Bảo vệ và phát huy giá trị di sản

Thứ Hai, 30/07/2018, 18:00 [GMT+7]
In bài này
.

Phát biểu tại hội nghị về “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững” do Bộ VHTTDL tổ chức cuối tuần trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Cái gì cũng có thể xây được, sản xuất được, sáng tác được nhưng di sản thì không thể tạo ra được. Vì vậy, tuyệt đối không phá hủy, làm hỏng hay hy sinh di sản vì bất kỳ lý do gì để phục vụ phát triển. Để mất di sản, dù là một phần, chính là bắn súng vào quá khứ, đánh mất bản sắc dân tộc”. 

Những năm qua, ngành văn hóa và du lịch nước ta đã tập trung khai thác di sản phục vụ du lịch và đã thu được những kết quả tích cực. Một số khu di sản như vịnh Hạ Long, quần thể di tích cố đô Huế, Tràng An, phố cổ Hội An, chùa Hương, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Yên Tử, khu di tích và danh thắng núi Sam, địa đạo Củ Chi... đã thu hút rất đông du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, chiêm bái. Năm 2017, riêng 8 khu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam đã đón hơn 16 triệu lượt khách, trong đó có 7 triệu lượt khách quốc tế, với doanh thu từ vé tham quan và phí dịch vụ trực tiếp khoảng trên 2.500 tỷ đồng. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể đã trở thành những điểm nhấn thu hút du khách, tạo nên thương hiệu riêng của các địa phương có di sản.

Tuy nhiên, so với tiềm năng hiện có, kết quả khai thác di sản, di tích phục vụ du lịch là chưa tương xứng. Đặc biệt, công tác trùng tu, tôn tạo, bảo vệ di tích còn nhiều bất cập. Nhiều di tích sau khi được tôn tạo, trùng tu đã có bộ mặt khác hoàn toàn so với ban đầu, mất đi giá trị lịch sử. Tình trạng di tích bị lấn chiếm, xâm hại xảy ra ở nhiều địa phương. Ý thức bảo vệ di tích của cả du khách, người làm du lịch, người dân và chính quyền ở một số nơi chưa cao. 

Ngoài tài nguyên thiên nhiên gắn với du lịch nghỉ dưỡng biển và suối khoáng nóng, BR-VT còn có hệ thống di tích lịch sử và danh thắng phong phú với 48 di tích (28 di tích quốc gia, một di tích quốc gia đặc biệt, 19 di tích cấp tỉnh). Một số di tích đã phát huy hiệu quả, là điểm đến thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước như: Di tích quốc gia đặc biệt nhà tù Côn Đảo, Bạch Dinh, Đình thần Thắng Tam, Nhà Lớn Long Sơn, Di tích lịch sử nhà lưu niệm chị Võ Thị Sáu, khu căn cứ Minh Đạm… Bên cạnh đó, nhiều di tích đã bị xâm hại, lấn chiếm khuôn viên làm nơi kinh doanh, xây dựng công trình dân dụng (Bạch Dinh, Thích Ca Phật đài, trận địa pháo cổ Cầu Đá); hoặc hạ tầng xuống cấp, hư hỏng, chưa phát huy hiệu quả, không thu hút được du khách (di tích viba, trận địa pháo cổ và hầm thủy lôi núi Lớn, địa đạo Long Phước, địa đạo Kim Long, địa đạo Hắc Dịch…). 

Mặt khác, công tác trùng tu, tôn tạo, bảo vệ và khai thác di tích trên địa bàn tỉnh cũng còn nhiều khó khăn do thiếu kinh phí, thiếu nhân lực. Do đó, nhiều di tích vẫn chỉ ở dạng tiềm năng chưa được đánh thức. Thậm chí, có di tích như Thích Ca Phật đài trong một thời gian dài từng là điểm đến thu hút rất đông du khách nhưng từ hàng chục năm nay đã bị lãng quên, bị các DN lữ hành rút khỏi danh sách điểm đến vì tình trạng xuống cấp, nhếch nhác, khuôn viên bị người dân chiếm dụng làm nơi kinh doanh, sinh sống. 

Tại hội nghị nêu trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Di sản không phải là di sản chết mà phải đóng góp vào phát triển bền vững. Nhiệm vụ của tất cả chúng ta, trước hết là ngành văn hóa, là phải làm cho các di sản hồi sinh, sống động, thu hút, đặc biệt là phải đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng phục vụ yêu cầu này”. 

Như vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn là sự nghiệp của toàn dân. Nhà nước chỉ tạo khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách, còn nhân dân đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ, gìn giữ, lưu truyền và phát huy giá trị di sản. Di sản cần được bảo tồn phát huy từ gia đình, bản làng, trường học và xã hội. Trong đó, xã hội hóa, cộng đồng hóa trong lĩnh vực này là xu hướng tất yếu và cần thiết. Thực tế đã chứng minh, những di sản được giao cho các DN quản lý và khai thác thường phát huy hiệu quả tốt, từ công tác bảo tồn, trùng tu đến khai thác, phát huy giá trị. 

NGUYỄN ĐỨC

;
.