Để không còn nỗi lo "mưa to là ngập"

Thứ Tư, 23/06/2021, 18:14 [GMT+7]
In bài này
.

Mùa mưa năm 2021 đến sớm hơn so với dự báo. Dù đã có phương án chống ngập, nhưng nỗi lo mỗi lần mưa lớn là ngập vẫn luôn canh cánh trong lòng những người làm công tác thoát nước đô thị.

Một tuyến kênh mương thuộc hẻm 780, Bình Giã (TP. Vũng Tàu) bị thu hẹp chỉ còn 1/2 diện tích thiết kế.
Một tuyến kênh mương thuộc hẻm 780, Bình Giã (TP. Vũng Tàu) bị thu hẹp chỉ còn 1/2 diện tích thiết kế.

KÊNH MƯƠNG BỊ LẤN CHIẾM

TP. Vũng Tàu đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng hệ thống thoát nước tại một số “điểm nóng”, nhưng khi mưa lớn, nước vẫn không tiêu thoát kịp. Nguyên nhân chính là do hệ thống kênh mương thoát nước của thành phố đang bị lấn chiếm, diện tích các hồ điều hòa bị thu hẹp.

Tuyến kênh thoát nước chính của TP. Vũng Tàu có chiều dài hơn 12km đi qua các phường: Thắng Tam, Nguyễn An Ninh, 10, 11, 12 và Rạch Dừa. Theo hồ sơ hoàn công năm 1994, chiều rộng của kênh đoạn rộng nhất là 21m (khu vực từ Chí Linh đến Cửa Lấp) và đoạn có chiều rộng hẹp nhất gần 13,4m (khu vực từ đường Nguyễn An Ninh đến hẻm 442, Bình Giã). Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết chiều rộng kênh chính bị thu hẹp so với trước đây. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân lấn chiếm hành lang để xây dựng nhà, công trình khác. Chẳng hạn, kênh thoát nước khu vực hẻm 442, Bình Giã, phường Nguyễn An Ninh ban đầu rộng từ 10-12m, nhưng nay chỉ còn khoảng 5-6m.

Khu vực lấn chiếm nhiều nhất là đoạn kênh từ hẻm 780, Bình Giã đến cầu Rạch Bà, có những nơi lòng kênh chỉ còn 1,5m thay vì 10m như thiết kế ban đầu. Ông Nguyễn Sỹ Quế, Phó Giám đốc Kỹ thuật Công ty CP KH-CN (Busadco) - đơn vị quản lý hệ thống thoát nước của TP. Vũng Tàu cho biết, đây là đoạn giáp ranh giữa 3 phường (phường 10, 11 và Rạch Dừa). Tình trạng xây dựng lấn chiếm lòng kênh thoát nước chính của TP. Vũng Tàu diễn ra ngày càng nghiêm trọng khiến cho dòng chảy bị thu hẹp, việc thoát nước bị chậm. Vì vậy dù đã được nạo vét nhưng tình trạng ngập úng cục bộ khi mưa lớn vẫn xảy ra.

Theo ông Nguyễn Sỹ Quế, việc thoát nước tập trung ở TP. Vũng Tàu cơ bản theo nguyên tắc: Nước mưa chảy xuống mương thoát nước (tuyến thông dẫn) dẫn đến hồ điều hòa, chảy về cống ngăn triều, đê bao và đổ ra biển. Trục thoát nước chính của thành phố như sau: Trục thoát nước Bàu Sen - Bàu Trũng - Rạch Bà - Cửa Lấp chạy từ Nam đến Bắc sân bay theo các vệt trũng dọc chiều dài thành phố. Trục thoát nước là một chuỗi hồ, kênh mương lớn và cống ngăn triều kết hợp thu nước mưa của toàn thành phố đổ ra biển. Điểm bắt đầu từ hồ Võ Thị Sáu, tiếp đến hồ Bàu Sen, hồ Bàu Trũng rồi phân theo 2 hướng: hướng ra cống ngăn triều hồ Rạch Bà và hướng ra cống ngăn triều Cửa Lấp rồi đổ ra biển.

Thế nhưng, hiện nay không chỉ kênh mương bị lấn chiếm, diện tích các hồ điều hòa cũng đang bị giảm mạnh khiến cho việc thoát nước khó khăn hơn. Cụ thể, tổng diện tích hồ điều hòa TP. Vũng Tàu chỉ còn khoảng 34,28ha. Ông Tôn Thất Kha, Phó Tổng Giám đốc Busadco cho biết, mưa lớn, gặp lúc triều cường dâng, các hồ điều hòa hiện hữu không đủ khối tích để chứa nước chảy dồn ra từ tuyến kênh chính. Bên cạnh đó, người dân còn xả rác, xà bần xuống kênh làm tắc nghẽn dòng chảy… khiến lượng nước của toàn thành phố dồn về thoát không kịp, gây ngập.

Trận mưa ngày 6/11/2020 kéo dài gần 5 tiếng đồng hồ khiến TP. Vũng Tàu  ngập trong biển nước.
Trận mưa ngày 6/11/2020 kéo dài gần 5 tiếng đồng hồ khiến TP. Vũng Tàu ngập trong biển nước.

ĐIỆP KHÚC “MƯA NGẬP TỨ PHÍA”

Theo ghi nhận của phóng viên, mùa mưa năm nào cũng xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ. Điển hình là trận mưa lịch sử vào sáng 6/11/2020 khiến TP. Vũng Tàu như một biển nước. Xe ô tô và xe máy chết máy hàng loạt, gây ách tắc giao thông trong khoảng thời gian dài. Học sinh không thể đến trường, công chức đến nơi làm việc trễ… Mới đây, trận mưa sáng 25/5/2021 chỉ kéo dài khoảng hơn 2 giờ cũng khiến một số tuyến đường bị ngập úng. Một số tuyến đường, vùng thấp trũng bị ngập cục bộ như: Võ Nguyên Giáp (đoạn gần cầu Cỏ May hướng từ TP. Vũng Tàu đi TP. Bà Rịa); một phần khu đô thị Chí Linh (TP. Vũng Tàu); Bà Rịa-Châu Pha, Cách mạng Tháng Tám (TP. Bà Rịa), bị ngập khoảng 15-20cm.  

Theo ông Tạ Quốc Trung, Giám đốc Sở Xây dựng, trên địa bàn các đô thị trong tỉnh có khoảng 1.110km cống thoát nước các loại. Tuy nhiên, hệ thống thoát nước ở các trung tâm thành phố, thị xã vẫn dùng chung để thoát nước mưa và thoát nước thải. Các đô thị Vũng Tàu, Bà Rịa, Phú Mỹ và các huyện Châu Đức, Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc khi có mưa lớn thường gây ngập úng cục bộ tại một số tuyến đường, gây ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến sinh hoạt của dân cư. Đặc biệt, 2 địa bàn có tốc độ đô thị hóa cao là TP. Vũng Tàu và TX. Phú Mỹ, đến nay hệ thống thoát nước chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ, còn chắp vá, chưa đáp ứng được nhu cầu thoát nước.

Qua rà soát, trên địa bàn tỉnh hiện còn 32 điểm ngập úng khi mưa to. Trong đó, TP. Vũng Tàu có 19 điểm. Tại TP. Vũng Tàu, các “điểm nóng” về ngập úng như: giao lộ Hạ Long-Trương Công Định; giao lộ Lê Lợi-Lê Hồng Phong; giao lộ Trần Đồng-Nam Kỳ Khởi Nghĩa; vòng xoay Nguyễn Tri Phương-Nguyễn Thái Học; vòng xoay Tượng đài Dầu khí, đường Nguyễn Hữu Cảnh, đường 30/4 (đoạn trước Xí nghiệp Vận tải biển và công tác lặn Vietsovpetro) bị ngập sâu từ 30-40cm. QL51, đoạn qua địa bàn TX. Phú Mỹ có 9 điểm thường xuyên ngập nước khi mưa lớn. Trong đó, ngập nặng nhất là tại các khu vực giao với đường 81, đường Chinfon, trước chùa Huệ Minh, chùa Bửu Thiên, chùa Đại Tòng Lâm, khu phố Ngọc Hà và Vạn Hạnh (TT. Phú Mỹ).

Theo phương án chống ngập úng TP. Vũng Tàu, TP. Bà Rịa, TX. Phú Mỹ và các huyện năm 2021 vừa được phê duyệt, để chống ngập úng trên diện rộng, Busadco đã thiết lập bản đồ hiện trạng hệ thống thoát nước trên địa bàn tỉnh nhằm kiểm soát, giám sát diễn biến tình hình ngập úng; duy trì kiểm tra hệ thống cọc tiêu tại các cửa thu, cửa xả, hệ thống hồ điều hòa kênh mương thoát nước chính và cống ngăn triều để kiểm soát và điều tiết cao độ mực nước chống ngập; nạo vét, giải tỏa thông thoáng hệ thống ao hồ, kênh mương thoát nước…

Đối với các công trình đang thi công, công ty phối hợp với chủ đầu tư, đơn vị thi công giám sát, kiểm tra việc thi công đúng quy hoạch, thỏa thuận thoát nước, đặc biệt phải có phương án thoát nước, đấu nối cho các khu vực lân cận. Tại TX. Phú Mỹ, công ty cũng thường xuyên kiểm tra nạo vét khơi thông các cống qua QL51. Ngoài ra, công ty cũng phối hợp chặt chẽ với Phòng Kinh tế - Hạ tầng TX. Phú Mỹ đấu nối các tuyến nhánh của QL51 nhằm thu nước cho các đường xương cá để tránh tình trạng ngập úng như mọi năm. Các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Đất Đỏ, Long Điền, mặc dù nguy cơ ngập không cao nhưng công ty cũng đã xây dựng các phương án chống ngập cụ thể, đề phòng mưa lớn.

Tuy nhiên, đó chỉ là những giải pháp chống ngập thường niên, về lâu dài ngoài việc đầu tư hệ thống thoát nước thì việc nạo vét các kênh mương, yêu cầu các hộ dân tháo dỡ các công trình lấn chiếm hệ thống thoát nước, cải tạo hồ điều hòa… mới là giải pháp căn cơ giúp BR-VT thoát khỏi điệp khúc “mưa lớn là ngập”.

-----

Các địa phương đã có đồ án quy hoạch chuyên ngành thoát nước

Theo Sở Xây dựng, đến nay, hầu hết các đô thị đã được UBND tỉnh phê duyệt đồ án quy hoạch chuyên ngành thoát nước. Cụ thể, TP. Vũng Tàu đầu tư xây dựng dự án thu gom, xử lý nước thải khu Gò Găng - Long Sơn; dự án thu gom, xử lý và thoát nước TP. Vũng Tàu giai đoạn 2; đầu tư xây dựng bổ sung các đoạn cống còn thiếu, các cửa xả để phát huy hiệu quả hệ thống thoát nước hiện hữu và đầu tư xây dựng mới các tuyến thoát nước chính của thành phố.

Công nhân Busadco khơi thông, nạo vét cống thoát nước trên địa bàn TX. Phú Mỹ.
Công nhân Busadco khơi thông, nạo vét cống thoát nước trên địa bàn TX. Phú Mỹ.

Đối với TX. Phú Mỹ, tỉnh đã có kế hoạch và đang đầu tư xây dựng các trục tiêu thoát nước chính, bao gồm: Tuyến cống hộp dọc KCN Mỹ Xuân A2; tuyến cống hộp dọc QL51; tuyến mương từ đường 46 đến đường Phước Hòa - Cái Mép xả vào suối Ba Sinh; dự án thu gom, xử lý và thoát nước thải khu đô thị mới Phú Mỹ.

TP. Bà Rịa và các huyện Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc, Châu Đức và Côn Đảo cũng đã có kế hoạch đầu tư xây dựng dự án thu gom, xử lý nước thải đô thị; tuyến mương thoát nước và hệ thống thu gom nước thải. Khi các dự án này được triển khai đồng bộ và đưa vào vận hành, BR-VT sẽ cơ bản giải quyết được các điểm nóng về ngập úng mỗi khi mùa mưa đến.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

;
.