Bình luận có trách nhiệm

Thứ Năm, 24/06/2021, 18:36 [GMT+7]
In bài này
.

Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội (MXH) vừa được Bộ TT-TT ban hành và chính thức có hiệu lực từ ngày 17/6, đã được dư luận đánh giá cao.

Một số điểm đáng chú ý của Bộ quy tắc này là khuyến cáo cá nhân/tổ chức sử dụng MXH sử dụng họ, tên thật; chỉ chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy; có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa; không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo…

Từ lâu, MXH đã được thừa nhận là mang lại những giá trị và tiện ích to lớn cho đời sống con người, từ việc trao đổi, giao tiếp, liên lạc, cung cấp thông tin, giải trí đến kênh mua bán hàng hóa… Đời sống thực có gì, MXH có đó. Tuy vậy, MXH cũng bộc lộ nhiều mặt trái tiêu cực. Trong đó, nhiều người dùng MXH để phục vụ mục đích cá nhân như: lăng mạ, chửi bới, đe dọa, bôi nhọ danh dự, hạ thấp uy tín người khác; kích động thù hận, dùng từ ngữ phân biệt vùng miền; nói tục, chửi thề trên MXH…

Bên cạnh đó, nhiều thông tin trên MXH không được dẫn từ nguồn chính thống, chưa kiểm chứng hoặc là thông tin giả nhưng vẫn được người dùng - trong đó có cả cán bộ, công chức, viên chức vô tư chia sẻ. Những thông tin này dẫn đến hoang mang dư luận, gây tâm lý lo lắng trong nhân dân. Điển hình gần đây nhất là các thông tin về dịch bệnh COVID-19, về tiêm vắc xin phòng dịch. Nhiều người đăng thông tin sai sự thật trên Facebook cá nhân đã bị cơ quan chức năng xử phạt nhưng vẫn có nhiều người vi phạm. Đáng lo ngại hơn, một số người dùng, dù không có mặt, không chứng kiến một sự kiện, hiện tượng do người dùng khác đưa lên MXH nhưng vẫn vung tay bình luận với những lời lẽ lên án, phê phán rất gay gắt với đối tượng được đề cập. Sau khi sự thật được sáng tỏ, những người này lặng lẽ rút lui mà không hề có lời đính chính hay bình luận nào thể hiện sai lầm của mình. Gần đây nhất, một số cá nhân còn dùng MXH để tổ chức livestream (phát video trực tiếp trên Facebook) nhằm “bóc phốt”, thóa mạ các cá nhân, gây bức xúc trong dư luận.

Trong bối cảnh cảnh đó, việc Bộ TT-TT ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên MXH là rất cần thiết. Nội dung Bộ quy tắc ứng xử trên MXH mang tính hướng dẫn, khuyên răn người dùng những điều nên và không nên làm và không có chế tài xử phạt. Tuy vậy, đây vẫn được coi là những chuẩn mực, định hướng để người dùng MXH cẩn thận hơn, trách nhiệm hơn với từng hành vi của mình.

Những thông tin, hình ảnh, lời bình luận trên MXH thể hiện trình độ hiểu biết và văn hóa của người dùng. Với ưu điểm là không gian rộng lớn, không biên giới, MXH có tác động rất lớn đến đời sống văn hóa, tinh thần của người dùng. Người dùng có văn hóa, có trách nhiệm sẽ thổi vào MXH những luồng không khí tích cực, hướng con người đến những cái hay, cái đẹp, làm điều hay lẽ phải. Ngược lại, người dùng thiếu ý thức trách nhiệm sẽ góp phần làm cho cộng đồng mạng có cái nhìn méo mó, lệch chuẩn và tiêu cực về cuộc sống, về xã hội. Thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp người dùng bị phát tán thông tin, hình ảnh, cùng những lời bình luận xúc phạm danh dự, nhân phẩm khiến họ chịu vết thương tâm lý không thể chữa lành, thậm chí nhiều trường hợp đã tự tử vì không thể chịu được sức ép từ cộng đồng mạng.

Như vậy, Bộ quy tắc ứng xử trên MXH tuy không phải mang chế tài xử phạt các hành vi không chuẩn mực của người dùng nhưng cùng với Luật An ninh mạng, Bộ quy tắc này sẽ góp phần định hướng người dùng MXH đi đúng đường. Điều quan trọng hơn cả là người dùng phải có đầy đủ nhận thức về sự lợi hại của MXH, từ đó có trách nhiệm với từng hành động của mình trước khi bình luận, chia sẻ hay đăng tải bất cứ điều gì trên mạng.

NGUYỄN ĐỨC

 
;
.