Tận dụng tối đa nguồn vốn đầu tư công

Thứ Ba, 08/06/2021, 18:49 [GMT+7]
In bài này
.

Đầu tư công hiểu một cách đơn giản là bơm vốn vào hoạt động kinh tế - xã hội, kích thích sự phát triển. Trong mọi bối cảnh, phát huy hiệu quả của đầu tư công, từ việc giải ngân đúng tiến độ, đầu tư các công trình dự án có mục tiêu rõ ràng và đạt giá trị sử dụng cao đều quan trọng và cần thiết.  Hiện nay, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế - xã hội thì việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công lại càng có ý nghĩa quan trọng.

Chính vì vậy, trong Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Chính phủ xác định thúc đẩy đầu tư công được coi là nhiệm vụ cấp thiết, chìa khóa của tăng trưởng.

Thực tế, trong nửa đầu năm 2021, xác định đầu tư công giữ vai trò kích cầu kinh tế, vừa giúp tiêu thụ nguyên vật liệu và giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, các cấp, các ngành, các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, trong báo cáo mới đây của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ, tỷ lệ giải ngân từ đầu năm chưa đạt theo kế hoạch. 4 tháng đầu năm 2021, vốn giải ngân vốn đầu tư công của cả nước mới đạt hơn  86.000 tỷ đồng, bằng 18,65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm so với cùng kỳ năm 2020.

Tại BR-VT, tính đến giữa tháng 5/2021, giải ngân vốn ngân sách tỉnh hơn 1.223 tỷ đồng, đạt 17,3% kế hoạch, nguồn vốn Trung ương và vốn nước ngoài chưa giải ngân. Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn thấp hơn tỷ lệ giải ngân chung của toàn tỉnh gồm: TP. Bà Rịa (5,2%), TX. Phú Mỹ (9,2%), huyện Đất Đỏ (7,8%); huyện Long Điền (6,5%), huyện Côn Đảo (9,4%), BQLDA chuyên ngành giao thông (12,6%), BQLDA giao thông khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải (3,5%)… 

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân vốn đầu tư chậm. Trong đó, nguyên nhân chính vẫn là khâu phân bổ vốn đầu tư công chưa đúng với năng lực chủ đầu tư và tiến độ công trình. Do đó có nhiều ý kiến cho rằng, cần rà soát trách nhiệm của chủ đầu tư, rà soát lại công trình, dự án có phù hợp với khả năng thực hiện nguồn vốn không, để điều chuyển cho các dự án khác có khả năng sử dụng vốn. Trong đó, cần ưu tiên đối với các dự án có mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội làm trọng tâm. Tránh tình trạng vốn chờ công trình như thời gian qua.

Trước tình khả năng giải ngân vốn đầu tư chưa đạt kế hoạch đề ra, trong cuộc họp của lãnh đạo tỉnh với các sở, ngành vể tình thực thực hiện dự toán thu chi ngân sách, diễn ra vào đầu tháng 6 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Khánh yêu cầu Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan ra soát, tập trung giải ngân tiến độ vốn đầu tư công, coi đây là nhiệm vụ cấp thiết và các giải pháp đề ra phải có hiệu quả trong thực tế.

Có thể nói rằng, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm trong nhiều năm trở lại đây khá phổ biến, xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có BR-VT. Bộ KH-ĐT đã đề xuất thành lập Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong từng bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, chịu trách nhiệm: rà soát, xử lý ngay những tồn tại, khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn liên quan đến đầu tư công, nhất là công tác chuẩn bị dự án, giải phóng mặt bằng, đấu thầu, định mức, suất đầu tư…

Rõ ràng đã đến lúc cần một cách làm bài bản hơn cho vấn đề đầu tư công, tháo điểm nghẽn về tiến độ giải ngân, để dòng vốn sớm được bơm vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh bức tranh kinh tế năm 2021 và những năm tiếp theo không mấy khả quan do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc giải ngân vốn đầu tư công đúng tiến độ, đạt kế hoạch là yếu tố quan trọng góp phần giữ ổn định kinh tế đất nước.

Phan Hà

 
;
.