếp hoặc liên thông tài khoản ngân hàng và các hình thức khác. Trường hợp phương tiện giao thông được gắn thẻ mà số tiền trong tài khoản thu phí không đủ thì phương tiện phải sử dụng làn thu phí hỗn hợp. Đối với các DN được thu phí theo tháng, quý và năm, nhà cung cấp dịch vụ thu phí sẽ thực hiện trừ tiền trong tài khoản của chủ phương tiện tại thời điểm đăng ký thanh toán theo hình thức tháng, quý, năm. Việc gắn thẻ được thực hiện tại các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới, các đại lý do nhà cung cấp dịch vụ thu phí ủy quyền.

Việc lắp đặt dịch vụ ETC tại các trạm thu phí BOT theo đánh giá của các chuyên gia sẽ giúp giảm ùn tắc tại trạm thu phí, tăng tính minh bạch cũng như nhằm xóa bỏ việc phải dừng trả tiền mặt khi qua các trạm thu phí. Ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở GT-VT cho biết,  Sở GT-VT đã có văn bản triển khai tới các DN vận tải, trung tâm đăng kiểm yêu cầu chủ phương tiện giao thông trên địa bàn tỉnh thuộc diện thu phí phải tham gia sử dụng dịch vụ ETC thông qua việc gắn thẻ đầu cuối trên phương tiện xe ôtô và thanh toán qua tài khoản thu phí.

Ưu điểm của thu phí ETC là các phương tiện giao thông sẽ không phải xếp hàng và dừng ít nhất 2 lần để mua vé, trả tiền. Trong ảnh: Tài xế trả phí khi qua Trạm thu phí T3 (đoạn gần ngã ba Long Sơn, Quốc lộ 51).
Ưu điểm của thu phí ETC là các phương tiện giao thông sẽ không phải xếp hàng và dừng ít nhất 2 lần để mua vé, trả tiền. Trong ảnh: Tài xế trả phí khi qua Trạm thu phí T3 (đoạn gần ngã ba Long Sơn, Quốc lộ 51).

CÂN NHẮC VIỆC LẮP ĐẶT THIẾT BỊ ETC TRÊN QL51

Chỉ thị số 39/CT-TTg yêu cầu, chậm nhất đến ngày 31/12/2020, các trạm thu phí BOT phải chuyển sang ETC, trạm nào không thực hiện đúng thời hạn Bộ GT-VT sẽ xem xét tạm dừng thu phí. Ông Đinh Hồng Hà, Tổng Giám đốc BVEC cho biết: Thực hiện yêu cầu của Thủ tướng, BVEC đã chủ động ký kết phụ lục hợp đồng với Bộ GT-VT trong việc trích kinh phí từ doanh thu thu phí hàng năm để chi trả cho việc đầu tư thiết bị và chi phí công nghệ thu phí không dừng. Đồng thời, từ ngày 16/10 BVEC đã ký hợp đồng dịch vụ ETC với Công ty CP Giao thông số Việt Nam (VDTC) để triển khai dịch vụ này. Sau đó, BVEC và VDTC đã báo cáo với Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho triển khai ngay hoạt động thu phí không dừng trên tuyến QL51 để bảo đảm theo tiến độ và quy định của Chính phủ.

Để sử dụng được làn thu phí ETC, mỗi xe sẽ được nhà cung cấp dịch vụ mở một thẻ dán ở cửa kính trước (vòng tròn đỏ) để định danh, nhận diện khi qua trạm thu phí. Các chủ phương tiện là cá nhân dán thẻ cần mang theo CMND/thẻ CCCD/hộ chiếu; đăng ký và đăng kiểm từng xe; thông tin xe đúng theo giấy tờ xe. Chủ phương tiện là tổ chức, DN cần mang theo đăng ký kinh doanh hoặc công văn của tổ chức (kèm danh sách xe); đăng ký, đăng kiểm từng xe; thông tin xe đúng theo giấy tờ xe.

Tuy nhiên, do đặc thù của dự án BOT QL51, nên mới đây Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo riêng với dự án  BOT QL51 cần rà soát phương án tài chính và thời gian thu phí hoàn vốn. Cụ thể, theo kế hoạch, BVEC thu phí tuyến QL51 tới năm 2030 để hoàn vốn cho Dự án đầu tư xây dựng mở rộng QL51 theo hình thức BOT. Tuy nhiên, do lượng xe qua QL51 tăng gấp 3 lần so với dự kiến, việc thu phí sẽ được thực hiện tới năm 2026 (sớm hơn 4 năm so với kế hoạch). Đây chính là lý do Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang cân nhắc việc đầu tư cũng như lắp đặt thiết bị ETC để  tránh lãng phí cho xã hội cũng như bảo đảm phương án tài chính cho đơn vị đầu tư thiết bị ETC. 

“Chờ khi Tổng cục Đường bộ Việt Nam và VDTC đồng ý thì BVEC mới triển khai. Theo tính toán, trong trường hợp Tổng cục Đường bộ Việt Nam và VDTC đồng ý quyết định thời điểm lắp đặt và triển khai thực hiện thì BVEC khởi động ngay và thời gian dự kiến trong vòng 3 tháng sẽ hoàn thành và đưa dịch vụ ETC vào hoạt động trên các trạm thu phí ở dự án BOT QL51. Và như vậy việc thu phí ETC trên QL51 sẽ khó hoàn thành trong năm nay”, ông Đinh Hồng Hà khẳng định.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

;
.