Công nghệ - "luồng xanh", "giấy thông hành"…

Chủ Nhật, 11/07/2021, 19:30 [GMT+7]
In bài này
.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa ban hành hướng dẫn tạo thuận lợi (luồng xanh) cho việc lưu thông phương tiện trong thời gian TP.Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, những phương tiện vận chuyển đã có “Thẻ nhận diện phương tiện” (được cấp nhận diện bằng mã QR code) sẽ được đi qua các chốt kiểm soát trong thời gian nhanh nhất. Để bảo đảm vận tải hàng hóa được lưu thông thông suốt, Tổng cục Đường bộ đề nghị các tỉnh thành công khai các chốt kiểm soát dịch, trình tự, nội dung quy trình, số điện thoại của chốt để DN chuẩn bị trước các nội dung kiểm soát dịch; bố trí các điểm xét nghiệm nhanh tại chốt kiểm soát, phân luồng riêng hoặc tăng thêm cửa kiểm tra đối với xe và tài xế đã thực hiện khai báo y tế được lưu thông nhanh nhất.

Động thái tích cực, kịp thời của Tổng cục Đường bộ đã khiến cho nhiều DN vận tải và giới tài xế chở hàng thở phào nhẹ nhỏm. Nhờ có “Thẻ nhận diện phương tiện” và “luồng xanh” được thiết lập, việc vận chuyển hàng hoá qua trạm, chốt kiểm soát dịch COVID-19 mấy ngày qua cơ bản rút ngắn, chỉ còn khoảng 15-30 phút so với hàng giờ như những ngày trước đó.

Cũng cần nhắc lại là từ ngày 5/7, nhiều tỉnh thành ở miền Trung, Tây Nguyên và khu vực phía Nam áp dụng quy định yêu cầu người vào địa bàn, các lái xe vận tải chở hàng hóa phải có giấy xét nghiệm âm tính. Ai có “giấy thông hành” này mới được đi tiếp, ai không có giấy phải quay đầu xe. Nhiều chốt kiểm soát được lập trên các quốc lộ, tỉnh lộ nhưng quy trình, phương pháp kiểm tra mỗi nơi một kiểu, cơ bản vẫn là kiểm tra bằng phương pháp thủ công, khiến cho phương tiện giao thông bị ùn ứ, kéo dài, ảnh hưởng đến việc vận chuyển lưu thông hàng hóa.

Ứng dụng công nghệ “Thẻ nhận diện phương tiện” bằng mã QR code mà ngành GTVT triển khai đã mang lại hiệu quả: Một lượng đáng kể xe vận chuyển hàng hóa thiết yếu đã nhanh chóng rời khỏi các chốt kiểm dịch bằng “luồng xanh”, kịp đưa hàng về tới đích. Thế nhưng, không ít xe chở hàng dù đã được cấp “thẻ nhận diện phương tiện” vẫn chưa thể tiếp tục cuộc hành trình bởi tài xế còn thiếu các giấy tờ liên quan như giấy xét nghiệm âm tính với SARS-Cov-2, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận phương tiện v.v…

Nhiều lái xe chia sẻ trên diễn đàn “Bạn hữu đường xa” rằng họ cảm thấy bất tiện khi phải liên tục khai báo y tế tại các chốt, trạm kiểm dịch; Việc áp dụng “Tờ khai y tế” khác biệt và phương thức kiểm tra giữa các địa phương cũng gây nhiều khó khăn cho người đi đường nói chung và giới tài xế nói riêng và đương nhiên cho cả lực lượng tiếp nhận khai báo.

Tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 với lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh mới đây, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương hướng dẫn cụ thể việc tích hợp kết quả xét nghiệm của người dân vào mã QR cá nhân, tạo thuận lợi cho các điểm kiểm soát người ra, vào vùng dịch. Đây là lúc các bộ ngành, địa phương thực hiện yêu cầu đó của Phó Thủ tướng Chính phủ.

Hiện nay, tất cả xét nghiệm COVID-19 của người dân, kể cả xét nghiệm tầm soát và xét nghiệm dịch vụ đều đã được đưa lên hệ thống của ngành Y tế. Chúng ta cũng có đủ các giải pháp công nghệ để cấp “giấy thông hành” cho người dân. Vấn đề là các cơ quan chức năng sớm thực hiện tích hợp khai báo y tế, kết quả xét nghiệm, tiêm vắc xin vào trong một mã QR. Khi đi qua các chốt kiểm soát, người dân chỉ cần đưa mã QR và quét qua là cán bộ kiểm dịch biết họ đã xét nghiệm hay chưa, kết quả ra sao. Điều này còn tránh được tình trạng làm “giấy thông hành” giả để qua mắt lực lượng chức năng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, “5K + vắc xin + công nghệ” là cách tiếp cận mới trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam; Công nghệ không còn là biện pháp theo dõi, phòng vệ mà trở thành mũi tấn công trực diện hiệu quả, những giải pháp công nghệ thực sự như những “cánh tay nối dài” giúp Việt Nam kiểm soát dịch tốt hơn. Với ý nghĩa đó, việc sử dụng công nghệ vào công tác phòng, chống dịch cần được các lực lượng chức năng triển khai nhanh và đồng bộ, bảo đảm yêu cầu vận chuyển hàng hóa, nhu cầu di chuyển của người dân, thực hiện hiệu quả mục tiêu kép mà Chính phủ đã đề ra.

NGUYỄN TRIỆU HẢI

;
.